Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có xã được trang bị máy điện tim nhưng nguyên cả năm chỉ sử dụng có 6 lần. Một vấn đề nổi lên tại buổi làm việc này, là việc phân bổ thiết bị không phù hợp với nhu cầu sử dụng, nơi chưa có người sử dụng được phân bổ máy mới, nơi có người sử dụng thì máy móc cũ kỹ.
Máy điện tim ở Trạm Y tế phường 1.
Từ ngày 24 đến 26.5, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (gọi tắt là Liên hiệp Hội) thực hiện cuộc khảo sát một số cơ sở y tế công lập để tìm hiểu về tính hiệu quả của việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Đây là hoạt động mở đầu cho đợt khảo sát dự kiến kéo dài đến cuối tháng 6. Đoàn công tác đã lần lượt làm việc với các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế TP Tây Ninh và một số trạm y tế xã, phường.
Tuyến tỉnh: nơi thiếu máy, nơi thiếu giường
Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ Liêu Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (gọi tắt là Bệnh viện tỉnh) cho biết, các loại máy móc được trang bị đang sử dụng hết công suất. Hiện tại, Bệnh viện tỉnh có 4 máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, tổng trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Tần suất sử dụng cho 4 máy là 10 lần/ngày. Máy hoạt động ổn định, bình thường, người bệnh được chạy thận liên tục. Theo đánh giá, dự án mua máy chạy thận đã phát huy hiệu quả, hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Dự kiến, sau 10 năm hoạt động, Bệnh viện sẽ thu hồi vốn đầu tư.
Tại buổi làm việc, trả lời một số câu hỏi của các thành viên đoàn khảo sát, lãnh đạo Bệnh viện tỉnh cho biết, giá cả chạy thận tại bệnh viện này ngang với giá tại các cơ sở y tế tư nhân. Còn việc máy chạy thận chậm đi vào vận hành là do sau khi tiếp nhận còn phải cải tạo phòng ốc, cơ sở vật chất của bệnh viện. Để tăng cường thiết bị phục vụ người bệnh, ông Liêu Chí Hùng kiến nghị: ngoài nhu cầu trang bị thêm máy chạy thận nhân tạo, Bệnh viện tỉnh còn cần thêm ít nhất một máy chụp Citi, vì máy hiện có đã cũ, lạc hậu. Được biết, một chiếc Citi loại hiện đại có giá 22 tỷ đồng (chưa kể các phần mềm cho máy chạy).
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, đoàn công tác được báo cáo, hiện nay, bệnh viện này vẫn chưa có xe cứu thương nên phải mượn phương tiện của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Cơ ngơi mới của bệnh viện còn đang thiếu giường nằm nên nhiều người bệnh phải nằm trên ghế bố. Sau khi tìm hiểu, các thành viên trong đoàn khảo sát nhận định: các loại máy được trang bị tại Bệnh viện Y học cổ truyền hoạt động chưa hết công suất. Một trong những nguyên nhân là số lượng bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện này chưa cao.
Tại Bệnh viện Điều dưỡng- phục hồi chức năng, bác sĩ Tô Thị Thái Sương cho biết, năm 2015, bệnh viện được trang bị một máy phân tích sinh hoá tự động, trị giá gần 1 tỷ đồng. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, thiết bị hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, doanh thu mỗi ngày đạt gần 1,2 triệu đồng. Với lượng bệnh nhân như thời gian qua, thời gian thu hồi vốn mua máy là 33 tháng.
Ngoài máy phân tích sinh hoá, bệnh viện còn được trang bị một máy điện từ trường điều trị, trị giá hơn 430 triệu đồng, doanh thu từ thiết bị này hiện đạt 450.000 đồng/tháng, dự kiến sau 37 tháng hoạt động, sẽ thu hồi vốn đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, lãnh đạo bệnh viện kiến nghị, tỉnh cần quan tâm để trang bị thêm cho bệnh viện một máy phân tích sinh hoá tự động và hai máy từ trường. Một số máy từ trường của bệnh viện hiện đã xuống cấp, thỉnh thoảng phải sửa chữa.
Đoàn khảo sát nghe nhân viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi giải trình về các thiết bị được mua sắm.
Ngày 25.5, đoàn làm việc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh (gọi tắt là Bệnh viện Lao). Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Bệnh viện cho biết, bệnh viện đã được dự án đầu tư 3 thiết bị y khoa và một xe cứu thương. 3 thiết bị gồm một máy phân tích huyết học tự động, một máy siêu âm xách tay và một máy đo chức năng hô hấp. Theo đánh giá của lãnh đạo Bệnh viện Lao, các loại máy móc được trang bị đã phát huy hiệu quả, cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh. Các thiết bị y tế hiện đại góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh- vừa nhanh, vừa bảo đảm tính chính xác hơn. Nhu cầu hiện tại của bệnh viện là được trang bị thêm một số thiết bị như: máy đo đường huyết test nhanh, máy xét nghiệm sinh hoá tự động. Xung quanh các câu hỏi chất vấn của đoàn khảo sát, lãnh đạo Bệnh viện Lao đã lần lượt giải đáp các vấn đề, trong đó thừa nhận có một số thiết bị được trang cấp chưa thật phù hợp với nhu cầu, hiệu suất hoạt động không cao. Bệnh viện đang mong muốn được trang bị thêm một máy X-quang kỹ thuật số phục vụ cho việc hội chẩn, đọc phim được nhanh chóng và chính xác hơn. Được biết, Tây Ninh là một trong các tỉnh có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao hơn mức trung bình cả nước. Bệnh viện này hiện đang thiếu người làm việc. Cách nay chưa lâu, bệnh viện mới tiếp nhận được một bác sĩ chuyển từ nơi khác về, còn 15 năm trước, không có bác sĩ nào về.
Máy chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh luôn hoạt động hết công suất.
Tuyến xã: trang bị máy… để đó
Trong buổi làm việc vào sáng ngày 26.5, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh thông tin với đoàn khảo sát, từ tháng 10.2015 đến nay, các phường, xã trên địa bàn TP đã được trang bị một số thiết bị ngoại nhập.
Hai trạm y tế tại xã Bình Minh và phường Ninh Thạnh được trang bị máy siêu âm nhưng lại… chưa sử dụng. Số liệu ghi nhận được cho thấy: số người đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã còn rất hạn chế. Căn cứ số liệu báo cáo, một thành viên đoàn khảo sát đánh giá: nhiều loại máy đã trang bị chưa được sử dụng hết công suất. Có xã được trang bị máy điện tim nhưng nguyên cả năm chỉ sử dụng có 6 lần.
Một vấn đề nổi lên tại buổi làm việc này, là việc phân bổ thiết bị không phù hợp với nhu cầu sử dụng, nơi chưa có người sử dụng được phân bổ máy mới, nơi có người sử dụng thì máy móc cũ kỹ. Giải trình một số vấn đề, đại diện Trung tâm cho biết, việc trang bị thiết bị cho trạm y tế xã liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới.
Tại một số xã, phường, việc trang bị máy móc còn để phục vụ khám sức khoẻ cho thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự hằng năm. Về tình trạng máy móc chưa được sử dụng, lãnh đạo trung tâm cho biết đã có kế hoạch giải quyết bằng cách tăng cường bác sĩ từ trung tâm về trạm y tế tuyến xã, mỗi tuần 2 ngày. Trung tâm cũng đang thu xếp để cử người đi học bác sĩ. Thời gian tới, trung tâm sẽ được bổ sung 5 bác sĩ và 1 dược sĩ (sau khi những người này học xong).
Tại Trạm Y tế phường 1, cán bộ Trạm cho biết, năm 2015, cơ sở y tế này được cấp một máy điện tim trị giá 36 triệu đồng. Trong năm 2016, máy đo điện tim chỉ được đem ra sử dụng đúng 20 lần (đo điện tim cho người cao tuổi và phục vụ khám nghĩa vụ quân sự).
Hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế của việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế là một vấn đề đáng lưu tâm.
VIỆT ĐÔNG