Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổ xô trồng bưởi, sầu riêng:

Vừa trồng vừa lo 

Cập nhật ngày: 04/07/2019 - 13:03

BTN - Các sản phẩm nông nghiệp đầu ra phần lớn chưa ổn định, còn phụ thuộc vào thương lái khi chưa có sự liên kết với doanh nghiệp chế biến khiến nông dân vừa trồng vừa lo.

Nhiều diện tích đất trồng lúa được chuyển sang trồng cây ăn quả.

Gần đây, giá các loại trái cây như sầu riêng, bưởi liên tục ở mức cao, lợi nhuận thu về mỗi năm gấp vài chục lần trồng lúa và cao su nên người dân nhiều nơi trong tỉnh “đua nhau” trồng mới, mà không quan tâm tìm hiểu điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng vùng đất có phù hợp với cây trồng hay không. Thêm vào đó, việc mua bán trái cây chỉ là thoả thuận miệng giữa người dân và thương lái nên về lâu dài vẫn là nỗi lo của nông dân?

Ông Nguyễn Thanh mới trồng hơn 1,2 ha sầu riêng xen 50 gốc bưởi tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, vài năm trở lại đây, việc canh tác lúa và hoa màu ngày càng khó khăn do thiếu đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh nên hiệu quả rất kém. Ðược người quen chỉ dẫn, ông quyết định đầu tư trồng sầu riêng và bưởi. Tương lai của cây trồng ra sao thì khó mà biết được vì không có gì bảo đảm hiệu quả kinh tế ổn định lâu dài. 

Ông Út (ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) đã trồng gần 1 ha sầu riêng 2 năm tuổi cho biết, ông đã đầu tư vào vườn sầu riêng khá nhiều tiền hy vọng giá sầu riêng tiếp tục ở mức cao, để 2 năm sau ông có thể lấy lại vốn, trả nợ ngân hàng và cửa hàng vật tư nông nghiệp. 

Vài năm trở lại đây, nhiều người cùng trồng sầu riêng và bưởi nên tạo ra cơn sốt về cây giống. Theo chủ một đại lý cây giống sầu riêng tại xã Bàu Ðồn, cách đây hơn 2 năm, giá cây giống sầu riêng Ri-6 chỉ khoảng vài chục ngàn đồng. Nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu trồng mới tăng cao nên giá mỗi gốc cây giống này lên đến gần 180.000 đồng nhưng vẫn nhiều người hỏi mua.

Theo một nông dân chuyên trồng cây sầu riêng tại ấp 7, xã Bàu Ðồn, hiện nhiều người đổ xô vào trồng sầu riêng và bưởi nhưng không hề biết là hai loại cây này thích hợp với loại đất nào, khí hậu, thổ nhưỡng ra sao nên rất dễ thất bại. Ông  cũng lo ngại có ngày sầu riêng và bưởi sẽ đi vào “vết xe đổ” của cây cao su vì ồ ạt trồng mà đầu ra chưa thật sự bền vững.

Sầu riêng dù giá cao nhưng vẫn phụ thuộc thương lái trung gian, đầu ra vẫn chưa bền vững.

Ông Nguyễn Văn Mánh, ngụ ấp 7, xã Bàu Ðồn cho biết, sầu riêng tại địa phương được bán cho thương lái với giá ổn định trên 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư, người nông dân có lãi từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, bưởi cũng thu về khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu, trong những năm gần đây, huyện đã và đang tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái cho thu nhập cao như sầu riêng, bưởi, thanh long, mít thái, nhãn…

Tính từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 860 ha lúa được chuyển đổi canh tác sang  sầu riêng, nhãn và bưởi, tập trung chủ yếu tại các xã Bàu Ðồn, Hiệp Thạnh và Cẩm Giang. Cùng với đó, việc nhà máy chế biến rau quả Tanifood tại xã Thạnh Ðức đi vào hoạt động sẽ tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, góp phần cùng huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Tuy nhiên, hiện nay đa số nông dân trên địa bàn huyện vẫn phải bán các sản phẩm cây ăn trái cho thương lái mà chưa có đầu ra bền vững. Nhiều diện tích chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến hiệu quả còn thấp. Ðối với cây sầu riêng, Phòng Nông nghiệp huyện đã xúc tiến thành lập tổ hợp tác đăng ký thực hiện để được cấp giấy chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc, hướng tới sẽ thành lập hợp tác xã trồng sầu riêng với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, bảo đảm chất lượng và thương hiệu sầu riêng Bàu Ðồn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái như chuối già Nam Mỹ, bưởi da xanh, mãng cầu… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Các mô hình đang thực hiện có chi phí ban đầu khá cao, từ 70 - 350 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, lợi nhuận khi thu hoạch hằng năm cao hơn hẳn so với các loại cây trồng truyền thống tại địa phương như mì, mía, cao su.

Việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây có giá trị kinh tế cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp đầu ra phần lớn chưa ổn định, còn phụ thuộc vào thương lái khi chưa có sự liên kết với doanh nghiệp chế biến khiến nông dân vừa trồng vừa lo.

Minh Dương