Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vui tết an toàn, tránh lạm dụng rượu bia 

Cập nhật ngày: 18/01/2023 - 16:09

BTNO - Trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh lập biên bản xử lý 9.080 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Vi phạm quy định về nồng độ cồn lại tiếp tục trở thành một vấn đề nóng, được cả xã hội quan tâm mỗi dịp cuối năm và trong những ngày tết nguyên đán.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe.

Rượu, bia là “thức uống quen thuộc” trong mỗi dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều và không đúng cách sẽ gây  những hệ luỵ cho sức khoẻ, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc uống rượu, bia quá nhiều sẽ gây ra tác hại cho sức khoẻ và gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trong đó, rượu, bia gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như bệnh tim mạch, dạ dày, gan, tuỵ, khớp, xương, cơ bắp, tình dục, sức khoẻ sinh sản, hệ thống miễn dịch...

Ngoài ra, rượu, bia còn gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, sa sút tinh thần, giảm khả năng làm việc. Những dịp lễ tết, tình trạng sử dụng rượu, bia tăng cao kéo theo nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, các vụ án mạng, bạo lực. 

Việc sử dụng thức uống có cồn điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông. Uống rượu, bia làm hạn chế khả năng lái xe do phán đoán sai, hạn chế tầm nhìn và phản ứng chậm, tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Lái xe sau khi uống rượu, bia gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân còn cho những người tham gia giao thông khác.

Ông T.T.H, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cho biết: “Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện, dẫn đến tai nạn (do tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với phương tiện khác. 

Dịp cuối năm, những quán bia, quán nhậu xung quanh nhà tôi luôn chật kín khách. Nhiều người điều khiển xe ra khỏi quán lái xe loạng choạng. Có trường hợp vừa ra khỏi quán nhậu thì xảy ra va chạm, rất may không thiệt hại về người nhưng phương tiện thì hư hỏng nặng”.

Lượng rượu, bia tiêu thụ tăng lên trong dịp tết không chỉ tiềm ẩn nguy cơ nhập viện do say rượu, gây tai nạn giao thông mà trường hợp bị ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra. Trong đó, ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau như nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể. Nguy cơ ngộ độc càng tăng nếu dùng phải rượu bia giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong cao; đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với xe ô tô và các loại xe tương tự ôtô mức phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn thấp nhất là 6 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thấp nhất từ 10 tháng, cao nhất đến 24 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Cảnh sát giao thông treo băng-rôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân không lái xe sau khi uống rượu, bia.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn mức phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 8 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thấp nhất từ 10 tháng, cao nhất đến 24 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Thực tế, không chỉ dịp cận tết nguyên đán mà kể cả trong và sau tết, các vụ vi phạm về nồng độ cồn luôn chiếm tỷ lệ cao. Bởi thời điểm này, các doanh nghiệp và người dân thường tổ chức liên hoan, nhiều trường hợp vẫn có thói quen uống rượu, bia rồi tham gia giao thông.

Dù ý thức chấp hành của người dân đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều người chưa tự giác. Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, nhiều người điều khiển phương tiện có lời nói, hành động chống đối, không chấp hành, nhất là khi được kiểm tra nồng độ cồn. Có những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trốn tránh không xuất trình giấy phép lái xe, bỏ lại phương tiện, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Thời điểm cuối năm và trong những ngày tết nguyên đán, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn sẽ diễn ra phức tạp. Do đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông, trong đó chú trọng lỗi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người điều khiển phương tiện; cảnh báo nguyên nhân, hậu quả sau khi sử dụng rượu, bia mà tham gia giao thông. Đối với những trường hợp vi phạm nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện, lực lượng Công an sẽ xử lý nghiêm.

Để vui xuân đón Tết an toàn, bảo vệ sức khoẻ bản thân, phòng nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm, người dân hãy hạn chế uống rượu, bia. Đặc biệt, không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp như điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng hơn.

Phương Thảo - Bảo Quyên