Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vui với nghề
Thứ sáu: 00:06 ngày 02/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với nhiều người, có được nghề để làm việc, kiếm sống mỗi ngày đã là niềm vui. Khi bạn đam mê những gì mình làm, thì công việc nào cũng trở nên quan trọng, mang lại hiệu quả.

Bà Minh với nghề bán đậu hủ hằng ngày.

Bà Vũ Thị Minh (67 tuổi, ngụ ấp Tân Định I, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) làm nghề bán đậu hủ đã 20 năm. Bà luôn quý trọng và gắn bó lâu dài vì nó là nghề gia truyền, cũng là nghề đã giúp bà nuôi sống gia đình. Tại khu vực ven cầu giáp ranh giữa xã Suối Đá và Phước Ninh, sạp hàng di động với rau, đậu hủ của bà Minh đã trở nên quen thuộc với nhiều người vào mỗi chiều. Gia đình bà Minh từ miền Trung vào Nam sinh sống đã hơn 20 năm và cái nghề cũng theo bà bấy nhiêu thời gian.

Mỗi ngày bà Minh làm việc từ lúc 1 giờ đến 3 giờ sáng để kịp giao hàng cho buổi chợ sáng. Rồi bà lại về làm tiếp mẻ đậu hủ để bán chiều. Công việc cứ như vậy suốt 20 năm qua. Dẫu làm nghề vất vả, thức khuya dậy sớm, nhưng bà Minh vẫn thấy vui và muốn gắn bó. “Giờ đây, khi cuộc sống đã khá hơn, các con khuyên tôi nghỉ, nhưng quen làm việc rồi, tôi không bỏ được”- đó là lời bộc bạch của bà Minh. Nhiều năm qua, mỗi tháng 10 lần, bà Minh đóng góp những phần đậu hủ cho bếp ăn từ thiện ở Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, gian hàng 0 đồng, hay các hoạt động nấu ăn từ thiện khác. Hễ có ai cần, bà luôn sẵn lòng cho.

Người phụ nữ này chia sẻ: “Những phần đậu cho đi dẫu không nhiều nhưng tôi vui lắm vì góp phần giúp cho những người còn khó khăn hơn mình”. Bà Minh cũng xuất thân nghèo khó nên bà luôn luôn sẵn lòng cho đi. Với bà, vui nhất là có những khách quen mặt, nhiều năm vẫn thích đậu hủ bà làm, đó là niềm vui, động lực để bà mỗi ngày lại làm việc không thấy mệt mỏi.    

Tại góc ngã tư Ao Hồ (phường IV, thành phố Tây Ninh), có người đàn ông làm nghề sửa khoá hàng chục năm nay. Ông nói mình tên Mỹ, nhà ở phường 3 và làm nghề sửa khoá khoảng 30 năm. Ngày còn trẻ, gia đình khó khăn nên ông Mỹ chạy xe ôm và làm đủ việc để kiếm sống. Những lần theo bạn bè, ông học được nghề sửa khoá rồi đam mê làm cho đến ngày nay. Sau 30 năm gắn bó với nghề, ở tuổi 60, ông Mỹ dường như vẫn còn vẹn nguyên những đam mê của chàng trai ngoài hai mươi của những ngày đầu đến với nghề. Mỗi ngày, ông làm việc lúc 7 giờ 30 sáng đến chiều, ít khi ông nghỉ việc. Có lúc làm tại chỗ, có lúc đến tận nơi làm theo yêu cầu của khách hàng.

Hình ảnh ông Mỹ chăm chú cặm cụi giũa, cắt những chiếc chìa khoá dần trở thành quen thuộc nơi góc đường này. Việc mở khoá có khi chỉ mất vài phút, có lúc gặp khoá khó mở tới hàng tiếng đồng hồ. Ông Mỹ hào hứng chia sẻ: “Phải có nhiều đam mê mới theo được nghề này, cái cảm giác mỗi lần mở được khoá, nghe tiếng “cốc” của chiếc khoá được mở rất vui, khó tả lắm”.

Bộ đồ nghề cũng khá đơn giản gồm kìm, búa, giũa và máy cắt nhưng đã đồng hành cùng ông mấy mươi năm. Ông Mỹ nói: “Nghề này cũng phải thường xuyên tìm hiểu mới theo kịp vì các loại khoá cũng biến đổi nhiều theo thời gian”. Có lúc ông cũng không thể mở được một ổ khoá. Những lúc như vậy ông Mỹ sẽ cố gắng tìm hiểu thêm để lần sau có thể mở được những khoá cùng loại, từ đó sẽ tích luỹ được kinh nghiệm.

Sau 30 năm, ông Mỹ có thể hiểu và mở được rất nhiều loại khoá. Ông giải thích thêm, việc gì cũng vậy, khi yêu thích sẽ cố gắng làm được. Người đàn ông này luôn cần mẫn khi làm nghề vừa vì đam mê, vừa là nghề cho ông thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Ông khẳng định: “Tôi vẫn sẽ làm nghề, mắt còn sáng, còn nhìn rõ thì sẽ vẫn làm nghề thôi”.

37 tuổi đời, anh Nguyễn Quốc Tiến (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) có 15 năm làm nghề dẫn chương trình (MC) tại các đám tiệc. Anh Tiến chia sẻ, nghề càng làm càng thấy vui và thêm quý trọng nó. Ngày còn trẻ, anh Tiến cũng loay hoay tìm đủ công việc. Với nghề hiện tại anh chưa từng nghĩ tới.

Vốn mê ca hát, những lần vui chơi ca hát tại đám cưới bạn bè, anh được người quen dẫn dắt, tập tành dẫn chương trình lễ và theo nghề lúc nào cũng không hay. Khi đến với nghề, ngoài cái duyên, anh Tiến dường như không có kỹ năng gì. Anh phải tự tìm tòi, nỗ lực, học hỏi từ anh em, bạn bè, dần tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Đến nay, sau 15 năm, anh Tiến đã là MC hoạt bát, dẫn chương trình duyên dáng trên sân khấu. Nhưng anh vẫn không quên những ngày đầu nhút nhát, hồi hộp, nói va vấp mỗi khi lên sân khấu.

“Từ những thiếu sót đó, để làm nghề, tôi luôn cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân". Anh Tiến chia sẻ, niềm vui, hạnh phúc khi làm nghề dẫn chương trình chính là được đứng trên sân khấu, dẫn chuyện, khuấy động không khí cho vui tươi hơn tại các bữa tiệc khiến gia chủ và khách hàng hài lòng.

Từ một cái nghề tưởng chỉ làm "phong trào", qua nhiều năm hoạt động, nghề đã giúp anh Tiến có thu nhập, trở thành trụ cột cho gia đình, nhận được sự tin tưởng của bạn bè và khách hàng. Làm nghề, anh Tiến còn có thêm những bạn bè, thêm niềm vui cho cuộc sống. Anh nói: “Nghề này không giúp tôi dư dả, nhưng nhờ nó mà tôi có thể lo được cuộc sống cho gia đình là tôi thấy rất vui”.

Vi Xuân

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tìm hiểu mbti và cách áp dụngTìm hiểu exp là gì
Tin cùng chuyên mục