Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hình tượng nguyên mẫu của tượng Phật Bà trên đỉnh núi Bà Ðen chính là một trong số hơn 40 tượng Phật cổ trong khu di tích quốc gia đặc biệt Bổ Ðà Sơn, vì thế được cơ quan truyền thông chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gọi là tượng Phật Bà Bổ Ðà Sơn.
Tượng Phật bà Tây Bổ Ðà Sơn trên đỉnh núi Bà Ðen. Ảnh: Dương Ðức Kiên
Trước ngày Rằm tháng Giêng Tân Sửu, sau khi nghe tin thành phố lớn kế cận Tây Ninh đã qua 14 ngày không có ca mắc mới trong đợt 3 dịch bệnh Covid-19; Tây Ninh cũng hoàn toàn yên ổn nhờ tích cực tăng cường công tác phòng, chống dịch, người viết bài này mới “mạnh dạn” làm một chuyến du xuân muộn lên núi Bà Ðen.
Thật ra ý định đi chơi núi của tác giả đã có từ trung tuần tháng Chạp năm ngoái, khi nghe tin Khu du lịch (KDL) Sun World BaDen Moutain vừa an vị tượng Phật Bà Tây Bổ Ðà Sơn trên đỉnh để chuẩn bị đón khách thập phương tham quan chiêm bái trong dịp Hội xuân Núi Bà 2021.
Thế rồi đợt dịch Covid-19 thứ ba ập đến, mọi chương trình đón tết mừng xuân đều phải gác lại, trong đó có lễ khai mạc Hội xuân núi Bà Ðen.
Thực tế, ở một tỉnh không phải thực hiện giãn cách xã hội nên không thể ngăn cản khách du xuân viếng núi. Tuy nhiên, số lượng khách đến với núi Bà Ðen theo đánh giá của cơ quan chức năng là chưa bằng một phần ba năm trước.
Bước vào nhà ga cáp treo lên đỉnh núi, khách tham quan không phải chen chân như các năm trước, đồng thời được các nhân viên nhà ga nhiệt tình chào đón với chai nước khử khuẩn sẵn sàng phục vụ khách “tận tay”, trong khi đó tiếng loa trong nhà ga, cũng như trong từng cabin vận chuyển khách không ngừng yêu cầu khách thực hiện “5K” đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hầu hết du khách đến đây đều có ý thức về điều đó, nên rất vui vẻ thực hiện giữ khoảng cách ngay trong cabin cáp treo, thậm chí khi lên tới đỉnh núi chụp ảnh lưu niệm cũng không bỏ khẩu trang.
Về phía KDL gần như ở bất cứ chỗ nào tại điểm tham quan đều có nhân viên túc trực, nhắc nhở khách “xin đừng quên 5K”.
Trở lại điểm du lịch đỉnh núi Bà Ðen sau một năm cáp treo Sun World BaDen Moutain đi vào hoạt động, chúng tôi hết sức thích thú khi đỉnh núi ngày nào nay đã có nhiều bóng mát cây xanh, thảm cỏ cùng với những dòng “suối hoa xuân” rực rỡ khoe sắc.
Vừa bước chân ra khỏi cửa chính nhà ga Vân Sơn, đập vào mắt du khách là khu vực tượng Phật Bà Quan Âm hoành tráng ở ngay trên điểm cao 986 mét của “nóc nhà Nam Bộ”.
Thật là “trăm nghe không bằng một thấy”, mặc dù du khách đã chiêm ngưỡng tượng Phật Bà trên đỉnh núi Bà Ðen qua vô số video clip trên YouTube, nhưng nhìn ngắm cảnh kỳ vĩ này “đóng khung” trong màn ảnh TV, thậm chí trong màn hình bé tí của cái smartphone thật khó mà có được cảm giác “mãn nhãn” như được đến tận nơi, nhìn tận mắt.
Với tầm cao 72 mét của pho tượng, chân tượng và đế tượng, khi bước đến con đường vòng lên khu tượng thực sự mọi người đều phải ngước nhìn.
Riêng với người viết bài này, mục đích chuyến “du xuân muộn” không chỉ để “mục sở thị” mà còn tìm hiểu căn nguyên của công trình tâm linh “Tượng Phật Bà Tây Bổ Ðà Sơn” mà bạn đọc Báo Tây Ninh mong muốn được hiểu rõ.
Chúng tôi cảm nhận ý nghĩa của việc dựng tượng Phật Bà trên đỉnh núi đã được gửi gắm trong bài “Kỳ vĩ Tây Bổ Ðà Sơn - Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tại núi Bà Ðen, Tây Ninh” đăng trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn) ngày 11.2.2021.
Pho tượng được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ, với tổng chiều cao tới đỉnh tượng là 72m, bao gồm phần tượng, đài sen và khối đế năm tầng.
Không chỉ vậy, các yếu tố kiến trúc khác của tượng cũng hàm chứa trong mình rất nhiều ý nghĩa: Vương miện đội đầu của Phật Bà chạm khắc hình ảnh Ðức Phật A Di Ðà, tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Ðức Phật với thế gian.
Tay trái tượng cầm bình cam lộ đang dốc xuống, biểu trưng cho hành động ban phát phước lành, cứu rỗi con người khỏi khổ đau. Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hoá ấn, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp.
Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng. Hoa văn, hoạ tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê, với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hoà”.
Như thế bạn đọc có thể hiểu hình mẫu tượng Phật Bà trên đỉnh núi Bà Ðen có xuất xứ từ “tượng Phật thời Lê”. Còn Bổ Ðà Sơn, mở rộng ra Tây Bổ Ðà Sơn là gì, xin hãy tìm hiểu trong bài “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Bổ Ðà” đăng trên website của Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (dsvh/dch.gov.vn).
Theo đó, câu thành ngữ “Bắc Bổ Ðà - Nam Hương Tích” lưu truyền trong dân gian Việt Nam qua nhiều thế kỷ cho thấy Bổ Ðà Sơn là một trong hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta. Nếu như chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là trung tâm lớn nhất, chốn Tổ đình quan trọng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì chùa Bổ Ðà là trung tâm Phật giáo lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiền phái này.
Dấu vết vật chất và thư tịch cổ còn lại ở khu di tích chùa Bổ Ðà cho thấy đây là công trình tôn giáo được xây dựng và phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ðầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729), trụ trì chùa Bổ Ðà là Phạm Kim Hưng đã tiến hành trùng tu, mở mang khu di tích và phát triển nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo lớn theo thiền phái Lâm Tế…
Khu di tích chùa Bổ Ðà toạ lạc trên núi Bổ Ðà Sơn thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ðây là một vùng sơn thuỷ hữu tình, có tổng diện tích hơn 275.000m2, khu vực bảo vệ I hơn 53.800m2, khu vực bảo vệ II hơn 221.200m2, được chia thành 5 đơn nguyên kiến trúc chính, bao gồm: chùa Tứ Ân (tức chùa Bổ Ðà), am Tam Ðức, chùa Cao, vườn Tháp và Ao Miếu.
Khu di tích chùa Bổ Ðà đã được xếp hạng trong danh mục Di tích quốc gia đặc biệt là “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Ðà”. Quý giá nhất là chùa Bổ Ðà hiện còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật gắn liền với lịch sử của di tích, trong đó, tiêu biểu nhất là kho mộc bản với 1.935 mộc bản kinh Phật, hệ thống tượng thờ bằng gỗ (hơn 40 pho tượng) có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX)…
Khối tài liệu này có giá trị trên nhiều mặt khẳng định lịch sử của cổ tự Bổ Ðà Sơn trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Trong đó pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát đặt tại chùa Cao, thuộc quần thể di tích chùa Bổ Ðà...
Về lịch sử khởi dựng, chùa Cao là công trình kiến trúc cổ nhất trong tất cả các hạng mục công trình kiến trúc chùa Bổ Ðà, đây là điểm phát tích và ghi nhiều dấu ấn về lịch sử hình thành Chùa Bổ Ðà. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Ðà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QÐ-TTg ngày 22.12.2016).
Qua các tư liệu nêu trên, chúng tôi hiểu rằng hình tượng nguyên mẫu của tượng Phật Bà trên đỉnh núi Bà Ðen chính là một trong số hơn 40 tượng Phật cổ trong khu di tích quốc gia đặc biệt Bổ Ðà Sơn, vì thế được cơ quan truyền thông chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gọi là tượng Phật Bà Bổ Ðà Sơn.
Và khi được tạo tác thành pho tượng khổng lồ bằng đồng đỏ, toạ lạc trên đỉnh núi Bà Ðen - Tây Ninh, thì được định danh là Phật Bà Tây Bổ Ðà Sơn. Cũng qua nguồn thông tin trên, chúng ta hiểu rằng danh từ Bổ Ðà Sơn, chính xác là tên một ngôi chùa được xếp hạng “di tích quốc gia đặc biệt” của Tổ quốc Việt Nam, xin được nói rõ để bạn đọc không phải nhầm lẫn với Phổ Ðà Sơn bên Trung Quốc.
Nguyễn Tấn Hùng