BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng: Môi trường sinh thái cần được bảo vệ

Cập nhật ngày: 20/11/2009 - 08:44

Ngày cuối tuần, tôi được một đồng nghiệp rủ đi rừng bán ngập đầu nguồn lòng hồ Dầu Tiếng để câu cá. Tôi hơi ngạc nhiên, đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng thì tôi đã từng nghe, nhưng rừng bán ngập thì hơi lạ! Vừa tò mò, vừa bị hấp dẫn, vậy là không chần chừ, tôi đồng ý đi cùng anh bạn.

Đẹp, trong lành...  

Bình minh hồ Dầu Tiếng đẹp như bức tranh.

Gần một giờ sau khi xuất phát từ Thị xã, chúng tôi đã có mặt ở khu vực bán ngập, gần dự án rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tân Hoà, xã Tân Thành, huyện Tân Châu.

Thời điểm này, lòng hồ đang mùa tích nước nên mực nước dâng lên khá cao. Những khoảnh đất trồng khoai mì vừa thu hoạch đã bị nước phủ lên trắng xoá. Xa xa, những rừng tràm nước, keo tai tượng, bạch đàn cũng bị ngập lưng thân. “Buổi trưa, mấy anh câu cá làm thức ăn rồi nghỉ ngơi cho khoẻ. Chiều đến sẽ ngắm cảnh hoàng hôn và ngắm chim cò bay về ngủ”, một anh bạn công tác ở xã Tân Thành bảo.

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết ở vùng đất bán ngập này khá nhiều cá. Chỉ với một cần câu “không chuyên” và mồi câu tìm tại chỗ là trùn và dế nhũi, không đầy một giờ sau, chúng tôi đã kiếm được hơn 1 kg cá rô, con nào cũng to tròn, mập ú. Chúng tôi cùng một nhóm bạn mới quen là những người đến đây câu cá hoặc trông nom đất rẫy, đất rừng. Đến trưa, họ rủ chúng tôi về nghỉ trong cái chòi nhỏ trên một gò đất. Chúng tôi đi nhặt củi khô về đốt lửa, nướng “chiến lợi phẩm” và cùng nhau thưởng thức. Giữa cảnh bao la của rừng, của nước, món cá nướng nóng hổi, thơm lừng, chấm muối ớt trở thành bữa ăn đơn giản mà ngon tuyệt. Nằm ngả lưng dưới những tán cây, chúng tôi nghe người dân địa phương kể về đời sống của dân cư trong vùng cùng những “đặc sản” ở đây. “Mùa nước nổi, chúng tôi tha hồ kiếm cá, ăn không hết thì bán hoặc làm khô để dành ăn dần. Mùa khô thì đi bắt ong trong rừng tràm. Mật ong tràm có vị thuốc nên rất tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt không khí ở đây trong lành, thiên nhiên xanh mát nên có rất nhiều chim cò tụ hội về. Sáng sớm, chúng kêu vang cả một vùng trước khi bay đi kiếm ăn. Chiều chúng bay về, rợp trời rợp đất, chẳng khác gì những sân chim ở miền Tây mà chúng tôi thấy trên ti vi”, anh Tèo, một người dân địa phương cho biết.

Ông Hai Lo, chủ khu đất nơi chúng tôi tạm nghỉ cho biết, trước đây khu vực bán ngập này ước có đến trăm mẫu rừng tràm. Nhưng vài năm trở lại đây, người ta đã phá tràm để trồng mì, trồng mía nên diện tích rừng tràm co cụm lại chỉ còn chừng 50 mẫu, trong đó của ông là 30 mẫu. Xuất thân là “nông dân nòi”  nên ông Hai Lo tỏ ra khá rành rẽ về các giống chim cò. Lắng nghe tiếng chim cu gáy, ông Hai chỉ chúng tôi cách phân biệt đâu là tiếng “cu trơn”, “cu đôi”, “cu ba” và giá trị của từng loại chim này. Hiện vườn tràm 8 năm tuổi của ông đã trở thành nơi cư ngụ của các loài chim, cò, diệc, cồng cộc. Đúng như lời ông kể, chiều xuống, có rất nhiều loài chim, cò từ khắp nơi bay về vạt rừng tràm này trú ngụ. Màu trắng của những cánh cò lấp loá trong ánh chiều khiến cho phong cảnh càng đậm nét thanh bình đến lạ.

Và những nguy cơ...

Ông Lo cho biết, ông đang tính xin chủ trương của tỉnh nhận thêm khoảng 200 ha đất vùng bán ngập đầu nguồn để đầu tư trồng rừng, sau đó mở khu du lịch sinh thái. “Nếu làm được, khu du lịch sinh thái vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng sẽ đẹp và hấp dẫn không thua kém miền Tây, thậm chí còn có những nét đặc trưng chỉ riêng Tây Ninh mới có”, ông Lo hào hứng nói. Tuy nhiên, ngay sau đó, như chợt nhớ ra điều gì, giọng ông chùng xuống, đầy lo lắng: “Chỉ sợ mấy tay chuyên đi tàn sát chim cò. Rồi nạn đốt cây, bắt ong gây nguy cơ cháy rừng. Nếu ngay từ bây giờ mà chính quyền địa phương và người dân không quyết tâm bảo vệ môi trường sinh thái, vài năm nữa vùng đất bán ngập sẽ trở thành “vùng đất chết”, uổng lắm! Tới chừng đó, muốn làm du lịch thì cũng chưa biết có được hay không!”.

Được biết, cách đây 2 năm, Sở Thương mại và Du lịch (cũ) đã lập đề án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng. Theo đề án, hồ Dầu Tiếng là điểm du lịch nằm trong tuyến liên hoàn với Thị xã-Toà Thánh-núi Bà Đen. Vấn đề là phải kết hợp giữa du lịch với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Do những lợi thế sẵn có từ thiên nhiên và nhiều yếu tố thuận lợi khác, việc phát triển du lịch sinh thái ở hồ Dầu Tiếng là một hướng phát triển “không thể bỏ qua”. Theo đề án, toàn bộ khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh đều được quy hoạch làm du lịch sinh thái với diện tích mặt hồ 27.000 ha, diện tích đất ngập là 15.700 ha, đất gò và bán ngập là 11.300 ha. Trong tương lai, hồ Dầu Tiếng sẽ thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng… với nhiều lợi ích mang lại cho cả khách lẫn địa phương.

Hoàng hôn trên hồ Dầu Tiếng.

Thế nhưng hiện tại, diện tích rừng trồng ở khu vực hồ Dầu Tiếng đang có nguy cơ “teo” dần. Trong khi đó, nạn đánh bắt cá bừa bãi, nạn đốt cây bắt ong và bắt chim một cách vô ý thức đang phá huỷ dần môi trường tự nhiên ở đây.

Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định của ông Hai Lo và xin mượn lời ông để kết thúc bài viết này: “Làm du lịch sinh thái dễ mà khó. Khó ở chỗ không phải hễ cứ có tiền là làm được. Người làm du lịch sinh thái thành công phải là người thật sự có tâm với môi trường, biết yêu thiên nhiên và đặt lợi ích về môi trường lên trước lợi nhuận kinh tế. Và nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương thì khó mà làm nổi. Trước mắt, tôi cho rằng tỉnh nên nghiên cứu quy hoạch trồng các loài cây phù hợp với vùng bán ngập, đồng thời tăng cường việc vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân, cá nhân trồng cây phủ xanh vùng này. Làm như thế sẽ vừa bảo vệ, vừa làm đẹp cảnh quan, tạo môi trường thuận lợi cho các loài động vật rừng và thuỷ sản”.

ANH DƯƠNG