Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vùng biên giới Bến Cầu, từ gian khổ đi lên
Thứ ba: 07:57 ngày 26/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói, những thành tựu của Bến Cầu hôm nay chính là thành tựu từ những công sức, mồ hôi và cả máu của những người đi trước đã đổ xuống đất Bến Cầu, không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong huyện còn của những cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong của Quân khu 7, thành phố Hồ Chí Minh, của tỉnh và các huyện, thành phố bạn trong tỉnh Tây Ninh.

Bí thư Huyện uỷ Bến Cầu Vương Quôc Thới (trái) tặng quà mừng tết dân tộc Khmer cho lãnh đạo các huyện, thành phố giáp biên thuộc vương quốc Campuchia.

Đúng vào ngày này 40 năm trước, đã xảy ra một sự kiện đau thương trên biên giới phía Tây Nam đất nước ta mà Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh còn ghi rõ: “Ở đoạn biên giới của Tây Ninh, sau một thời gian tăng cường các hoạt động trinh sát, khiêu khích từng lúc xâm phạm vào đất nước ta, đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 9 năm 1977, bè lũ Pol Pot dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên.

Chúng tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta”. Sau ngày đau thương đó, theo lời kêu gọi của Đảng, của Đoàn, hàng trăm thanh niên trong tỉnh đã xung phong lên biên giới làm công tác dân công hoả tuyến tại hai huyện Tân Biên và Bến Cầu.

Qua hai tháng chia sẻ niềm đau, nỗi khổ của đồng bào vùng biên giới, các bạn trẻ thời bấy giờ đã ở lại, đứng vào đội ngũ TNXP. Sau khi thành lập, Tổng Đội TNXP Tây Ninh được điều động tham gia phục vụ chiến đấu và tăng gia sản xuất trên địa bàn các huyện biên giới phía Bắc của tỉnh.

Tại huyện Bến Cầu, lực lượng TNXP của thành phố Hồ Chí Minh đã đến đây để phục vụ các đơn vị của Quân khu 7 chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng bào. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, trên vùng đất giáp biên xã Long Phước đã có 24 cán bộ, đội viên TNXP thành phố Hồ Chí Minh anh dũng hy sinh.

Đối với Tổng Đội TNXP Tây Ninh, sau đợt đơn vị đến cứu giúp đồng bào bị Pol Pot tàn sát ở các ấp thuộc hai xã Long Phước, Long Khánh (Bến Cầu), khi bắt tay vào khôi phục sản xuất trên vùng biên giới, nhân dân huyện Bến Cầu vẫn còn nhớ rõ những kỷ niệm trong năm 1979 cán bộ, đội viên của Tổng đội đã trở lại Bến Cầu để trực tiếp lao động xây dựng công trình thuỷ lợi đầu tiên của huyện, lúc bấy giờ gọi là công trình Tây Bến Cầu, tức là công trình thuỷ lợi trạm bơm Long Thuận vẫn còn phát huy tác dụng cho đến ngày nay.

Những ngày ấy, đồng bào Bến Cầu không thể nào quên những đêm phục vụ văn nghệ sôi nổi tưng bừng, xua tan mệt nhọc trên công trường thuỷ lợi của Đại đội Văn thể Tổng đội phối hợp cùng đội văn nghệ Công ty Thuỷ lợi 9, tiền thân của Liên hiệp xí nghiệp xây dựng thuỷ lợi 4, đơn vị xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng những năm sau đó.

Sau cuộc chiến tranh biên giới, với nghĩa tình, truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đã có từ lâu đời, cùng cả nước, quân dân Tây Ninh đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp quân đội và nhân dân Campuchia đánh tan bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng sary, xây dựng lại đất nước.

Riêng tại Bến Cầu, nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện luôn thực hiện tốt công tác đối ngoại truyền thống với các huyện, thành phố giáp ranh thuộc tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Là láng giềng có chung hơn 31,5km đường biên giới, trải dài từ thành phố Ba Vét đến xã Nô-Rum và xã Tà-Y, huyện Svay Tiệp, tỉnh Svay Rieng, giáp với 8 ấp của 5 xã Lợi Thuận, Tiên Thuận, Long Thuận, Long Khánh và Long Phước của huyện Bến Cầu.

Theo thống nhất việc phân giới cắm mốc đường biên giữa hai nước, huyện Bến Cầu có 15 cột mốc chính, điểm đầu từ cột mốc 158 thuộc xã Long Phước đến điểm cuối là cột mốc 172 thuộc xã Lợi Thuận. Đến nay, hai nước đã hoàn thành việc phân giới, cắm xong 15/15 cột mốc biên giới.

Những năm qua, chính quyền và nhân dân 5 xã biên giới huyện Bến Cầu luôn thực hiện tốt công tác đối ngoại với thành phố, huyện, xã bạn giáp ranh, từ đó, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân hai bên không ngừng được củng cố, vun đắp thêm truyền thống tốt đẹp, xây dựng biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Các tuyến đường giao thông, chợ biên giới được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại thăm viếng thân nhân, buôn bán, trao đổi làm ăn, chữa bệnh, vươn lên trong cuộc sống và an tâm lao động sản xuất…

Các hoạt động phòng, chống tội phạm, trộm cướp, buôn bán ma tuý, vũ khí, buôn bán người, an ninh trật tự trên tuyến biên giới được các ngành chức năng hai bên thường xuyên cung cấp tin tức cho nhau, đã phát hiện nhiều vụ trọng án, bắt giữ hàng chục khẩu súng các loại, nhiều kg ma tuý tổng hợp, hàng trăm ngàn gói thuốc lá lậu, hàng ngàn chai rượu ngoại, nhiều tỷ đồng Việt Nam, hàng trăm ngàn USD và ngoại tệ khác… vận chuyển trái phép qua huyện Bến Cầu. Việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm của lãnh đạo các huyện, thành phố bạn giáp ranh với huyện đã góp phần tích cực cho sự ổn định an ninh, trật tự trên tuyến biên giới.

Trong nội địa, những năm qua, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân Bến Cầu, kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển, tăng trưởng đáng kể. Từ một huyện xa xôi cách trở, gần như là biệt lập với các địa phương khác, muốn đến Bến Cầu mà không phải luỵ con đò qua sông Vàm Cỏ Đông, chỉ có một con đường qua chiếc cầu duy nhất trên địa bàn huyện Gò Dầu.

Đến nay, đã có 3 chiếc cầu hiện đại, kiên cố vượt sông để vào ra địa bàn huyện Bến Cầu, cùng với đường Xuyên Á qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đường tỉnh 786 nối trung tâm thành phố Tây Ninh xuyên qua trục Bắc - Nam huyện Bến Cầu đến tỉnh Long An, đường vành đai biên giới kết nối từ xã Ninh Điền (Châu Thành) đến xã Long Thuận (Bến Cầu) với chiều dài 25km đã được nhựa hoá và hệ thống đường nhựa thông suốt từ Thị trấn trung tâm đến khắp các địa phương trong huyện.

Cơ sở hạ tầng đó cùng với đặc điểm của vùng biên giới đồng bằng đã mở cho Bến Cầu lối ra trên đường đổi mới, đi lên. Trên địa bàn huyện còn được Trung ương đầu tư xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật tốt, tạo đà cho việc phát triển công nghiệp và thương mại-dịch vụ của huyện. Đặc biệt, chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã đem đến cho Bến Cầu những cơ hội thuận tiện để tăng tốc phát triển.

Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đánh giá: “Những năm gần đây kinh tế - xã hội của huyện đã đi vào ổn định và phát triển khá toàn diện. Tổng giá trị sản xuất của một số ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân hằng năm trên 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trước đây tỷ trọng ngành nông nghiệp và thuỷ sản chiếm trên 80% thì những năm gần đây giảm xuống chỉ còn gần 34%.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp - xây dựng từng bước tăng lên chiếm tỷ trọng trên 51%; thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 15%”. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như Bến Cầu.

Những năm gần đây, huyện Bến Cầu thực hiện tốt các chính sách hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Bước đầu huyện đã thu hút được một số dự án như: Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại xã An Thạnh, công suất xay xát bình quân 80.000 tấn sản phẩm/năm (tương đương tiêu thụ 160.000 tấn lúa hàng hoá/năm); dự án trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao kết hợp với khai thác du lịch sinh thái với quy mô 3 ha đang trong giai đoạn hoàn thành.

Ngành chăn nuôi của huyện được đầu tư theo hướng công nghệ cao như: trang trại Bò sữa ở xã Long Khánh và vùng nguyên liệu thức ăn bò sữa ở các xã lân cận; trang trại chăn nuôi theo mô hình gà trại lạnh ở xã Long khánh và Long Phước.

Đối với Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, từ khi tỉnh có chủ trương thực hiện chuyển đổi công năng từ thương mại-dịch vụ sang sản xuất công nghiệp chế tạo, hoạt động nơi đây khởi sắc trở lại, trong đó, phải kể đến Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài hoạt động rất hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động ở trong và ngoài huyện, hiện công ty đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm 20 ha để thu hút thêm hơn 5.000 lao động; đồng thời trên địa bàn huyện cũng đang triển khai dự án Khu Công nghiệp TMTC với diện tích 100 ha.

Đã 40 năm trôi qua, các cán bộ, đội viên Tổng Đội TNXP Tây Ninh từng công tác trên biên giới Tây Nam mới có dịp “về nguồn” thăm lại chiến trường xưa. Có thể nói, những thành tựu của Bến Cầu hôm nay chính là thành tựu từ những công sức, mồ hôi và cả máu của những người đi trước đã đổ xuống đất Bến Cầu, không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong huyện còn của những cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong của Quân khu 7, thành phố Hồ Chí Minh, của tỉnh và các huyện, thành phố bạn trong tỉnh Tây Ninh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Cầu không bao giờ quên sự hy sinh to lớn và đầy nghĩa tình ấy.

VƯƠNG QUỐC THỚI

(Bí thư Huyện uỷ Bến Cầu)

Tin cùng chuyên mục