Tổng diện tích tự nhiên thị trấn Bình Thạnh dự kiến khoảng 3.596,75 ha, bao gồm toàn bộ xã Bình Thạnh (diện tích 2.144,8 ha), xã Phước Lưu (diện tích 1.321,95 ha) và một phần xã Phước Chỉ (diện tích 130 ha).
Quy hoạch thị trấn Bình Thạnh thành đô thị loại 5
Đã từ lâu dân cư sống tập trung ở ấp Bình Hoà thành khu thị tứ |
Dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua chia huyện Trảng Bàng thành hai cánh Đông và Tây. Cánh Tây của huyện là khu vực biên giới gồm 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu và Bình Thạnh. Đây là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế để phát triển thương mại- dịch vụ, kinh tế cửa khẩu. Đáng lưu ý, trung tâm xã Bình Thạnh là nơi tập trung dân cư đông đúc, hình thành một khu thị tứ đã lâu đời. Tuy nhiên hiện nay nhìn chung đời sống của người dân ba xã cánh Tây còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một số ít buôn bán nhỏ. Cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, nên chưa phát huy được những lợi thế, tiềm năng vùng biên giới. Do đó việc quy hoạch đô thị Bình Thạnh là việc rất cần thiết và cấp bách, nhằm định hướng không gian phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hoá huyện Trảng Bàng, đồng thời tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Xã Bình Thạnh hôm nay
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, xã Bình Thạnh có diện tích tự nhiên trên 2.144 ha chia làm 4 ấp. Toàn xã có 2.624 hộ, với gần 10.300 nhân khẩu. Tuy nhiên việc phân bố dân cư trên địa bàn xã không đồng đều giữa các ấp. Từ lâu đại bộ phận dân cư trong xã sống tập trung ở ấp Bình Hoà như một khu thị tứ. Đây cũng là khu trung tâm của xã. Địa bàn ấp Bình Hoà chỉ có 262 ha (chiếm 12,63% diện tích tự nhiên của xã), nhưng tập trung đến 1.720 hộ, với hơn 7.400 nhân khẩu (chiếm trên 71% dân số trong xã). Do đặc thù là xã biên giới, lại cách xa huyện lỵ, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, nên nhìn chung kinh tế xã Bình Thạnh phát triển với tốc độ chậm. Mức sống và trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của huyện.
Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và nhất là tính chất siêng năng, cần cù lao động vượt khó của nhân dân, những năm qua kinh tế -xã hội xã Bình Thạnh cũng có bước phát triển đáng kể. Giá trị sản xuất nông nghiệp trong 5 năm qua tăng bình quân hằng năm 13%; thu nhập trên mỗi ha bình quân đạt 50 triệu đồng/năm. Về tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ, tuy số cơ sở phát triển không nhiều, nhưng có quy mô hoạt động tương đối lớn; sản xuất phát triển với tốc độ nhanh. Hiện nay toàn xã có 9 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp; 84 hộ kinh doanh thương mại-dịch vụ (chưa tính các hộ buôn bán nhỏ lẻ). Toàn xã có 99,3% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 98,5% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, số hộ nghèo hằng năm được kéo giảm đáng kể. Đến cuối năm 2009, xã còn 0,9% hộ nghèo diện Trung ương, 1,6% hộ nghèo liền kề.
Tuy nhiên, nhìn chung trong 5 năm qua, kinh tế của xã Bình Thạnh phát triển còn chậm so với các xã cánh Đông của huyện. Sản xuất nông nghiệp chưa thật sự ổn định; chưa thu hút được đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của người dân chưa phong phú. Xã hội hoá về y tế, giáo dục phát triển chậm. Thu nhập của một bộ phận nhân dân lao động còn thấp. Những bức xúc của quần chúng nhân dân như xử lý rác thải, vệ sinh môi trường chậm được khắc phục. Tình trạng học sinh bỏ học ở bậc trung học phổ thông chưa giảm...
Thị trấn Bình Thạnh trong tương lai
Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất khu quy hoạch thị trấn Bình Thạnh |
Theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bình Thạnh đến năm 2020- tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích tự nhiên thị trấn Bình Thạnh dự kiến khoảng 3.596,75 ha, bao gồm toàn bộ xã Bình Thạnh (diện tích 2.144,8 ha), xã Phước Lưu (diện tích 1.321,95 ha) và một phần xã Phước Chỉ (diện tích 130 ha). Thị trấn Bình Thạnh nằm phía Tây của huyện, cách thị trấn Trảng Bàng 15 km về hướng Đông, cách thị xã Tây Ninh 35 km về hướng Tây Bắc và nằm trên đầu mối giao thông quan trọng trong tương lai là quốc lộ N1 (hệ thống đường Hồ Chí Minh), dự kiến kết nối các khu dân cư vùng ven biên giới để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế. Phía Bắc thị trấn Bình Thạnh giáp huyện Bến Cầu; phía Nam giáp xã Phước Chỉ; phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông; phía Tây giáp Campuchia. Hiện trạng sử dụng đất trong khu quy hoạch, chủ yếu là đất nông nghiệp.
Tổng dân số trong khu vực quy hoạch khoảng 19.500 người. Trong đó bao gồm xã Bình Thạnh trên 10.000 người; xã Phước Lưu 6.650 người; xã Phước Chỉ trên 2.800 người. Dân cư sống tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm xã Bình Thạnh (ấp Bình Hoà) và trên các tuyến đường chính là tỉnh lộ 786 và hương lộ An Thạnh-Phước Chỉ. Hệ thống giao thông đi qua thị trấn Bình Thạnh rất thuận tiện. Về đường bộ có tỉnh lộ 786 nối kết từ thị xã Tây Ninh đến Long An; đường An Thạnh- Phước Chỉ - hương lộ 8 kết nối với quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài qua Campuchia và đi thành phố Hồ Chí Minh; đường Bình Phú-Lái Mai, nối kết quốc lộ 22. Đặc biệt là trong tương lai có tuyến quốc lộ N1 đi qua. Về giao thông thuỷ, có sông Vàm Cỏ Đông là tuyến vận tải đường thuỷ nối tỉnh Tây Ninh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Về hiện trạng nhà ở, trong vùng quy hoạch khu đô thị có 2.794 căn nhà, gồm 30 căn nhà kiên cố, 1.667 căn bán kiên cố, còn lại là nhà tạm. Nhà dân chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm các xã Bình Thạnh, Phước Lưu một số ít phân tán bám theo các con đường đất vào các ấp. Điểm mạnh của thị trấn Bình Thạnh là nằm trong vùng đô thị đối trọng phía Tây Bắc của vùng thành phố Hồ Chí Minh và nằm trên trục hành lang kinh tế-đô thị-quốc gia đường N1; tiếp cận trục hành lang kinh tế-đô thị-quốc gia-quốc tế quốc lộ 22, nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài-thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia. Thị trấn Bình Thạnh có tiềm năng phát triển về các lĩnh vực kinh tế như: Thương mại, dịch vụ, du lịch (trên địa bàn xã Bình Thạnh có di tích Tháp cổ); có tiềm năng về quan hệ các vùng kinh tế quốc gia-quốc tế (cửa khẩu Bình Thạnh, Truông Dầu nối khu đô thị với nước láng giềng Campuchia). Địa hình tự nhiên khu vực quy hoạch khá bằng phẳng thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng. Về vị thế, thị trấn Bình Thạnh nằm trong khu vực quy hoạch chung Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Đây là đô thị loại V, là khu trung tâm kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch phía Tây huyện Trảng Bàng; là thị trấn biên giới kết nối vùng huyện Trảng Bàng và Campuchia; là đầu mối giao thông trong vùng đô thị Trảng Bàng, Gò Dầu, Mộc Bài với vùng biên giới. Đây còn là một đô thị rất có ý nghĩa về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên điểm yếu ở đây là kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, xuất phát điểm rất thấp. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp là một vấn đề khó khăn cho phát triển kinh tế xã hội của đô thị. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn sơ khai chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế; chưa kết nối với không gian toàn huyện…
Khu đô thị mới trên vùng biên giới
Tuyến đường chính đi qua trung tâm xã Bình Thạnh |
Theo quy hoạch xây dựng thị trấn Bình Thạnh đợt đầu đến năm 2015 là tập trung xây dựng khu vực trung tâm, tạo bộ mặt đô thị và phục vụ công tác quản lý, ưu tiên xây dựng các công trình: các khu nhà ở, ưu tiên cải tạo nhà ở hiện trạng tại khu vực trung tâm theo quy hoạch, phát triển nhà ở liên kế kết hợp thương mại dọc theo các trục đường chính đô thị; quy mô dân số 25.000 người, nhu cầu sử dụng đất 217,5 ha; tầng cao tối đa 5 tầng. Công trình công cộng khu vực nhà ở, cải tạo mở rộng kết hợp xây dựng mới các công trình công cộng phục vụ nhân dân, sử dụng các công trình hiện hữu, đồng thời xây mới thêm một trường tiểu học và hai trường mầm non; xây mới các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ công cộng-thương mại phục vụ hằng ngày các khu dân cư; xây dựng mới một phần trung tâm hành chính tương ứng với cấp thị trấn; xây dựng các công trình thương mại dịch vụ: chợ thị trấn, trung tâm thương mại dịch vụ và một số công trình dịch vụ khác; đầu tư xây dựng một phần công viên cây xanh tập trung ở khu tập trung dân cư; tạo không gian sinh hoạt vui chơi giải trí cho người dân. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tập trung san nền khu vực trung tâm và một phần ở phía Bắc; hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực trung tâm. Về giao thông đối ngoại, theo định hướng giao thông tỉnh Tây Ninh trục đường quốc lộ N1 sẽ được triển khai giai đoạn đầu với 6 làn xe ở giữa (lộ giới 54 mét); tuyến đường huyện Bình Phú-Lái Mai kết nối với Khu Công nghiệp-Dịch vụ Bourbon An Hoà theo hướng Đông, đồng thời là tuyến đi Campuchia theo hướng Tây sẽ tạo một trục động lực ngang để phát triển đô thị. Về giao thông đối nội, tuyến tỉnh lộ 786 đoạn hiện hữu đi qua khu trung tâm sẽ được mở rộng, tạo thành trục chính đô thị song song với tuyến hương lộ 8 tạo thành các trục dọc kết nối hai cụm dân cư Bắc-Nam; xây dựng bến xe trong giai đoạn đầu có quy mô một ha nằm ở phía Tây khu trung tâm, nơi giao nhau giữa hai trục đường có tính chất xuyên suốt toàn bộ trong vùng tỉnh Tây Ninh, trục quốc lộ N1 và trục hương lộ Bình Phú-Lái Mai. Đây chính là đầu mối giao thông quan trọng kết nối khu vực với các vùng miền khác, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực.
Tóm lại thị trấn Bình Thạnh được thành lập từ ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng, nơi có nhiều tiềm lực phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi là tiếp giáp với nước láng giềng Campuchia có cửa khẩu Bình Thạnh, có trục quốc lộ N1 đi qua, có cảnh quan sinh thái vùng nông nghiệp, tiếp giáp Khu Công nghiệp-Dịch vụ Bourbon An Hoà… là điều kiện để phát triển đô thị kinh tế thương mại, đô thị sinh thái, một cực phát triển phía Tây huyện Trảng Bàng. Quy hoạch thị trấn Bình Thạnh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ổn định và phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân vùng biên giới, bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái. Việc xây dựng và phát triển đô thị Bình Thạnh trên cơ sở phát huy nội lực, thu hút các thành phần kinh tế, các đối tác đầu tư. Khu đô thị Bình Thạnh hình thành và phát triển sẽ làm thay đổi bộ mặt của vùng biên giới phía Tây huyện Trảng Bàng nói riêng, vùng biên giới tỉnh Tây Ninh nói chung.
D.H