Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thật hiếm có một đô thị cấp V nào lại có mật độ các công trình tín ngưỡng như ở khu phố chợ, thị trấn Trảng Bàng….

Thật hiếm có một đô thị cấp V nào lại có mật độ các công trình tín ngưỡng như ở khu phố chợ, thị trấn Trảng Bàng. Có lẽ ở thị trấn Gò Dầu cũng nhiều, nhưng lấy đâu ra những 3 ngôi miếu thờ tự của người Hoa. Đấy là Nhị phủ của người thuộc 2 bang hội, Thất phủ của người thuộc 7 bang hội khác (trong đó có bang Phúc Kiến). Còn Minh Nghĩa đường là của người Minh Hương (Việt lai Hoa). Dĩ nhiên chùa Việt sẽ còn nhiều hơn, nhưng lâu đời hoặc nổi tiếng có thể thấy ngay đó là các chùa Phước Lưu, Phước Lâm hay tịnh xá Ngọc Thuận… Ít ai biết rằng, ở đoạn cuối đường Trưng Nhị kia vẫn còn một ngôi chùa nữa. Đấy là Vĩnh An tự nằm ngay bên bờ rạch Trảng Bàng. Vắng vẻ đìu hiu, vì đất chùa đã ở cuối con đường Thị trấn. Nhưng bù lại là không gian tĩnh lặng, đầy ắp gió sông thoảng thơm hương lúa, hương tràm. Bến thuyền lại ở ngay trước thềm chùa, luôn có vài chiếc xuồng con đậu lại.
![]() |
Phố cũ Trảng Bàng |
Đền miếu dân gian người Việt nổi bật nhất vẫn là đền thờ ông Hương Cả Đặng Văn Trước. Đền cũng quay mặt hướng Nam, phía có kênh đào. Do hậu duệ của dòng họ còn đông, cùng với lòng tín ngưỡng nhớ ơn vốn là truyền thống đẹp của người Việt nói chung và con dân xứ Trảng nói riêng, mà quanh năm khói nhang chẳng dứt. Hằng năm cứ vào dịp các lễ giỗ, thanh minh tảo mộ hay lễ kỳ yên đình Gia Lộc… là người trong ngoài họ lại tụ về ngôi đền duy nhất nằm ở chính giữa con đường. Đặc biệt hai năm một lần, lại có lễ rước sắc thật long trọng từ đền ra đình. Bởi đền là nơi lưu giữ sắc phong thần của triều Nguyễn cho cụ Đặng làm Thành hoàng đình Gia Lộc. Từ lâu nay, đền còn là nơi làm việc của Hội Từ thiện do con cháu cụ lập ra, chuyên nấu và cấp phát bữa ăn cho những người nghèo hay cơ nhỡ.
Ngôi đền thứ hai không kém phần nổi tiếng nhờ những truyền tụng về sự linh thiêng là miếu Bà Linh sơn Thánh mẫu, ở bên trong con đường Lãnh binh Tòng, nơi dân trong vùng quen gọi là Giếng Mạch.
Như vậy là chỉ trong một chiều dài trên 1km, tính từ chùa Phước Lưu đổ xuống khu phố chợ, kênh đào đã có hơn 10 ngôi kiến trúc bao gồm phong phú các loại hình tín ngưỡng. Thử đóng vai một khách bộ hành, lững thững thả bộ dọc một đoạn quốc lộ 22A, rồi rẽ sang phố chợ đến đầu kênh là người ta đã có thể khám phá nhiều vấn đề lý thú ở các mặt kiến trúc, điêu khắc, tập quán tín ngưỡng v.v… Xa xưa thì có chùa Phước Lưu, xây dựng từ khoảng năm 1840. Chỉ cần bước qua chiếc cổng nhỏ ôm chứa những hàng cau vừa điệu đà vừa vạm vỡ; là đã có thể tiếp cận một không gian thờ tự đặc sắc được trau chuốt mọi bề khác xa với sự bình dị trên kiến trúc mặt tiền chùa.
![]() |
Con kênh đã trở lại xanh trong |
Trước khi đến ngôi đền thờ “ông Cả”, hãy để ý ghé vào ngôi Minh Nghĩa đường, cũng có mặt tiền bị che khuất bởi các gian dịch vụ. Thế nhưng bù lại ta sẽ gặp những tượng tròn rất thô sơ mộc mạc, nhưng lại ngầm ẩn chứa nét tài hoa. Hiếm có ngôi miếu đền nào lại có những tượng thờ lớn như thế; mô tả Quan Công, Châu Sương, Quan Bình và cả pho tượng ngựa to cao gần như ngựa thật trước ban thờ. Qua đền Ông vài chục bước nữa, là sẽ gặp ngay ở đầu phố hai kiến trúc kiểu Hoa truyền thống. Bên trái là Nhị phủ và đối diện là Thất phủ. Ngôi nào cũng mái ngói ống cong cong theo cả hai chiều. Sân thiên tĩnh ở giữa nhà rung rinh cây xanh, nước hồ non bộ. Và ánh sáng tự trời chan chảy xuống, soi tỏ các ban thờ. Dường như nơi nào cũng thờ các vị thần tiêu biểu của người Hoa. Như Quan Đế, Bà Chúa Thai Sanh… hay bà Thiên Hậu. Ở ngôi Thất phủ, còn một di vật đặc sắc của Lãnh binh Tòng, người con trai kiệt xuất của cụ Đặng Văn Trước, từng dẫn binh chi viện đồn Kỳ Hoà- Sài Gòn Gia Định khi bị Pháp tấn công ngày 24.2.1861. Đồn mất, rồi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay giặc, Lãnh binh vẫn tổ chức dân binh Trảng Bàng đánh Pháp. Di vật ấy là bộ cột gỗ tứ trụ của Chánh điện ngôi Thất phủ, được ông hiến cho người Hoa Thất phủ khi xây dựng miếu thờ vào năm 1858. 154 năm đã qua, cột vẫn đen mun, vững chãi như mối tình đoàn kết Việt- Hoa trong các cuộc kháng chiến chống thù chung.
Dù cách khoảng chim bay trên dưới cây số, nhưng vẫn còn thuộc về ấp Lộc Thành và muốn đi tới đó phải quanh ra đường Xuyên Á; nhưng vùng lõi Văn hoá lịch sử này không thể bỏ qua. Đấy là đình Gia Lộc, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Dù chưa được trùng tu tôn tạo cơ bản một lần nào, nhưng ngôi đình vẫn được giữ gìn chăm sóc ở mức tốt nhất. Bằng chứng là đây: Rừng dầu cổ thụ vẫn còn cả dăm bảy chục cây, vươn cao toả bóng giữa trời, che mát thêm cho cả một ngôi trường học. Năm lớp nhà vẫn hiên ngang sừng sững dưới bóng rừng, nội thất vẫn kiên trì mái ngói cột cây trên những viên đá tán. Dẫu cho chiến tranh có lúc diễn ra thật khốc liệt trên vùng đất Tam giác sắt (mà Trảng Bàng là một đỉnh), nhưng các ban thờ vẫn còn nguyên vị sắc vàng son. Và mỗi năm đình lại tưng bừng mở lễ hội kỳ yên rằm tháng Ba âm lịch.
Đấy chính là cái lõi vật thể của không gian phố cũ Trảng Bàng, chưa từng thay đổi ngôi vị trung tâm của huyện Trảng Bàng từ gần 200 năm qua, bất chấp quy luật sao dời, vật đổi.
TRẦN VŨ