BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vùng nguyên liệu mía của Công ty SBT: Có nguy cơ giảm diện tích vụ 2010 – 2011

Cập nhật ngày: 07/03/2010 - 05:40

Năm 2009, diện tích vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) tăng hơn năm trước hơn 2.200 ha. Để tiếp tục khôi phục diện tích vùng nguyên liệu mía đồng thời chuẩn bị nguyên liệu cho vụ chế biến mía đường 2010- 2011 sắp tới, Công ty SBT đã tăng cường suất đầu tư. Thế nhưng tiến độ hợp đồng đầu tư trồng mới và chăm sóc mía với Công ty hiện nay cho thấy diện tích mía của Công ty năm nay có nguy cơ giảm hơn năm trước.

Ông Trương Văn Phỉ- Phó giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty SBT cho biết năm 2009 tổng diện tích mía do Công ty đầu tư được là 11.853 ha. Trong đó diện tích mía trồng mới được hơn 3.500 ha- cao gần gấp đôi diện tích mía trồng mới vụ trước. Đây là kết quả hết sức khả quan sau những nỗ lực khôi phục vùng nguyên liệu mía của Công ty. Trong đó đáng kể nhất là suất đầu tư  được điều chỉnh nâng lên phù hợp với chi phí thực tế đồng thời giá cả thu mua mía nguyên liệu vụ chế biến trước khá thuận lợi cho nông dân. Diện tích vùng nguyên liệu mía tăng giúp cho vụ chế biến vừa qua sản lượng mía thu mua chế biến của nhà máy cũng tăng hơn vụ trước. Cụ thể, vụ chế biến 2009-2010 vừa kết thúc, Công ty SBT thu mua được 670.000 tấn mía cây- tăng hơn vụ trước đến gần 30.000 tấn.

Để tiếp tục khôi phục vùng nguyên liệu mía, ngoài việc điều chỉnh tăng giá thu mua mía trong vụ chế biến vừa qua, Công ty SBT còn tiếp tục điều chỉnh chính sách đầu tư cho phù hợp thực tế. Theo đó, suất đầu tư cơ bản đối với mía trồng mới được nâng 15 triệu đồng/ha- tăng hơn vụ trước 3 triệu đồng/ha và đối với mía lưu gốc đầu tư 10 triệu đồng/ha- tăng hơn vụ trước 2 triệu đồng/ha. Ngoài suất đầu tư cơ bản, SBT còn bổ sung định mức tối đa là 2 triệu đồng tuỳ theo tình hình sinh trưởng của mía và đầu tư thâm canh cho các hộ tham gia “Câu lạc bộ 100 tấn” thêm 2 triệu đồng/ha nếu mía phát triển tốt. Ngoài ra, SBT còn có chính sách hỗ trợ mía tơ với định mức là 3 triệu đồng/ha với điều kiện cung cấp mía cho nhà máy liên tiếp 4 vụ; hỗ trợ bổ sung 2 tấn phân hữu cơ vi sinh cho mỗi ha mía không hoàn lại với điều kiện năng suất mía phải đạt từ 50 tấn/ha trở lên, nếu dưới thì chuyển sang nợ tính lãi. Công ty SBT cũng có chính sách hỗ trợ thiệt hại do bị bệnh rượu như hỗ trợ 8,5 tấn hom giống mía mới hoặc bằng tiền là 5,1 triệu đồng/ha. Riêng đối với nông dân thuê đất trồng mía thì SBT cũng hỗ trợ định mức tối đa là 16 triệu đồng/ha/4 vụ tuỳ theo loại đất.

Một số diện tích mía bị bệnh rượu đã chuyển sang trồng lúa

Với chính sách đầu tư khá hấp dẫn như vậy cộng với giá thu mua vụ chế biến vừa qua cao nhất từ trước đến nay ai cũng nghĩ rằng diện tích mía sẽ tăng. Chính vì thế Công ty dự kiến diện tích vùng nguyên liệu năm nay có thể đạt đến hơn 12.350 ha- tăng hơn vụ trước ít nhất là 500 ha. Tuy nhiên, qua gần hết vụ đông xuân mà diện tích mía của Công ty SBT đầu tư có dấu hiệu chững lại. Ông Trương Văn Phỉ cho biết tính đến ngày 5.3.2010, tổng diện tích mía do Công ty hợp đồng đầu tư chỉ mới được 9.400 ha. Theo tiến độ như hiện nay thì Công ty đánh giá từ nay đến cuối vụ sản xuất diện tích hợp đồng đầu tư thêm được chỉ khoảng 500 ha. Như vậy, tổng diện tích mía của Công ty SBT đầu tư trong năm nay có nguy cơ giảm hơn năm trước. Nếu từ nay đến cuối vụ có những yếu tố khách quan thuận lợi thì tối đa diện tích mía cũng chỉ đạt bằng năm trước chứ khó có thể tăng cao hơn.

Vì sao chính sách đầu tư trồng mía được tăng cường, giá mía thu mua cao mà diện tích mía của Công ty SBT có nguy cơ giảm? Theo đánh giá của Công ty thì năm nay diện tích mía trồng mới bằng năm trước- khoảng hơn 3.500 ha, nhưng lại có một số diện tích mía lưu gốc bị chuyển đổi sang cây trồng khác. Trước tiên là có gần 400 ha do trước đây nông dân trồng mía trên đất lâm nghiệp ở các xã Suối Dây, Tân Thành, Suối Ngô thuộc huyện Tân Châu, nay phải thực hiện trồng cây rừng theo chủ trương của tỉnh.  Kế đến là có hàng trăm ha mía bị bệnh rượu vụ trước, vụ này phải phá bỏ toàn bộ để trồng lại giống mới nhằm hạn chế bệnh lây lan, nhưng nông dân không tiếp tục trồng mía mới mà chuyển sang trồng lúa vì lúc đó giá lúa lên rất cao. Một số diện tích nông dân thuê trồng mía cặp biên giới thường bị trâu bò phá khó giữ được nên nông dân trả lại đất không tiếp tục trồng mía nữa…

Làm thế nào để có thể khôi phục vùng nguyên liệu mía? Lãnh đạo Công ty SBT nói riêng và các nhà máy đường trong tỉnh nói chung đều cho rằng ngoài những chính sách đầu tư, thu mua thuận lợi của nhà máy thì UBND tỉnh cần sớm công bố và thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh. Đây chính là yếu tố cơ bản nhất để các nhà máy dựa vào đầu tư phát triển mía một cách bài bản, khoa học.

Sơn TrẦn