Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát hiện có 4 loài linh trưởng là chà vá chân đen, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn và cu li nhỏ. Riêng loài khỉ mặt đỏ rất hiếm gặp trong khu vực nên khả năng loài này còn ngoài tự nhiên là rất thấp.
Vượn Pile
Vùng phân bố tập trung các loài linh trưởng nhiều nhất là các tiểu khu 25, 26, 27, 28 và 30. Trong đó, loài khỉ đuôi dài được ghi nhận trong các tiểu khu 25, 26, 27, 28, 29, 30, 20 và 21; loài khỉ đuôi lợn chỉ được ghi nhận trong tiểu khu 21, 27 và 28; loài chà vá chân đen chỉ được ghi nhận trong tiểu khu 28 và 30.
Hiện nay, diện tích sinh cảnh phù hợp cho từng loài linh trưởng chỉ khoảng 10% diện tích của Vườn quốc gia. Tổng diện tích sinh cảnh phù hợp cho tất cả các loài linh trưởng ước tính chiếm 43,45% tổng diện tích của Vườn. Điều này phản ánh một thực trạng là khả năng đáp ứng của Vườn đối với vùng sống và khả năng sức tải của Vườn trong bảo tồn và phát triển các quần thể linh trưởng là không lớn.
Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hiện nay, việc săn bắn là mối đe doạ hàng đầu đối với các loài linh trưởng. Tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hình thức săn bắn thú rừng chiếm 10% trong các loại tác động lên nguồn tài nguyên rừng (khai thác gỗ chiếm 3% và lấy măng chiếm 39%). Hiện nay, mối đe doạ do săn bắn không chỉ đến từ người dân Việt Nam sinh sống xung quanh Vườn quốc gia mà còn đến từ người dân Campuchia.
Bên cạnh đó, cháy rừng là mối đe doạ nghiêm trọng đến các loài động thực vật nói chung và đối với các loài linh trưởng trong khu vực nói riêng. Theo thống kê, nước ta có khoảng 6 triệu héc-ta rừng dễ bị cháy, trong đó có Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, do chịu ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu và gió mùa Tây Nam nên khí hậu tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thường nóng hơn những khu vực khác vào cao điểm của mùa khô. Trong khu vực có những trảng cỏ ngập nước nhưng vào mùa khô những trảng cỏ này là tác nhân gây ra cháy rừng rất cao, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh cũng như vùng sinh sống của các loài linh trưởng.
Kế hoạch bảo tồn các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát hướng đến tầm nhìn bảo tồn nguyên vẹn và toàn diện các loài linh trưởng cũng như quần thể của các loài, hướng đến tăng trưởng về kích thước quần thể của các loài linh trưởng.
Khỉ đuôi lợn
Đến năm 2030, tỉnh mở rộng ít nhất 25% diện tích sinh cảnh phù hợp cho các loài linh trưởng, tập trung vào các loài quan trọng, nguy cấp, quý hiếm. Xây dựng khung giám sát về linh trưởng; hoàn thiện chương trình du lịch sinh thái và chương trình nâng cao nhận thức về bảo tồn linh trưởng, đa dạng sinh học cho Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, loài linh trưởng có giá trị bảo tồn cao nhất là loài chà vá chân đen. Nghiên cứu đã xác định được phạm vi phân bố của loài này với vùng sinh cảnh phù hợp kèm theo với hai kiểu rừng chủ yếu là rừng thường xanh trung bình và nghèo.
Ngoài ra, hiểu biết về nguồn thức ăn của loài là cực kỳ hữu ích và quan trọng trong định hướng các chương trình bảo tồn. Những thông tin về thức ăn có thể giúp nhà quản lý xây dựng các chương trình phát triển rừng hướng đến tăng vùng sống cho các loài linh trưởng.
Những kết quả từ nghiên cứu trên chỉ ra rằng vùng sống phù hợp cho các loài linh trưởng chỉ chiếm khoảng 10% diện tích đối với mỗi loài và khoảng 45% diện tích khi cộng gộp của tất cả các loài. Bên cạnh đó, vùng sinh cảnh sống phù hợp cho loài không liên tục. Do đó, để bảo đảm mục tiêu bảo tồn cho các loài linh trưởng cần có kế hoạch làm giàu vùng sinh cảnh sống cho loài trong những khu vực không phù hợp nhưng có vai trò như cầu nối giữa các sinh cảnh phù hợp.
Các chương trình dự kiến bảo tồn linh trưởng như: Chương trình điều tra, giám sát linh trưởng; Chương trình bảo tồn, làm giàu sinh cảnh; Chương trình giáo dục truyền thông, du lịch sinh thái; Chương trình nghiên cứu, cứu hộ, và tái thả. Một số chương trình ưu tiên đối với từng loài cụ thể như: chà vá chân đen; khỉ đuôi dài; khỉ đuôi lớn; cu li nhỏ; các loài linh trưởng khác.
Nhi Trần