Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vườn lan “quý tộc” của thạc sĩ quản lý xây dựng
Thứ năm: 12:02 ngày 14/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau gần 6 năm khởi nghiệp từ vườn hoa lan hồ điệp, đến nay có thể khẳng định, định hướng khởi nghiệp của Chí là đúng và đã thành công. Doanh thu và lợi nhuận từ vườn hoa lan của Chí ngày càng cao, vốn đầu tư lập vườn cơ bản đã thu hồi.

Năm 2012, người quen với gia đình ông Dương Khải Thành ở khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh đều cảm thấy ngạc nhiên khi biết con trai ông là anh Dương Võ Đạt Chí có ý định khởi nghiệp từ vườn hoa lan hồ điệp (tên khoa học là Phalaenopsis sp- một loại lan được mệnh danh là “nữ hoàng của các loài hoa lan”, rất khó trồng để cho ra hoa đạt yêu cầu).

Lan loại lớn ra hoa dài hơn 1m tại vườn lan của Chí.

Bởi vì khi ấy, Chí vừa mới lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý xây dựng, chẳng dính dáng gì với nghề trồng hoa lan cả, mà đây lại là loại hoa lan “quý tộc”, không mấy người trồng quy mô. Thế nhưng, với quyết tâm và lòng đam mê của mình, sau mấy năm gầy dựng, vườn lan hồ điệp của Chí dần cho hoa đạt yêu cầu, thị trường ngày càng ưa chuộng, doanh số bán ra ngày càng cao.

Có lẽ Dương Võ Đạt Chí “nhiễm” sự đam mê hoa lan từ cha của mình. Anh Dương Khải Thành xuất thân là một tiểu thương nhưng lại rất đam mê trồng lan. Trước đây, dù bận bịu với công việc kinh doanh, nhưng anh Thành vẫn dành thời gian chăm sóc vườn lan ở nhà, trong vườn luôn có vài chậu nở hoa. Tuy chỉ trồng chủ yếu để ngắm hoa, nhưng nghe ở đâu có giống lan mới, lan đẹp, anh Thành không ngại cất công tìm đến.

Có lần trên chiếc xe Honda 81 cũ xì, anh Thành lặn lội đến tận huyện Đức Hoà, tỉnh Long An để chia lại vài tép lan về gây giống. Thời còn học phổ thông, Chí thường giúp cha chăm sóc vườn lan nho nhỏ ở nhà những lúc anh Thành bận công việc. Nào ngờ, việc này lâu dần trở thành niềm đam mê của Chí lúc nào không hay.

Một góc vườn lan hồ điệp của Chí.

Lúc đầu, Chí không nhận thức hết niềm đam mê của mình đối với hoa lan. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Chí thi vào Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành xây dựng. Tốt nghiệp, kỹ sư Chí vừa làm việc vừa học tiếp cao học. Tưởng rằng lấy bằng thạc sĩ, Chí sẽ tiếp tục theo làm việc trong ngành xây dựng, nên nghe Chí bày tỏ muốn lập nghiệp từ việc trồng hoa lan, anh Thành và cả gia đình đều kinh ngạc.

Nghe Chí phân tích, anh Thành tin tưởng, giúp vốn cho con thực hiện ước mơ của mình. Theo Chí, việc lập vườn hoa lan có điều kiện thuận lợi trước tiên là xuất phát từ niềm đam mê nên không sợ bỏ dở giữa chừng. Còn Chí chọn trồng hoa lan hồ điệp- loại lan muốn trồng thành công phải bảo đảm rất nhiều yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, tỷ lệ chiếu sáng, quy trình chăm sóc, bón phân... do đây là loài hoa lan không mấy người trồng, toàn miền Nam lúc bấy giờ chưa có ai trồng kinh doanh với quy mô lớn cả, vì thế sẽ dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ hơn các loài hoa lan khác.

Từ kiến thức học hỏi ở nhiều nơi cộng với nghiên cứu trên mạng, Chí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất gồm giàn che, hệ thống làm lạnh, tạo độ ẩm tự động... trên khu đất gần 1 công. Sau đó, Chí liên hệ nhập giống hoa lan hồ điệp từ Đài Loan về trồng. Do kinh nghiệm tích luỹ chưa nhiều, mấy năm đầu tiên, Chí chủ yếu nhập cây hoa lan loại gần trưởng thành về trồng nhưng tỷ lệ thành công vẫn không cao.

Mấy năm sau, từ thực tế, Chí điều chỉnh quy trình trồng và các thông số kỹ thuật, kết quả khá thành công, tỷ lệ cây ra hoa đạt yêu cầu ngày càng cao. Lúc đó, Chí mạnh dạn nhập cây loại nhỏ về trồng để giảm chi phí đầu tư ban đầu. Lan ra hoa đạt yêu cầu, nhiều nơi ưa chuộng nên sản phẩm của Chí sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó- đặc biệt là vào dịp Rằm tháng 8 (lễ Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Đài) và Tết nguyên đán.

Bình quân mỗi năm, vào dịp Rằm tháng 8, vườn lan của Chí cung cấp cho thị trường 3.000 giò; dịp tết cung cấp hơn 1.500 giò. Còn những ngày bình thường, vườn hoa lan của Chí thường xuyên cung cấp hoa cắt cành cho các nơi làm tràng hoa, giỏ hoa và trang trí.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Chí nhập về giống lan hồ điệp mới (loại cây lớn), cộng thêm kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để cho ra mỗi phát hoa dài đến hơn 1m. Mỗi giò lan như thế có nhiều phát hoa, cho ra có khi đến 70 bông, nở kéo dài đến cả tháng. Vì thế, tuy loại lan này xuất bán với giá khá cao- khoảng từ 1,2 triệu đồng trở lên mỗi giò nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.

Năm rồi, ngoài hàng ngàn giò hồ điệp bình thường, vườn lan của Chí đã tung ra thị trường hàng trăm giò lan lớn có phát hoa dài. Tết 2019 sắp tới, ngoài hơn 1.000 giò lan hồ điệp bình thường, Chí chuẩn bị khoảng 400 giò lan hồ điệp lớn để cung cấp cho thị trường Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Do đây là giống hồ điệp mới, hoa nhiều và đẹp nên thị trường luôn hút hàng, Chí định hướng sẽ tập trung sản xuất ngày càng nhiều giống hồ điệp này để tăng doanh thu.

Hiện nay, vườn lan của thạc sĩ Dương Võ Đạt Chí luôn có hơn 13.000 giò hoa lan hồ điệp- từ cây cấy mô đến cây trưởng thành. Trong đó có hơn 1.000 giò cây bình thường và hơn 400 giò cây loại lớn đang cho ra phát hoa, chuẩn bị cung cấp thị trường tết nguyên đán sắp tới.

Sau gần 6 năm khởi nghiệp từ vườn hoa lan hồ điệp, đến nay có thể khẳng định, định hướng khởi nghiệp của Chí là đúng và đã thành công. Doanh thu và lợi nhuận từ vườn hoa lan của Chí ngày càng cao, vốn đầu tư lập vườn cơ bản đã thu hồi. Nói về định hướng phát triển trong tương lai, ngoài việc tập trung phát triển loại hoa lan hồ điệp phát hoa dài để cung ứng cho thị trường, Chí còn dự kiến thử sức thêm một số loại cây trồng khác ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Chí đã chuẩn bị một số diện tích đất để thực hiện định hướng này.

S.T

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục