BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vươn lên nhờ cần cù, chịu khó 

Cập nhật ngày: 30/10/2020 - 16:45

BTN - Trên địa bàn xã Long Phước, huyện Bến Cầu có 32 hộ người dân tộc Thái sinh sống. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, với ý thức vươn lên, tích cực lao động sản xuất, đời sống kinh tế của các hộ người dân tộc Thái nơi đây ngày càng phát triển. Ông Vi Văn Cón, 53 tuổi, ngụ ấp Phước Trung là một trong số hội viên Nông dân người dân tộc Thái vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Ông Cón tâm sự, để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, gia đình ông trải qua nhiều gian khó. Năm 1993, vợ chồng ông theo nhiều hộ dân tộc Thái rời quê Thanh Hoá vào Tây Ninh, chọn Long Phước làm nơi sinh sống, lập nghiệp. Những ngày đầu sống trên vùng đất mới, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn do chỉ có hai bàn tay trắng, không có đất ở, không có việc làm.

May mắn là sau đó gia đình ông cũng như nhiều hộ dân tộc Thái khác được chính quyền địa phương quan tâm cấp đất cất nhà và đất sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ đó, gia đình ông ra sức khai hoang, cải tạo đất để trồng lúa.

Nhưng không may, việc sản xuất của vợ chồng ông không được thuận lợi, bởi cứ gặp cảnh thất mùa liên miên do không có vốn liếng, thiếu kinh nghiệm. Có mùa, gia đình không có tiền để tái sản xuất. Cuộc sống càng vất vả hơn. Khó khăn chồng chất, cả nhà phải thường xuyên ăn cơm độn củ mì, sống lây lất qua ngày.

Ông Cón nhớ lại: “Thấy vợ chồng tôi nghèo, cũng không người quen biết, người ta không dám bán thiếu cho diêm tro nên có mùa không trồng trọt được gì. Vợ chồng tôi buồn lắm, sinh nản, tưởng đã bỏ dở tất cả trở về quê nhà.

Nhưng nghĩ lại, cũng vì tìm cơ hội phát triển mà cả gia đình tôi rời bỏ quê hương đến lập nghiệp ở xứ lạ quê người. Ở vùng đất mới dẫu khó khăn, nhưng cũng đỡ khổ hơn ở quê hồi trước. Với suy nghĩ ấy, vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng tìm cách thoát nghèo. Không chỉ sản xuất lúa, vợ chồng tôi còn làm thêm nhiều việc khác, lo cho gia đình không phải chịu cảnh đói khát”.

Với quyết tâm vươn lên, vợ chồng ông Cón làm đủ việc, vừa đi làm thuê vừa học kinh nghiệm trồng trọt của bà con trong vùng. Hai vợ chồng quyết bám đất, bám ruộng để phát triển kinh tế. Ngoài trồng lúa, vợ chồng ông còn trồng thêm các loại hoa màu khác.

Ban đầu cũng trầy trật, nhưng làm qua nhiều vụ, vợ chồng tích luỹ được kiến thức trồng trọt, quyết tâm trồng cho bằng được các loại hoa màu. Không phụ người siêng năng, sau nhiều vụ, rau màu trúng mùa, cho lãi cao, vợ chồng ông Cón rất phấn khởi vì kinh tế gia đình dần ổn định.

Thấy người ta chăn nuôi có hiệu quả kinh tế, ông Cón mạnh dạn vay vốn nuôi bò. Sau đó, ông bán bò chuyển sang nuôi trâu vì thấy trâu dễ nuôi, phù hợp với vùng đất trũng thấp, có nước đọng vào mùa mưa.

Ông Cón nuôi trâu rất “mát tay”, từ vài con trâu ban đầu, ông đã chăm sóc, gầy dựng được đàn trâu 15 con. Cũng nhờ tiền bán trâu, cộng với tiền tích luỹ được, mấy năm trước, vợ chồng ông xây căn nhà vững chắc, rộng rãi hơn, thay cho căn nhà cũ kỹ, dột nát. Ông Cón nói, đó là thành quả, động lực để vợ chồng ông cố gắng lao động, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. 

Ông Cón chia sẻ: “Trong trồng trọt và chăn nuôi, vợ chồng tôi chủ yếu lấy công làm lời, ít thuê mướn. Tôi thường xuyên học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các hộ nông dân sản xuất giỏi, tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức để áp dụng kiến thức, kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Từ đó giúp sản xuất đạt hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định”.

Trải qua nhiều khó khăn vất vả, cuối cùng vợ chồng ông Cón đã làm được điều mình mong muốn, giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Cón xúc động nói: “Cuộc sống cơ cực đã qua, vợ chồng tôi không bao giờ quên những năm tháng khốn khó ấy.

Nhờ vùng đất lành, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc trong mọi mặt đời sống, gia đình tôi được an cư lạc nghiệp trên quê hương thứ hai. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi chỉ mới ở mức ổn định, chưa giàu có. Vợ chồng tôi tiếp tục cố gắng phấn đấu lao động để tạo dựng cuộc sống khấm khá hơn như nhiều hộ dân tộc Thái đã và đang làm được trên mảnh đất này”.

THẾ ANH