Văn hóa - Giải trí   Giới thiệu sách

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vươn lên từ đáy: Hành trình tái hiện giấc mơ Mỹ 

Cập nhật ngày: 13/04/2024 - 10:31

Chúng ta nợ nhau điều gì? Làm sao chúng ta truyền động lực, tài năng, thậm chí nỗi đau, vào những thứ còn ý nghĩa hơn cả thành công cá nhân? Và trách nhiệm của chúng ta ở nơi chúng ta sống, làm việc, và vui chơi là gì? Đây chính là những câu hỏi mà Howard Schultz luôn mang bên mình từ khi lớn lên ở khu nhà Brooklyn và trong khi xây dựng Starbucks từ 11 cửa hàng thành một trong những thương hiệu biểu tượng của thế giới. Quyển sách một phần là hồi ký, một phần là bản kế hoạch chi tiết về trách nhiệm chung, và một phần như minh chứng rằng con người bình thường có thể làm những điều phi thường.

Trải nghiệm mở quầy cafe tí hon của cựu chủ tịch Starbucks

Rốt cuộc, tôi đã thuyết phục được Jerry cho tôi mở một quầy cà phê tí hon bên trong một cửa hàng Starbucks mới khai trương.

Dân Ý hiểu được mối quan hệ đầy cảm xúc mà con người có thể có được cùng cà phê và họ đã từ đó xây nên một nền văn hóa sống động, nâng tầm một sản phẩm đơn thuần lên thành nghệ thuật và tạo ra những không gian ấm cúng, thân thiện nơi các barista và nhiều người khác đều biết tên bạn.

Cà phê có thể đưa mọi người quây quần bên nhau ở một chốn nào đó. Cũng giống như rượu vang, nó là một thức uống của cộng đồng, nhưng khác rượu vang ở chỗ nó là một dạng chất kích thích.

Khi ta vừa uống cà phê vừa trò chuyện với người khác hoặc ngồi một mình, cà phê có thể trở thành nguồn năng lượng cho cuộc trò chuyện hoặc cho những suy ngẫm riêng tư trong trạng thái sung sức nhất. Các điểm tụ họp này là một phần đời sống thường nhật - là không gian mang lại cảm giác thoải mái và đời sống cộng đồng đơn giản, đầy ngẫu hứng, mà muôn phần thân thuộc.

Những quán cà phê và quầy bar espresso tôi ghé chân hoàn toàn khác xa mấy sân bóng và mấy khu sinh hoạt chung ở nơi tôi lớn lên, nhưng chúng khơi nên trong tôi những cảm giác xưa cũ mà tôi đã bỏ lại phía sau từ thời thơ ấu: cảm giác gắn bó với một nơi mà ta thuộc về.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Sự xúc động khi có được giác ngộ này xâm chiếm tôi ở những tầng sâu nhất. Cơ thể tôi như tích điện và tâm trí tôi ngập tràn ý tưởng. Ở nước Mỹ tôi biết chẳng thứ gì ngang tầm được với những quán cà phê của Ý, nhưng bản năng mách bảo tôi rằng mọi người sẽ hưởng ứng trải nghiệm cà phê espresso giống như tôi, hiếu kỳ xen lẫn thích thú. Tôi vững tin rằng việc tái hiện trải nghiệm đó theo màu sắc Mỹ sẽ là nước cờ kế tiếp dành cho Starbucks.

Bấy giờ, Starbucks không phục vụ đồ uống. Chúng tôi chỉ đóng gói các hạt cà phê rang sẵn trong năm cửa hàng của mình rồi gửi đến các khách hàng thân quen để họ tùy nghi pha chế. Công ty khiêm tốn của chúng tôi - với uy tín về chất lượng cà phê xuất sắc - đang sở hữu vị trí lý tưởng để có thể giới thiệu cho Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ biết đến sân khấu và trải nghiệm cộng đồng ấm áp của quầy pha chế espresso.

Tôi không thể bỏ qua ý tưởng này được. Trên chuyến bay trở lại Seattle, tôi hí hoáy viết ra các đề án. Tôi thậm chí còn vẽ mấy mẫu thiết kế cách tích hợp quầy cà phê vào các cửa hàng hiện có của chúng tôi. Tôi về tới văn phòng Starbucks trong tâm trạng vô cùng háo hức.

Các nhà sáng lập của Starbucks không cùng chung nhiệt huyết như tôi. Họ muốn giữ đúng quan điểm của họ về việc bán cà phê nguyên hạt, chấm hết. Tôi tôn trọng quyết tâm đi theo đúng một mục đích duy nhất của họ, nhưng trái tim lại kéo tôi về hướng khác. Rốt cuộc, tôi đã thuyết phục được Jerry cho tôi mở một quầy cà phê tí hon bên trong một cửa hàng Starbucks mới khai trương ngay giao lộ Phố Đệ-tứ và Phố Mùa-xuân ở Seattle.

Dù bị lép vế nằm một góc cửa hàng, quầy cà phê đã thu hút rất đông khách, nhiều người trong số đó mới lần đầu thưởng thức hương vị caffè latte và ngày nào sau đó cũng quay lại để uống tiếp. Thành công rồi, tôi nghĩ. Nhưng Jerry và Gordon không hứng thú với chuyện mở rộng ý tưởng này thêm nữa.

Tôi buồn khủng khiếp. “Starbucks có thể trở thành một trải nghiệm tuyệt vời, chứ không chỉ đơn thuần là một nhà rang hay một nhà bán lẻ cà phê giỏi,” lập luận của tôi là vậy. Tôi dốc tâm can từng tràng không ngớt nhưng gương mặt họ chẳng đổi sắc chút nào. Họ đâu nhìn thấy thứ tôi nhìn thấy.

Nói cho đúng lẽ, Jerry và Gordon hoàn toàn tôn trọng nhiệt huyết của tôi dù họ không có chung nhiệt huyết đó. Hai người họ đã mạo hiểm quá nhiều để có thể xây nên doanh nghiệp của mình, và vì vậy họ hiểu thế nào là cảm giác khi ta say mê một ý tưởng nào đó nhiều tới mức ta không cách gì buông bỏ được nó.

Tôi ở lại Starbucks thêm một năm trước khi ra đi để khởi nghiệp công ty riêng - để làm chủ vận mệnh của chính mình.

Nguồn znews