Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vươn lên từ tay trắng
Thứ hai: 12:17 ngày 22/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua lời giới thiệu của ông Lê Văn Nhại- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Cầu, chúng tôi đến khu phố 3 gặp anh Trương Văn So (sinh năm 1972)- một nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù chịu khó, ham học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật, kịp thời nắm bắt thời cơ để sản xuất, trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Anh So bên đàn bò của mình

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, khi học đến lớp 9, anh So phải nghỉ học, đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Năm 1990, anh So tình nguyện đi bộ đội, được công tác tại Huyện đội Bến Cầu. Sau đó, anh xuất ngũ, lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Muội và về sinh sống tại khu phố 3, thị trấn Bến Cầu cho đến ngày nay.

Anh So bồi hồi kể lại, khi anh chị mới ra riêng, sống trong căn chòi ọp ẹp. Không ruộng đất sản xuất, hằng ngày, vợ chồng anh phải vất vả ngoài đồng áng làm thuê, đắp bờ ruộng, bẻ thuốc lá vàng, hái ớt… để nuôi con. Vì ham làm, anh So thường lãnh những công việc khoán, làm hết việc chứ không hết giờ, có ngày đến hơn 19 giờ mới về đến nhà ăn bữa cơm chiều.

Tích luỹ dần, anh So cũng mua được 4 công ruộng, 2 con nghé và 2 con bê để nuôi phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng làm việc không rảnh tay, phần lo sản xuất lúa, hoa màu, phần tranh thủ đi làm thuê, phần chăm sóc đàn trâu, bò. Anh đã gầy dựng đàn trâu, bò cả chục con. Sau thời gian, anh thấy việc nuôi trâu khá cực công chăm sóc. Anh bán đi số trâu, dùng tiền mua thêm hơn 1,5 mẫu ruộng và 3 con bò giống về nuôi. Tiếp tục trồng lúa, hoa màu, nuôi bò, vài năm sau anh lại mua tiếp thêm hơn 2 mẫu ruộng.

Tính đến nay, gia đình anh So có 4 mẫu ruộng, đàn bò có 6 con lớn nhỏ. Anh thường trồng lúa 2 vụ, còn lại anh trồng bắp và đậu, không khi nào để đất trống. Nhờ tham gia tập huấn qua các lớp kỹ thuật trồng  trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức, anh So áp dụng đúng kỹ thuật trong việc chăm sóc lúa, đậu, bắp, năng suất thường được nâng cao, mỗi vụ lúa của anh thu hoạch được 7 tấn/ha.

Tính ra trong 4 mẫu lúa, khi trừ các khoản chi phí, anh So còn lãi được hơn 160 triệu đồng/2 vụ/năm. Riêng cây bắp, anh trồng trên 2 mẫu, lãi khoảng 130 triệu đồng và lợi nhuận từ cây đậu phộng bình quân từ 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn bán bò con với số tiền khoảng 25 triệu đồng/năm. 

 Không chỉ tích cực chăm lo sản xuất, anh So luôn sẵn sàng giúp đỡ giống, vốn không tính lãi cho các hộ nông dân nghèo ở khu phố vươn lên trong cuộc sống. Anh còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội tại địa phương, đóng góp nhiều khoản chi phí xây dựng phong trào.

Từ năm 2010 đến năm 2012, anh So đã đóng và vận động bà con góp trên 42 triệu đồng để mở rộng 2 con đường từ tổ dân cư số 11, 12 đi ra con đường Thị trấn, chiều dài hơn 2.000m. Gia đình anh hiến hơn 350m2 để làm 2 con đường này. Ngoài ra, anh So còn bỏ ra cả chục triệu đồng để kéo điện hạ thế dài 500m cho 7 hộ nông dân cùng xóm sản xuất, có cuộc sống ổn định.

Cuộc sống của gia đình anh So hiện nay rất khấm khá. Anh đã xây dựng được căn nhà khang trang, sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Hai đứa con ăn học đàng hoàng, thành đạt. Con trai đầu của anh So sau khi học xong Trường sĩ quan Lục quân 2 về công tác tại Sư đoàn Bộ binh 5, còn cậu con út đang học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ.

Nhờ cần mẫn làm ăn, sống có nghĩa có tình nên anh So được nhiều bà con lối xóm thương mến. Nhiều năm liền, gia đình anh So được công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu của khu phố 3; anh là gương nông dân điển hình sản xuất giỏi của địa phương. Anh So đã được chính quyền địa phương, các cấp Hội tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi.

THUỲ DUNG

Tin cùng chuyên mục