Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Vườn mai kiểng độc đáo giữa lòng thành phố Tây Ninh
Chủ nhật: 22:30 ngày 04/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hoa mai vàng từ lâu đã trở thành biểu tượng không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về, đặc biệt trong văn hoá người dân miền Nam. Không chỉ mang vẻ đẹp rực rỡ, tươi tắn, những cánh mai còn gợi nhắc đến không khí ấm cúng, sum vầy và chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt lành như sự may mắn, tài lộc và khởi đầu thuận lợi cho năm mới.

Không dừng lại ở vai trò trang trí tết, trong những năm gần đây, mai vàng còn trở thành niềm đam mê của nhiều người yêu cây cảnh. Từ thú chơi tao nhã, việc trồng và chăm sóc mai đã phát triển thành một ngành kinh doanh đầy tiềm năng, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và tâm huyết của người làm vườn.

Vườn mai gần 8 ha sau hơn 15 năm tâm huyết của ông Đoàn Văn Lực– Giám đốc Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh.

Nằm yên bình tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, một vườn mai rộng gần 8 ha đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới yêu cây và du khách gần xa. Đây là thành quả sau hơn 15 năm tâm huyết của ông Đoàn Văn Lực– Giám đốc Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh.

Ông Lực chia sẻ, ý tưởng hình thành vườn mai bắt nguồn từ một chuyến công tác tại huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), nơi ông có dịp tham quan vườn mai của một người bạn. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, năm 2005, ông quyết định trồng gần 6.800 cây mai con trên diện tích hơn 1 ha tại ấp Trường Lưu, xã Trường Tây (thị xã Hoà Thành).

Sau 4 năm, khi cây phát triển mạnh, ông thuê nhân công bứng gốc, chuyển về trồng trên khu đất mới rộng hơn gần 8 ha tại khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh) và đặt tên là “Vườn mai ông Sáu Lực”.

Một cây mai có dáng “vầng trăng khuyết” độc đáo.

Điểm độc đáo của vườn mai này là mỗi cây đều được trồng trong bầu xây bằng gạch, cao từ 30–50cm so với mặt đất. Cách trồng này giúp bộ rễ phát triển tự nhiên, tạo hình “quái nôm” độc đáo khi rễ uốn lượn theo thành bầu. Song song đó, nhiều nghệ nhân bonsai cũng được ông Lực mời về để tạo dáng cho cây, mang lại vẻ ngoài bắt mắt và đầy nghệ thuật.

Theo ông Đoàn Văn Lực, những năm gần đây, nghề trồng mai bán cây vào mỗi dịp tết đến xuân sang đã trở thành một trào lưu. Tuy nhiên, đa số đều làm theo kiểu trồng và bán cây tự nhiên, cây trồng vài năm rồi bứng vào chậu đem bán, không có sự đầu tư vào hình dáng nghệ thuật.

Với niềm đam mê cây cảnh, đặc biệt là cây mai vàng, ông Lực tìm hiểu thị hiếu nhóm khách hàng là những người yêu cây cảnh và quyết định chọn hướng đi khác, đó là mô hình trồng mai tạo hình bonsai, hướng đến phục vụ những người chơi mai nghệ thuật, họ là những người vừa có đam mê lại vừa có kiến thức, am hiểu về cây cảnh, đặc biệt là về vấn đề phong thuỷ.

Ông Trần Thanh Phi (áo đỏ) và ông Nguyễn Thanh Liêm tạo dáng cho một cây mai.

Ông Trần Thanh Phi, quản lý vườn mai ông Sáu Lực cho biết, khu vườn hiện có hơn 6.000 gốc mai, tất cả đều được trồng từ nhỏ, không ghép cành, hoa mai có từ sáu đến mười hai cánh. Hầu hết, cây trong vườn có tuổi đời từ 15 năm đến gần 20 năm, độ tuổi lý tưởng để có dáng thế đẹp, gốc to, hoa nở đều và lâu tàn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, nghệ nhân tạo hình cây mai.

“Khoảng 80% số cây trong vườn có tuổi từ 14 năm trở lên, với chu vi gốc đạt 80–90cm. Mỗi cây được chăm sóc tỉ mỉ, tạo dáng theo phong cách bonsai như “trực tàn thông”, “siêu phong”, “vầng trăng khuyết”… Mỗi dáng cây là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự công phu và sáng tạo của người làm vườn. Nhiều cây được định giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt có cây trị giá đến cả tỷ đồng – đúng nghĩa “tài sản sống” giữa đô thị hiện đại”, ông Phi chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, nghệ nhân tạo hình cây mai làm việc tại vườn mai này cho biết, nhờ được trồng trong bầu gạch nổi nên những cây mai trong vườn đều có bộ gốc tự nhiên đẹp, đó cũng chính là điều kiện tiên quyết để tạo thế cho cây mai. Hiện trong vườn có đến 90% số cây thuộc loại dáng đẹp, một thân một cốt, từ gốc phát triển thẳng lên, tán chia đều.

Theo ông Trần Thanh Phi, nghề trồng mai kinh doanh hiện nay đã và đang được nhiều người trồng. Tuy nhiên, để có một vườn mai như bây giờ, đòi hỏi người trồng mai, chơi mai kiểng phải có niềm đam mê rất lớn cộng với một tiềm lực tài chính bền vững. Mỗi một cây mai từ khi trồng chỉ bằng cái que, sau thời gian chăm sóc gần 20 năm, để duy trì và phát triển khu vườn, ông Đoàn Văn Lực, chủ vườn mai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phân bón và nhân công chăm sóc. Đó là minh chứng rõ ràng cho lòng đam mê mãnh liệt và quyết tâm theo đuổi nghề trồng mai của ông chủ Công ty cao su Liên Anh.

Cây mai có tuổi đời hơn 15 năm tuổi tại vườn của ông Lực.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Đoàn Văn Lực cho biết, hiện tại ông dự định bán dần khoảng hơn 1.000 cây mai tự nhiên, chưa tạo dáng bonsai để tạo nguồn thu tái đầu tư cho số cây còn lại. Đối với những cây tạo dáng nghệ thuật bonsai, ông dự định lập trang web để đăng tải từng cây với kiểu dáng khác nhau được định danh bằng mã số cho những người có nhu cầu lựa chọn trực tuyến, sau khi cây được tạo dáng hoàn chỉnh và phục hồi phát triển tốt sẽ giao bán cho khách.

Không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả, vườn mai của ông Đoàn Văn Lực còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm lại sự bình yên giữa nhịp sống hối hả. Giữa lòng Thành phố, khu vườn như một khoảng lặng, nơi mỗi người cảm nhận được không khí mùa xuân, sự khởi đầu mới và những kỳ vọng tốt đẹp cho tương lai.

Thiện Đức

Tin cùng chuyên mục