BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát: Sẵn sàng cho việc giải quyết tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây sai mục đích

Cập nhật ngày: 25/06/2009 - 09:37

Giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát Nguyễn Đình Xuân (đứng)

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích, trong đó Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát (VQG LG-XM) được chọn làm điểm triển khai thực hiện. Đề cập đến việc thực hiện nhiệm vụ này, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc VQG LG-XM, cũng là ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, người đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng trên diễn đàn Quốc hội cho biết:

Cho đến nay diện tích bị bao chiếm, lấn chiếm trên địa bàn VQG là 618,2 ha, do 257 hộ. Trong đó, diện tích đã trồng cao su là 91,1 ha, trồng cây điều và cây ăn trái khác là 344,4 ha và trồng các loại cây ngắn ngày 182,7 ha. Một số hộ có diện tích bao chiếm lớn như hộ ông Võ Văn Oai, Nguyễn Văn Ký, Phùng Văn Tạo, Nguyễn Văn Xuân… Trong tổng số 257 hộ bao chiếm có 4 hộ là cán bộ, đảng viên. Việc xử lý tình trạng bao chiếm đã được tiến hành trong nhiều năm qua, nhưng tốc độ rất chậm, trong đó còn tồn đọng nhiều vụ kéo dài đến tận ngày nay. Trong thời gian qua, UBND huyện Tân Biên đã ra quyết định xử lý được 9 vụ với diện tích 33,1 ha; UBND xã Tân Lập xử lý 4 vụ với diện tích 4,9 ha, đồng thời vận động di dời và trồng rừng theo kế hoạch 11,1 ha. Hiện nay đang còn tồn đọng 22 vụ với diện tích 53,7 ha chưa xử lý được. Cuối năm 2008, UBND huyện Tân Biên cũng đã ra 5 quyết định buộc một số hộ vi phạm khắc phục hậu quả, chặt bỏ cây cao su để trồng lại rừng. VQG đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục củng cố hồ sơ để giải quyết, nếu các hộ cố tình không chấp hành, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế sớm để thu hồi đất trồng rừng kịp niên vụ 2009.

- Chúng tôi được biết, kế hoạch giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích của UBND tỉnh lần này sẽ được tiến hành rất quyết liệt, VQG đã chuẩn bị gì để thực hiện việc giải quyết bao chiếm?

- Được sự đồng tình của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, và đại đa số nhân dân trong vùng, chúng tôi đã cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể như: Tăng cường kiểm tra, cập nhật số liệu về diện tích cũng như thời gian, đối tượng bao chiếm để có giải pháp cụ thể; tuyên truyền cho từng người dân và cán bộ địa phương hiểu rõ rừng và đất rừng là của Nhà nước quản lý liên tục từ sau giải phóng đến nay, do nhiều nguyên nhân nên đã bị một số hộ dân vào phá rừng, bao chiếm, mua bán sang nhượng trái phép với nhau. Nay Nhà nước tiến hành trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch của chính phủ, những hộ dân đang sử dụng đất rừng sẽ được ưu tiên giao đất trồng rừng lâu dài, được Nhà nước đầu tư toàn bộ chi phí (gần 10 triệu đồng/ha cho 3 năm đầu tiên), được hưởng các sản phẩm phụ, cây keo... Những hộ dân nào không chấp hành hoặc không có nhu cầu trồng rừng thì sẽ bị thu hồi đất để hoàn trả cho BQL Vườn quốc gia thực hiện theo kế hoạch. Song song đó, VQG có nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ quản lý đất đai trên toàn bộ lâm phần, ngăn chặn những hành vi lấn chiếm mới, không cho phép những hộ vi phạm tiếp tục tác động vào rừng nếu chưa có cam kết và có giải pháp trồng rừng theo kế hoạch.

- Qua những nỗ lực trong thời gian gần đây, kết quả bước đầu đến nay như thế nào?

- Đến nay VQG đã trồng được gần 40 ha rừng/180 ha theo kế hoạch. Đáng phấn khởi là trong số diện tích rừng đã trồng có một số hộ có diện tích bao chiếm lớn, nhiều năm không hợp tác trồng rừng, nay đã tham gia, như hộ ông Võ Văn Oai đã trồng 6 ha rừng, 5 hộ (có 1 hộ là đảng viên) đã tự chặt bỏ hàng chục ha điều để chuyển sang trồng rừng. Để động viên các hộ này, đồng thời vận động các hộ còn lại tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích để trồng rừng, chúng tôi dự kiến sẽ biểu dương và có khen thưởng các hộ tích cực chấp hành. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cây giống, nhân lực để trồng rừng đồng loạt trong tháng 7 tới đây.

- Để giải quyết dứt điểm tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích đã kéo dài nhiều năm qua, ông có đề xuất gì với các ngành, các cấp?

- Tất cả các khâu chuẩn bị đã hoàn tất. Hiện VQG đã sẵn sàng cho việc giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp trồng cây sai mục đích. Tuy nhiên, để công tác giải quyết triển khai thuận lợi, đề nghị Ban chỉ đạo và các ngành chức năng sớm triển khai Kế hoạch giải quyết bao chiếm của tỉnh, huyện, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm còn tồn đọng, cưỡng chế một số vụ điển hình. Đề nghị ngành ngân hàng và chính quyền các cấp dành cho các hộ dân trồng rừng một số ưu đãi như cho vay tín chấp, thế chấp bằng tài sản trên đất cũng như quyền lợi được hưởng theo hợp đồng, BQL VQG sẵn sàng bảo lãnh cho các hộ trồng rừng.

Ngoài ra, các ngành cũng cần quan tâm đến việc đổi mới mô hình trồng rừng, xen canh các loại cây dược liệu, cây dưới tán, chuyển giao kỹ thuật, gây nuôi động vật hoang dã để nâng cao thu nhập người trồng rừng.

Sơn Trần

(thực hiện)