Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vườn nhà đất xấu không trồng nổi cây ăn trái, chỉ mọc hoang rặt một giống sầu đâu. Cây sầu đâu chỉ có chặt đem làm củi; còn trái tới mùa ra vô số nhưng… đắng ngắt không ăn được! Anh Hai ra vô cứ luôn miệng càm ràm với mẹ: vườn nhà người ta thiệt đã, nào ổi nào xoài nào mít, còn vườn mình trông bắt chán, rặt một giống sầu đâu! Ba bàn, hay mình chặt phăng kêu bán củi đi bà, để chi cho chật đất? Mẹ gạt: ông cứ để yên đó cho tui. Tui có cách biến cây sầu đâu thành… cây ăn trái! Mấy cha con nghe nhảy dựng, tròn mắt! Theo gặng hỏi, mẹ cứ cười mủm mỉm, nhất định không khai…
Cách vài bữa thấy mẹ đi xin đâu về hàng gánh loại cây thân có bốn cạnh màu xanh giống xương rồng. nhưng ít gai hơn. Tưởng gì, té ra là cây (chính xác phải gọi dây) thanh long. Giờ thì cả nhà mới vỡ lẽ ra “âm mưu” biến sầu đâu thành cây ăn trái của mẹ: đem dây thanh long trồng sắp lượt dưới các gốc sầu đâu to, cột dây cho chúng bám tựa vào thân cây.
Ðược mẹ đều đặn chăm sóc, tưới tắm, những dây thanh long nhanh chóng bén rễ nảy mầm, nương theo thân sầu đâu ngày một vươn cao. Vườn nhà tôi kề bên mé cánh đồng lớn. Mùa đồng cày ải tháng tư, anh em tôi, theo lệnh mẹ, ra đồng lượm đất cục bỏ rổ bưng về chất quanh các gốc thanh long.
Muốn mau có trái ăn thì phải làm siêng! Nghe mẹ động viên, tưởng tượng tới cảnh những dây thanh long xanh mướt sum suê sẽ ra hoa, đậu thành lủng lẳng vô số trái chín đỏ tươi tự dưng đứa nào cũng nuốt nước miếng ực ực bưng đất chạy bay quên cả nhọc nhằn!
Cây không phụ công người, đất vườn nhà tuy xấu nhưng nhờ đất ruộng đắp thêm chứa nhiều màu mỡ nên thanh long nhanh chóng lớn vọt, ngút xanh. Từ những thân thanh long non mọc ra vô số chiếc rễ phụ ngoằn ngoèo bám ôm quanh thân, nhánh sầu đâu. Ðược rồi! Mẹ thở phào, giờ thì cây sầu đâu sẽ “nuôi” thanh long! Là sao hở mẹ? Thì thanh long hút nhựa sầu đâu mà sống. Con nhìn đám rễ phụ kìa… Ra vậy, tôi bắt đầu lờ mờ hiểu. Vậy không cần đắp đất, tưới cây nơi gốc nữa mẹ hở? Cũng gần như vậy, mẹ cười…
Leo lên tới chạc ba lớn nhất của cây sầu đâu, những dây thanh long - giờ đã vô cùng sung sức - bắt đầu đâm chi chít đọt non toả bung ra bốn phía. Giờ thì không phải một hai dây đơn độc mà đã quây lại thành chòm, buông toả những đọt xanh lơ lửng rủ xuống xung quanh như cái đầu tóc “phi dê” mới uốn. Sắp có trái rồi, mẹ bảo. Thật. Tháng 6, mưa hạ liên tiếp mấy buổi chiều. Sau mưa, một sáng ra vườn chứng kiến ngọn thanh long đầu tiên rụt rè ló ra mấy búp hoa.
Anh em tôi đứa nào cũng vui như hội. Mẹ cũng vui. Mẹ cười, nheo mắt đi quanh từng gốc sầu đâu có chòm thanh long dòm, đếm. Một, hai, ba, bốn… À, thì ra không phải chỉ một chòm ra hoa. Chòm nào cũng có. Do những nụ hoa xanh tiệp lẫn vào thân, với lại mắt chúng tôi chưa quen nên không dòm thấy! Giờ không chỉ vui mà là… quá vui! Mấy đứa cùng nắm tay nhau hú hét, nhảy tưng tưng tựa phát khùng!
Nụ lớn nhanh như thổi, chừng nửa tháng đã bung to tròn, đầu thuôn, chúm nhọn như cái bắp (hoa) chuối. Ðêm trăng ra vườn chơi cút bắt, tình cờ dòm lên mấy chòm thanh long bỗng nhận ra hoa đang bung nở từng đoá to trắng xoá, thoảng đưa hương. Còn nữa, mơ hồ trong đêm vắng vẫn nghe thanh âm nhiều cánh bướm đêm bay lượn sập sè. Hoa thanh long lạ lắm: đêm bung nở, ngày lại cụp cánh xuống cứ tưởng hoa tàn.
Nhưng không! Ðêm về, hoa lại tiếp tục nở bung. Vài ba đêm như vậy hoa mới thật sự tàn. Ấy là lúc đã xong xuôi quá trình thụ phấn. Cánh, đài lần lượt khô đi để bầu noãn ngày một lớn nhanh thành hình dạng trái thanh long tròn thuôn như quả trứng gà; khác cái xung quanh đeo lởm chởm những “cái tai” cùng tiệp một màu xanh.
Nắng tháng tám hanh hao nung nấu lớp da trái cứ ngày một mọng căng. Xanh thẫm màu hơn. Nhanh chóng ngả chàm. Hồng phớt. Rồi đỏ. Ngày càng đỏ tươi, đỏ đậm! Giờ thì giống y như lời mẹ; vườn sầu đâu “vô tích sự” ngày xưa đã thực sự biến thành vườn cây ăn trái.
Dưới tán sầu đâu là những chùm thanh long vắt vẻo, lủng lẳng đeo mang bên mình bao nhiêu là trái. Nhìn xa, sắc đỏ lô nhô, nổi bật trên nền xanh của lá của cây trông thật gọi mời khiến lũ nhỏ cứ đứng dưới gốc cây trật cổ nhìn lên, nuốt ừng ực nước miếng. Mẹ bảo: thấy đỏ vậy thôi nhưng mà chưa chín, ăn chua…. Vậy thấy sao là chín hở mẹ? Là khi con trông màu trái chuyển đỏ bầm, đỏ tím…
Tôi không tin, trưa nắng lén mẹ hậm hụi trèo cây, nhỏn lẹ một trái ôm trốn ra góc rào lột vỏ, háo hức cắn phập… Trời đất, chua lè! Vừa chua vừa nhớt không ăn nổi. Hoá ra mẹ nói không sai, trái thanh long nhìn màu đỏ chưa chắc đã chín! Lần đầu tiên tôi được bài học thấm thía về cái lý thấy vậy mà không phải vậy. Dở khóc dở cười…
…Vườn thanh long của mẹ giờ không còn. Mẹ cũng không còn. Nhưng lời mẹ dạy, tấm gương mẹ tảo tần yêu thương vun quén - cùng vị ngọt những trái thanh long một thời ấu thơ được nếm- cứ theo hoài trong những giấc mơ tôi.
Y.N