Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đà Nẵng:
Vườn thú 30 năm tuổi, vẫn phải giải thể vì ngày càng teo tóp
Thứ sáu: 09:28 ngày 15/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thông tin Công ty Công viên cây xanh vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng giải thể vườn thú công viên 29-3 hơn 30 năm tuổi đã chạm đến tình cảm nhiều người dân Đà Nẵng.

Vườn thú Đà Nẵng tại công viên 29-3 chỉ có 5 chủng loại, số thú này nghèo nàn, thể trạng yếu ớt, ít hấp dẫn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Dù lãnh đạo TP Đà Nẵng chưa quyết định số phận vườn thú nhưng nhiều người lo lắng họ sẽ chỉ còn thấy thú trên... tivi. Đồng thời TP mất đi một địa điểm tham quan quen thuộc.

Xin giải thể vì "teo tóp"

Vườn thú tại công viên 29-3 có từ năm 1983 với nhiều loại thú được cho tặng, một số loại thú có nguồn gốc châu Phi. Đến năm 2004, khi Công ty Công viên cây xanh TP Đà Nẵng thành lập, TP đã giao nhiệm vụ nuôi dưỡng thú cho đơn vị này để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm - Phó giám đốc phụ trách Công ty Công viên cây xanh, hiện vườn thú có 24 con vật gồm 13 con nai, 1 con cầy mực, 1 con trăn đất, 1 con cá sấu trên 20 năm tuổi và hai gia đình khỉ với 8 con, chủng loại ít đi do một số loài chết vì già yếu. 

Bà Diễm cho rằng việc nuôi thú theo kiểu chuồng trại, diện tích khoảng 700m2 nhỏ hẹp làm hạn chế khả năng sinh trưởng, phát triển tự nhiên của thú. Vì vậy, công ty khó mà tiếp nhận và phát triển thêm vườn thú.

Do nhỏ về không gian, đơn điệu về cá thể, không có nhân viên nuôi thú chuyên nghiệp nên hầu hết các loại thú sinh trưởng èo uột. 

Tình trạng sinh sản cận huyết ảnh hưởng đến thể trạng động vật, đơn cử như 13 con nai được sinh từ cặp nai bố mẹ ban đầu hầu hết yếu đuối.

Vườn thú teo tóp, ít cuốn hút người xem nên nhiều năm nay luôn trong tình cảnh "bỏ thì thương mà vương thì tội". Ngoài việc thiếu hấp dẫn, mới lạ thì việc giải quyết khâu vệ sinh cho thú tại đây cũng gặp khó khăn do chung vách với khu dân cư xung quanh.

"Công ty không còn đủ điều kiện chăm sóc, vườn thú cũng không còn mang ý nghĩa giải trí, giáo dục cho cộng đồng vì thú quá lèo tèo. Với mong muốn thú được nuôi dưỡng, phát triển, công ty đề xuất xin di dời, chuyển giao" - bà Diễm nói.

Không đầu tư thêm mà xóa sổ?

Thảo cầm viên (TP.HCM), Thủ Lệ (Hà Nội) hay Safari (Phú Quốc, Nha Trang) có chủng loại thú hàng trăm, Đà Nẵng cũng là đô thị lớn nhưng lại hụt hơi. TP có lượng du khách mỗi năm hơn 5,5 triệu người, gấp 5 lần số dân Đà Nẵng mà không có nổi một vườn thú thì quả là đáng tiếc.

Nghe nguy cơ xóa sổ vườn thú, ông Lê Văn Bình, người dân quận Thanh Khê, buồn bã nói một đô thị lớn như Đà Nẵng nên đầu tư một sở thú phong phú, đa dạng.

Ông Nguyễn Thưởng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Đà Nẵng, cho rằng vườn thú công viên 29-3 đã gắn với ký ức người dân Đà Nẵng. 

Đó là nơi các ngày lễ tết mọi người trong ngoài TP Đà Nẵng vào công viên vừa dạo bộ, nghỉ ngơi, tham quan vườn thú, hồ cá. Đây cũng là nơi duy nhất ở Đà Nẵng có vườn thú để học sinh tham quan, nên việc xóa bỏ vườn thú rất đáng tiếc. 

Theo ông Thưởng, Đà Nẵng là một đô thị lớn, phát triển, du khách đông đúc nên phải có vườn thú, sở thú và để có một vườn thú phong phú, hấp dẫn thì TP cần đầu tư thích đáng.

Trong khi đó, một số cơ quan chức năng vẫn chỉ mới biết tin di dời vườn thú qua báo chí như lời bà Lê Thị Thái Dương, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng: 

"Cơ quan sẽ nắm thêm thông tin và thái độ dư luận rồi trao đổi lại với các cơ quan chức năng. Nếu di dời thì ở đâu, nuôi dưỡng thú thế nào...". 

Còn ông Phạm Tấn Xử, Trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP, cho biết chưa nghe thông tin, khi nào TP có quyết định, chủ trương thì HĐND sẽ nắm bắt, giám sát. 

Ngày 11-9, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Xây dựng - cho hay hiện sở chỉ mới tiếp nhận đề xuất của công ty.

Muốn duy trì phải mở rộng quy mô

Việc giải thể một vườn thú đã 30 năm tuổi như ở Đà Nẵng là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên trong điều kiện nuôi nhốt nhỏ hẹp và ít cá thể như vậy, việc duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển thú là rất khó khăn nếu không có sự quan tâm, đầu tư đúng mức.

Với quy mô khoảng 24 cá thể và diện tích 700m2 như trên thì chỉ thích hợp làm khu nuôi nhốt trong các khu vực nhà hàng ăn uống, phục vụ du khách tham quan.

Còn nếu muốn duy trì phải mở rộng quy mô để tăng cường thêm các loài thú cho đa dạng, hình thức đầu tư có thể chuyển sang mô hình xã hội hóa.

Ở Việt Nam, ngoài vườn thú Thảo cầm viên đã có lâu đời thì nhiều đơn vị đầu tư vườn thú mới kết hợp các dịch vụ, du lịch tốt như khu công viên nước Củ Chi (quy mô 28ha với hàng trăm cá thể), Đại Nam (Bình Dương) hay ở Long An cũng sắp có thêm vườn thú mới...

Các đơn vị này lấy các nguồn thu từ việc bán vé kết hợp các dịch vụ đi kèm để lấy nguồn thu cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển thú.

Chính môi trường nuôi dưỡng tốt, gần với tự nhiên của các đơn vị này đã khiến một số loài thú quý hiếm như cọp, sư tử trắng... sinh sản thành công.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục