Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vướng mắc trong việc thi hành một quyết định giải quyết đất đai
Thứ hai: 02:50 ngày 19/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vụ tranh chấp đất giữa ông Phạm Hữu Hiền và bà Cao Ngọc Sương từ năm 1994, dù đã nhiều lần được các cấp chính quyền giải quyết, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Mặc dù vào năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2478/QĐ-UBND (Quyết định 2478), được xem là quyết định có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Tuy nhiên đến nay đã hơn 6 năm, Quyết định 2478 vẫn chưa được thi hành xong vì còn gặp nhiều vướng mắc.

NGUỒN GỐC TRANH CHẤP

Theo Quyết định 2478 của UBND tỉnh, vào năm 1978, ông Phạm Hữu Hiền và ông Nguyễn Minh Cách đều có đến khu đất Trảng Cá Ngựa, thuộc ấp Gò Cát, xã Tân Phong, huyện Tân Biên khai khẩn đất rừng để canh tác.

Thời điểm này, ông Hiền được cho là tiến hành “rọc ranh, khai khẩn” đất rừng với diện tích khoảng 6 ha. Nhưng, thực tế ông Hiền chỉ “rọc ranh” mà chưa “khai khẩn” tất cả diện tích đất trên.

Trong khi đó, cũng vào thời điểm ấy, ông Cách có khai phá đất rừng cùng khu vực trên để sản xuất. Đến năm 1980, ông Cách giao đất cho ông Nguyễn Văn Thứ. Năm 1982, ông Thứ lại giao cho bà Cao Ngọc Sương sản xuất, còn ông đi đến xã Suối Ngô lập nghiệp. Việc cho và nhận đất đều không thể hiện trên giấy tờ.

Từ năm 1982 đến năm 1990, bà Sương sản xuất trên phần đất trên. Thời điểm này, Nông trường Tân Hưng cho Tập đoàn xã Tân Hưng mượn 200 ha, trong đó bao gồm cả đất bà Sương, vị trí đất ở bìa ranh, nhưng bà Sương vẫn tiếp tục sản xuất.

Năm 1990, Nông trường Tân Hưng thu hồi đất thành lập đội sản xuất trồng mía. Ông Lê Văn Khôi- nguyên trợ lý giám đốc phụ trách khai hoang, trực tiếp tổ chức san ủi thu hồi đất của bà Sương, đưa vào khu quy hoạch sản xuất thuộc lô 5, do Đội 4 của nông trường quản lý.

Sau đó, nông trường hợp đồng trồng mía với ông Vũ Văn Tảo trên phần đất của bà Sương trước đây. Năm 1994, bà Sương đến gặp ông Tảo xin lại đất nhưng không được.

Năm 1995, ông Phạm Hữu Hiền có đơn khiếu nại xin lại 6 ha tại Trảng Cá Ngựa do Nông trường Tân Hưng quản lý. Thanh tra tỉnh xác minh, và UBND tỉnh ban hành Quyết định 126/QĐ-UB bác đơn khiếu nại của 278 hộ dân, trong đó có ông Hiền.

Năm 1996, ông Hiền gặp ông Tảo xin lại đất. Và dù ông Tảo chưa đồng ý, ông Hiền vẫn cho máy cày phá gốc mía mà ông Tảo đã trồng trước đây để trồng mía khác. Ông Tảo yêu cầu ông Hiền bồi thường gốc mía nhưng ông Hiền không đồng ý.

Thời điểm này, bà Sương liên hệ ông Hiền xin lại đất, và ông Hiền cũng không đồng ý. Bà Sương đề nghị nông trường giải quyết, nhưng lúc này thì… nông trường đã giải thể.

Quá trình giải quyết của chính quyền

Ngày 9.4.1994, bà Sương làm đơn khiếu nại, tranh chấp đất trên với ông Hiền. UBND xã Tân Phong chuyển đơn cho UBND huyện Tân Biên giải quyết. UBND huyện ban hành Quyết định 204/QĐ-CT (Quyết định 204) buộc ông Hiền giao 10.751m2 đất thuộc tờ bản đồ số 13 thửa 219 cho bà Sương. Ông Hiền khiếu nại, UBND huyện ban hành Quyết định 289/QĐ-CT (Quyết định 289) bác đơn. Ông Hiền tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh.

Ngày 13.5.2005, UBND tỉnh họp với các ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Tân Biên, kết luận giao Sở Tài nguyên & Môi trường hoàn chỉnh báo cáo trình UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định 289, bác khiếu nại của bà Sương với lý do đất do UBND huyện Tân Biên quản lý, nếu các hộ có nhu cầu sử dụng, làm đơn gửi UBND xem xét giải quyết.

Sau đó, Sở Tài nguyên & Môi trường báo cáo UBND tỉnh nội dung tranh chấp đất giữa hai hộ bà Sương và ông Hiền. Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng, năm 1978, ông Hiền và ông Cách đến khai khẩn đất rừng sản xuất, ông Hiền chỉ rọc ranh, khai khẩn đất rừng ở vị trí khác để “xí phần” diện tích 6 ha, thực tế ông Hiền chưa khai hoang phần diện tích này. Ông Hiền khiếu nại, UBND tỉnh đã ban hành quyết định bác đơn khiếu nại (cùng với 278 hộ dân).

Phần đất tranh chấp do ông Cách khai phá đất rừng vào năm 1978, sau đó ông Cách cho ông Thứ, ông Thứ cho bà Sương nhưng không thể hiện trên giấy tờ. Thời điểm từ năm 1982 đến năm 1990, bà Sương sản xuất trên đất, nhưng thời gian này, đất do Nông trường Tân Hưng quản lý, cho Tập đoàn Tân Hưng mượn, bà Sương chỉ là người sử dụng.

Về sau, Nông trường Tân Hưng vẫn tiếp tục quản lý, giao cho các đội sản xuất hợp đồng trồng mía. Năm 1996, ông Hiền chiếm đất ông Tảo đang sản xuất là vi phạm pháp luật.

Từ kết quả nêu trên, UBND tỉnh kết luận: Quyết định số 204 và Quyết định số 289 của UBND huyện Tân Biên giải quyết khiếu nại của bà Sương, ông Hiền là chưa chuẩn xác.

UBND tỉnh quyết định điều chỉnh Quyết định số 289 mà UBND huyện Tân Biên giải quyết khiếu nại của ông Hiền lại như sau: bác tư cách khiếu nại tranh chấp của bà Sương và ông Hiền với lý do đất tranh chấp do UBND huyện Tân Biên đang quản lý. Nếu hộ bà Sương và hộ bà Yến (con ông Hiền - ông Hiền đã chết) có nhu cầu sử dụng đất thì làm đơn gửi UBND xã, huyện để được xem xét giải quyết.

Vướng ở khâu nào?

Sau khi Quyết định 2478 của UBND tỉnh có hiệu lực, trong quá trình thực hiện, UBND huyện Tân Biên gặp một số khó khăn nhất định. Cả bà Sương và ông Hiền đều không đồng ý và có đơn khiếu nại. Thời điểm này, bà Sương uỷ quyền cho con là Nguyễn Thị Thanh Hoà khiếu nại.

Ngày 9.3.2016, UBND tỉnh ban hành Công văn 571/UBND-TD với nội dung yêu cầu tiếp tục thực hiện Quyết định 2478 của UBND tỉnh với lý do quyết định trên của UBND tỉnh là đúng quy định pháp luật. Công văn của UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể: trong quá trình thực hiện quyết định, đề nghị UBND huyện Tân Biên “mời hai bên lên vận động, giải thích và khẳng định diện tích đất tranh chấp được UBND tỉnh giao cho UBND huyện quản lý, sử dụng.

Bà Sương (nay là bà Hoà) và ông Hiền (hiện nay bà Yến đang sử dụng đất) không có tư cách pháp lý khiếu nại, tranh chấp. Thực hiện quyết định này, đề nghị UBND huyện Tân Biên vận động hai bên hoà giải theo hướng mỗi bên tranh chấp được nhận một nửa diện tích đất tranh chấp. Trong đó lưu ý, việc phân chia phải hợp tình hợp lý, vì bà Yến đã cất nhà trên diện tích đất tranh chấp.

Ngày 29.7.2016, UBND huyện Tân Biên tổ chức buổi hoà giải, bà Hoà chấp nhận theo phướng án hoà giải của UBND huyện, đồng ý nhận 5.000m2 hướng phía Bắc, trong khi đó bà Yến xin thêm thời gian để thống nhất ý kiến với gia đình. UBND huyện Tân Biên đề nghị thời hạn cuối bà Yến có ý kiến là ngày 3.8.2016. Tuy nhiên, sau đó, bà Yến không đồng ý hoà giải theo hướng chia đôi phần đất tranh chấp.

Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện làm việc với bà Yến. Bà cho rằng, Quyết định 2478 của UBND tỉnh có nêu nội dung, người nào có nhu cầu sử dụng đất thì làm đơn gửi UBND huyện. Căn cứ nội dung trên, hai bên tranh chấp, người nào có đủ điều kiện thì UBND huyện Tân Biên cấp giấy, người nào không đủ điều kiện thì không chấp nhận.

Sau đó, Phòng Tài Nguyên & Môi trường huyện Tân Biên tiếp tục làm việc với bà Yến, trên cơ sở bà làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Tại buổi làm việc này, bà Yến cho rằng trước đây, bà khiếu nại Công văn 571/UBND-TD, nhưng UBND tỉnh không giải quyết, bà Yến sẽ làm đơn rút đơn khiếu nại trên, đồng thời làm đơn xin cấp giấy CNQSDĐ theo Quyết định 2478 của UBND tỉnh.

Đại diện Phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết, nếu đơn xin cấp giấy CNQSDĐ không được giải quyết, Phòng sẽ tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 59/KH-UBND của UBND huyện, trong đó có nội dung UBND huyện sẽ thu hồi đất tranh chấp vì đất tranh chấp là đất công do UBND huyện quản lý. Tuy nhiên, bà Yến cho rằng việc UBND huyện đề ra kế hoạch thu hồi đất là chưa phù hợp Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Hiện nay, bà Yến có đơn gửi UBND huyện trình bày quá trình sử dụng đất như sau: Phần đất tranh chấp 10.751m2 nằm trong phần diện tích 7,5 ha do vợ chồng ông Hiền và chị em bà Yến khai phá từ đất rừng. Năm 1978 đến năm 1984, gia đình bà trồng mì, đậu… Do đất giáp với đất quy hoạch của nông trường nên có sự nhầm lẫn cho rằng đất do nông trường quản lý.

Năm 1996, ông Hiền lấy lại 2,5 ha đất từ ông Tảo (phần đất 10.751m2 nằm trong diện tích 2,5 ha này). Năm 1999, ông Hiền sang nhượng 1,2 ha đất cho ông Nguyễn Hồng Thu (ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Bình, huyện Hoà Thành (nay là thành phố Tây Ninh). Sau đó, ông Thu sang nhượng cho một người khác tên Phương, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu và  được cấp giấy CNQSDĐ, sau đó ông Phương sang nhượng cho một người tên Bớt, ngụ ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên. Ông Bớt được UBND huyện Tân Biên cấp giấy CNQSDĐ. 

Theo bà Yến, từ năm 1996, phần đất còn lại 10.751m2, gia đình bà trồng mía, mì đến năm 2006. Từ năm 2007 đến nay, gia đình bà Yến sử dụng làm đất ở, trồng mãng cầu, vườn tạp.

Từ năm 1998, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế huyện Tân Biên, cán bộ địa chính xã Tân Phong lập biên bản thu thuế gia đình bà Yến diện tích 2,5 ha (trong đó có 10.751m2).

Từ năm 1996 đến nay, gia đình bà Yến đóng thuế đất cho Chi cục Thuế Tân Biên (có đầy đủ giấy tờ). Bà Yến cũng cho biết, Quyết định 126/QĐ-UBND ngày 5.10.1995 của UBND tỉnh giải quyết khiếu nại của một số hộ dân trong thời kỳ này, tại trang 3 của quyết định nêu 11 hộ dân khiếu nại 35,4 ha, có xác định nông trường không khai hoang nên chưa quản lý (trong đó có 6 ha đất của cha bà Yến).

Theo danh sách các hộ dân khiếu nại đất nông trường mía Tân Hưng cũ, UBND tỉnh giao cho huyện Tân Châu không có tên hộ ông Hiền. Cũng theo bà Yến, gần khu vực đất tranh chấp, năm 1996, tỉnh làm đường, thu hồi diện tích 2.270m2, ông Hiền nhận tiền bồi thường 2.270.000đ.

Thiết nghĩ, để thực hiện Quyết định 2478 của UBND tỉnh đúng tinh thần trên cơ sở làm đơn xin cấp giấy CNQSDĐ của bà Yến, bà Hoà, UBND huyện Tân Biên cần căn cứ Luật Đất đai 2013 và các văn bản liên quan, trên cơ sở xác minh thực tiễn quá trình sử dụng đất, nếu hộ nào sử dụng đất ổn định lâu dài, phù hợp quy định pháp luật hiện hành thì xem xét giải quyết là hợp tình, hợp lý.

ĐỨC TIẾN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục