Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Bạn đã bao giờ thấy một bầu trời đầy chim chưa? Như trong câu thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Trời đầy chim và đất đầy hoa”. Đất đầy hoa thì thật là dễ gặp. Cứ tà tà xe máy đi dọc phố. Rồi sân vườn công trình công cộng nào trong Thành phố mà chẳng có các loài hoa. Trên dải phân cách đường Cách Mạng Tháng Tám còn lấp lánh những hoa chuối vàng và đỏ, bên những lùm hoa đã rất quen như cỏ đậu, bông trang, bông giấy, bông tra...

|
(Ảnh chụp ngày 19 và 20. 9. 2014)
Thế còn chim? Từ tháng Tám ta mùa con nước lên là ở Tây Ninh không thiếu những nơi chiều chiều chim bay đầy trời về tổ hoặc nơi tạm trú. Như lên đầu phường 1, phía Ninh Sơn rồi tạt ngang xuống mé rạch Tây Ninh. Từ bất cứ đoạn bờ rạch nào trên ấy cũng có thể thấy xao xác cánh cò bay ở bên kia rạch thuộc xã Bình Minh- xã ngoại vi Thành phố. Xa hơn chút nữa, có thể theo quốc lộ 22B từ ngã ba Mít Một ra phía xã Thanh Điền.
Ở đấy cũng dễ gặp những bầy cò bay về trên thảm lúa xanh, trắng loá một tầm nhìn. Mà, nếu có ngại đi hơn nữa, thì chỉ cần ra bờ rạch Tây Ninh, gần cầu Quan ở giữa trung tâm Thành phố. Cứ tầm 17 đến 18 giờ thế nào cũng gặp những bầy cò bay ngang con rạch. May gặp lúc có đàn lớn bay qua thì trời cũng đầy chim.
Vài năm trước, cứ ngắm những đàn chim ấy mà tưởng tượng ra, có người bảo chúng sẽ bay về những vườn cây dọc sông Vàm Cỏ Đông. Bạn sẽ biết mình đoán sai, vì chúng bay về một nơi rất gần trung tâm thành phố Tây Ninh. Nơi ấy là khu phố 4, phường 3. Và cũng không phải ven dòng sông mẹ Vàm Cỏ Đông, mà gần rất nhiều hơn thế.
Chỉ là ven rạch Tây Ninh, cách cầu Quan chỉ độ cây số rưỡi. Để đến được nơi này, bạn chỉ cần theo một trong hai con đường hẻm nhỏ. Hoặc là hẻm 15, từ đại lộ 30 tháng 4; hoặc hẻm số 3-D, đường Trưng Nữ Vương. Từ cầu Thái Hoà men theo đường bờ Đông rạch xuôi theo dòng nước chảy mà thẳng tới chưa đầy cây số. Nói thêm, con đường này hầu như năm nào cũng bị ngập khi lũ lớn về.
Vậy nếu đến, hãy đi ngay trong khoảng tháng 9 dương lịch khi lũ còn chưa tới. Vào những ngày hạ tuần tháng 9.2014; có đến nơi đây từ khoảng 17 - 18 giờ mới thật sự được ngắm nhìn bầu trời đầy chim. Đầy đến nỗi có cảm giác như một cơn lốc xoáy đang tụ về và lướt tới khu vườn cây. Từng bầy cò đang trở về từ mọi hướng, sà xuống thấp khi tới gần vườn. Rồi chúng lại đồng loạt bay lên, lượn tròn một hoặc nhiều vòng ngược chiều kim đồng hồ trước khi hạ cánh.
Cái vầng lốc xoáy này khi thì lấp lánh trắng trên nền mây xám, lúc lại hửng lên màu đỏ cam của ráng hoàng hôn. Nắng sắp tắt, các ngọn cây đã trĩu cong những bầy cò đậu nên không gian càng trở nên ồn ào và sôi sục. Cứ như một nồi cơm vĩ đại đang sôi lục bục. Cơn lốc cánh cò càng lúc càng xoáy tít và tụ lại có lúc trông như một chiếc “vòi rồng” đang thả xuống khu vườn.
Ngắm kỹ mà xem! Phần lớn là đàn cò lông trắng, có lúc ửng vàng do bắt nắng chiều hôm nhưng cũng có những bầy đàn chỉ vài chục con có màu đen đậm khiến màu trời như xôi đỗ xen nhau. Thỉnh thoảng lại có từng đàn chim nhỏ hơn, chỉ độ dưới chục con lao về nhanh như tên bắn. Anh Hà Vũ, một trong những con trai của chủ vườn bảo: đấy là chim sáo.
Trò chuyện với Vũ, mới biết khu vườn hơn 2 ha, lại có tường rào bảo vệ của nhà anh đã là nơi cư trú của các loài chim cũng từ khá lâu rồi, khoảng độ 10 năm. Nguyên do, anh Vũ đoán có thể vì vườn anh có khoảng 2 công vườn tràm nước mọc sát bờ rạch Tây Ninh.
Những cây tràm nước cắm chân trên mặt nước nổi váng bởi phân chim, thân xù xì từng lớp vỏ bong ra như giấy quyến. Cành lá nguềnh ngoàng, tha hồ làm nơi chim nghỉ qua đêm. Có điều này, chúng hơi giống xã hội con người một chút. Là cũng có loài “thường trú” và loài “tạm trú”.
Thường trú thì có le le, cồng cộc, cò ma, cò trắng cùng các loài chim như bói cá, chích choè, bìm bịp và chim sáo đen. Vũ nhẩm tính công dân chim cò thường trú chỉ độ một ngàn, còn dân tạm trú như những bầy cò lớn đang bay vần vụ trên đầu kia lên tới năm sáu ngàn, cao điểm vào tháng 10 có thể tới mười ngàn con về cư trú.
Không còn cành đậu thì chúng đậu tạm ở trên rặng cây tràm vàng bên kia bờ rạch Tây Ninh, cách vườn chính cũng chỉ hơn năm chục mét. Loài cò tạm trú kia thường đến từ tháng 8 cho đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau rồi chúng mới bay đi. Tính ra cũng quãng nửa năm trời.
Lạ một nỗi là dù thời gian lâu như thế nhưng loài cò tạm trú thường không làm tổ. Chỉ có một số loài thường trú mới làm tổ ngay trong vườn hoặc trong những lùm dứa dại ven sông như các loài chim cồng cộc, ốc cao và bìm bịp… Ốc cao ơi, bìm bịp ơi! Hèn chi mà vẫn thấy người ta bẫy bắt được mi đem bán ngoài chợ tạm Thanh Điền.
Anh Vũ bảo, vài năm trước còn có người mang súng hơi tới bắn nhưng gia đình anh đã cản ngăn quyết liệt nên nay không còn nữa. Tuy vậy vẫn còn những người đi bẫy chim, căng lưới ở những cánh đồng quanh đó.
Dù sao thì bầy cò và các loài chim đã an toàn hơn. Có lẽ vì thế nơi này đã trở thành vương quốc của các loài chim cò và một số giống loài cộng sinh khác nữa. Cảnh tượng tuyệt vời, thiên nhiên kỳ thú! Liệu có thể coi đây là biểu tượng của một thành phố đang phấn đấu xây dựng để trở thành văn minh, thân thiện như một câu khẩu hiệu ở trên đại lộ trung tâm thành phố Tây Ninh? Và giá như Thành phố có một động thái khích lệ nào đó để tạo điều kiện cho chủ vườn giữ chân đàn chim trời ở lại Thành phố lâu dài thì hay biết mấy!
TRẦN VŨ