Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vượt đại dịch bằng dinh dưỡng hợp lý
Thứ hai: 09:55 ngày 30/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hệ miễn dịch là một hệ thống "phòng thủ" tự nhiên của cơ thể, nhằm chống lại những tác nhân bên ngoài xâm phạm và gây bệnh. Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng và quyết định đến hệ miễn dịch có khỏe mạnh hay không. Thay vì tìm mua các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe trôi nổi, được quảng cáo thổi phồng công dụng, mỗi người hãy duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh để vượt qua đại dịch Covid-19.


Nhân viên bếp ăn của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông chế biến các món ăn bảo đảm dinh dưỡng cho người bệnh. Ảnh: Xuân Lộc

Cái bếp đi trước, tủ thuốc đi sau

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ tư này, nước ta đã ghi nhận khoảng 430.000 ca mắc Covid-19 và hơn 10.000 ca tử vong. Trước tình hình dịch đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, lợi dụng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của người dân tăng cao, một số tổ chức, cá nhân đã tự công bố, tự ghi nhãn và quảng cáo không ít sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng có tác dụng kháng vi rút, kháng Covid-19...

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga cho biết, ngay từ đợt dịch đầu tiên cho đến đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo, không có loại thực phẩm chức năng nào (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, nhất là điều trị Covid-19. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân quảng cáo sai quy định.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), các thầy thuốc làm về nhi khoa luôn được dạy rằng: “Cái bếp đi trước, tủ thuốc đi sau”. Việc lạm dụng thực phẩm chức năng, chỉ gây ra sự tốn kém không cần thiết. Bởi, trong thực phẩm chức năng được thêm một số chất vi lượng, vitamin…, nhưng không thể thay thế bằng dinh dưỡng được bổ sung qua các bữa ăn thông thường. Hơn nữa, khi mắc bệnh, thực phẩm chức năng càng không thể thay thế được thuốc điều trị.

Đối với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính có sức đề kháng và miễn dịch kém, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, những đối tượng này nên duy trì mức năng lượng từ 1.700 đến 1.900 kcal/người/ngày. Ngoài ra, nhu cầu protein (chất đạm) phải đáp ứng từ 60 đến 70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số protein. Nếu ăn được ít thịt phải bù vào các thực phẩm giàu can xi, như: Cá, tôm, cua và nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần…

“Thực phẩm chế biến cho người cao tuổi phải luôn ở dạng mềm, nhừ, dễ tiêu, ít gia vị. Nếu ăn không đủ nhu cầu năng lượng, người cao tuổi nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1 đến 2 cốc mỗi ngày”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến lưu ý.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội luôn quan tâm đến bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho nhân viên y tế và người bệnh. Ảnh: Linh Hương

Chế độ ăn khoa học giúp sinh kháng thể diệt vi rút

Dinh dưỡng không chỉ quan trọng với việc phòng bệnh, thậm chí khi mắc Covid-19, nếu chỉ sử dụng thuốc mà không tăng cường dinh dưỡng, dẫn tới suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng phòng Dinh dưỡng điều trị, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, có 10 nguyên tắc “dinh dưỡng vàng” đối với bệnh nhân mắc Covid-19 để bảo đảm hệ miễn dịch được khỏe mạnh. Nếu bệnh nhân mắc Covid-19 sử dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đúng, khoa học, thì hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra đủ kháng thể, góp thêm phần tiêu diệt vi rút.

“Nguyên tắc 1 và 2 chính là gạo, bánh mì, khoai. Nguyên tắc 3 là ăn nhiều rau theo mùa. Nguyên tắc 4 là ăn thêm quả chín sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút hoặc trong các bữa phụ. Nguyên tắc 5 là protein (chất đạm), đạm thực vật có trong cơm, rau, đậu phụ..., và đạm động vật có trong các loại thịt bò, thịt lợn... Nguyên tắc 6, 7 và 8 là bảo đảm chất béo cân bằng trong bữa ăn, nhưng nên hạn chế đường và hạn chế muối. Nguyên tắc 9, bảo đảm bù đủ nước cho cơ thể. Nguyên tắc 10 là bổ sung sữa vào chế độ ăn hằng ngày với khoảng 400ml/ngày”, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh cho hay.

Để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi người phải thay đổi lối sống, sinh hoạt, như: Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, không thức khuya... Đồng thời cần tuân thủ an toàn, vệ sinh thực phẩm: Có thớt riêng cho thức ăn chín và đồ sống, không dùng chung bát nước chấm, khi múc thức ăn từ bát chung cần có thìa riêng, không ăn thức ăn sống...

Cùng với đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, người trưởng thành cần luyện tập ở cường độ vừa (150 phút tuần) hoặc ở cường độ mạnh (75 phút/tuần). Hoạt động cơ bắp có tác dụng cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng. Với những người chăm hoạt động thể chất thường ít khi bị đau ốm hoặc nếu bị bệnh thì cũng hồi phục nhanh hơn. Ngoài ra, việc tập luyện thường xuyên còn mang lại tinh thần thoải mái, giảm lo âu, căng thẳng. Mỗi người có thể chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện và cố gắng duy trì thường xuyên, tối thiểu 3 lần/tuần.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nguồn hanoimoi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh