Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vượt lên chính mình
Thứ bảy: 11:24 ngày 24/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Tàn mà không phế” là cụm từ mà anh Trần Minh Luân- bị khuyết tật ở hai chân, ngụ huyện Trảng Bàng, hiện là giáo viên của Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh nhắc đến trong bài phát biểu của mình tại hội nghị.

Các em khiếm thị biểu diễn văn nghệ tại hội nghị.

Có lẽ, bất cứ ai tham dự buổi hội nghị hôm ấy cũng sẽ cảm thấy khoé mắt cay cay khi nghe những âm thanh réo rắt từ các nhạc cụ do các em khuyết tật biểu diễn. Tôi cố lắm nhưng vẫn không nhớ nổi các em đã chơi bài gì vì lúc đó cảm xúc trào dâng. Ấy là một hội nghị thật đặc biệt: biểu dương người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Người khuyết tật và trẻ mồ côi là những người yếu thế trong xã hội. Họ yếu thế về mọi mặt. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết, đến nay, nhận thức của cộng đồng xã hội về hoà nhập của người khuyết tật từng bước được nâng cao. Cuộc sống của người khuyết tật và trẻ em mồ côi đang dần dần được cải thiện.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người khuyết tật, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong hoà nhập với đời sống xã hội. Họ đang gặp nhiều rào cản cản trở sự tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông…

Nhưng những con người mà tôi có dịp gặp tại hội nghị hôm ấy đã không để khuyết tật cơ thể trở thành khuyết tật về tâm hồn. Trong hoàn cảnh khó khăn gấp bội so với những người bình thường khác, họ đã không ngừng vươn lên với ý chí, với nghị lực và sự kiên cường mà không phải ai cũng có được.

“Tàn mà không phế” là cụm từ mà anh Trần Minh Luân- bị khuyết tật ở hai chân, ngụ huyện Trảng Bàng, hiện là  giáo viên của Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh nhắc đến trong bài phát biểu của mình tại hội nghị. Anh đã không ngừng cố gắng học tập, làm việc để có cuộc sống được xem là ổn định như ngày nay. Anh Luân cũng nhắn nhủ với những người đồng cảnh ngộ: “Hãy tự tin, xoá đi những mặc cảm, tự ti, tiêu cực và hãy quyết tâm phấn đấu, chắc chắn sẽ làm được những gì chúng ta mong muốn, có một cuộc sống vui tươi, không ưu phiền và trở thành một công dân có ích cho xã hội”.

Hội nghị hôm ấy còn có những lời tâm sự, trải lòng của chị Cao Thị Trúc Mai ở huyện Bến Cầu, chị Nguyễn Thị Cẩm Quý ở huyện Tân Biên, em Nguyễn Hoàng Phúc, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Bến Cầu. Hoàn cảnh của họ đều giống nhau ở một chữ “buồn”. Có quá nhiều nỗi buồn hiển hiện trong cuộc sống của họ cùng những giọt nước mắt, không thể kìm nén được mỗi khi gợi nhớ về thời gian cực nhọc để hoà nhập cộng đồng.

Đáp lại sự nỗ lực vượt bậc của những người khuyết tật, các em mồ côi, là sự tiếp sức của cộng đồng. Vượt qua mặc cảm, chị Cẩm Quý giờ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỏ Công, huyện Tân Biên; chị Trúc Mai cũng có cuộc sống ổn định với nghề may từ lớp dạy may dân dụng thuộc chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Em Hoàng Phúc đã có thể giảm bớt phần nào khó khăn, không phải đầu tắt mặt tối đi làm thêm lo cho cuộc sống của hai bà cháu nữa.

Một nhân vật rất đặc biệt mà tôi để ý suốt hội nghị là em Nguyễn Gia Long, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Tân Phú A, huyện Tân Châu. Em bị dị tật tứ chi. Em đã luyện tập và giờ có thể dùng chân trái để viết chữ (viết đẹp nữa là khác), và thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu cá nhân của mình.

Khi màn hình chiếu cảnh em cùng các bạn trong lớp học với chỗ ngồi đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật, em ngả đầu sang vai mẹ, giấu đi khuôn mặt đang đỏ lên, bẽn lẽn. Ít tuổi, nhưng Long đã bắt đầu ý thức được thân thể khiếm khuyết của mình. Mẹ em kể, khi có em nhỏ hỏi “Sao anh không đi được vậy?”, Long trả lời không chút nghĩ ngợi: “Anh bị khuyết tật mà, làm sao anh đi được!”.

Thuật lại câu nói của con trẻ mà khoé mắt người mẹ long lanh. Khuyết tật nhưng Long không thụ động, không bó mình trong nhà mà em rất thích đi chơi, em còn là đầu têu của mấy trò chơi trong xóm. Suốt buổi trò chuyện, em ngồi không yên, lấy ngón chân khều cái này, móc cái kia, nghịch ngợm đúng như cái tuổi của em.

Có dịp, tôi gặp vợ chồng cô chú đều là người khuyết tật ở phường IV, thành phố Tây Ninh, sống với nhau không có con cái. Vậy mà, trong gia đình ấy luôn có tiếng cười. Hằng ngày, chú đi xe lăn bán vé số, kiếm sống qua ngày. Chú nói rất khó nghe, vậy mà cô hiểu hết. Còn cô cũng tật nguyền đôi chân, cũng bán vé số nhưng ít thôi rồi tranh thủ về làm việc nhà, nấu cơm cho chú, rồi còn ráng đan thêm miếng nhấc nồi bằng vải vụn đem bán.

Có lần chú bị tai nạn giao thông, cô chăm không xuể. Họ hàng, làng xóm liền chung tay phụ giúp. Rồi cô chú còn được địa phương xây tặng căn nhà đại đoàn kết cho có nơi chắc chắn để ở. Trong căn nhà đó, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng luôn có tiếng cười và sự bình yên.

Những người khuyết tật mà tôi được gặp đã cho tôi thấy được sự kiên cường, nỗ lực vượt bậc để vượt khỏi sự khốn khổ của hoàn cảnh, không ngừng phấn đấu, tìm niềm vui trong cuộc sống. Chắc chắn, hội nghị đặc biệt hôm ấy sẽ để lại những ấn tượng khó phai mờ trong lòng những người tham dự. Để sau những giọt nước mắt, những ánh mắt buồn là những nụ cười, là niềm hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn, khi những người lành lặn và những người không lành lặn đã sát cánh bên nhau.

X.V

Tin cùng chuyên mục