Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vượt qua bệnh tật

Cập nhật ngày: 30/12/2010 - 11:18

Ở Trường THCS Bàu Đồn (Gò Dầu), nhiều học sinh nể phục tấm gương vượt khó học giỏi của Võ Thị Lụa, lớp 9A7. Mặc dù bị bệnh tật và đi đứng rất khó khăn, nhưng Lụa vẫn kiên trì đến trường, là con ngoan, trò giỏi trong suốt nhiều năm liền.

Năm Lụa học lớp 5, trong một lần bị sốt, nhưng gia đình không có tiền đưa em đi bác sĩ điều trị nên sau đó đôi chân của em bắt đầu yếu đi. Kể từ đó, việc đi đứng của Lụa cũng khó khăn hơn. Từ nhà em đến trường khoảng 5km, vậy mà mỗi ngày 2 lần, Lụa phải đạp xe đi học. Do chân yếu nên không ít lần Lụa bị té ngã bẩn cả quần áo. Tuy vậy, Lụa vẫn kiên trì đứng lên và vượt qua những mặc cảm, tự ti rằng mình là người tật nguyền. Nhưng đó chưa phải là điều mà em lo lắng nhất. Điều mà Lụa lo nhất chính là ngôi nhà xiêu vẹo và dột nát mà cha mẹ em không có tiền để sửa chữa. Mỗi khi trời đổ mưa là căn nhà bị dột nát. Trong nhà em không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe hon da cà tàng của cha dùng để chở mẹ em đi bán rau ở chợ. Lụa kể: “Nhiều đêm đang ngồi học bài thì trời mưa, thế là em đành xếp sách vở lại để tránh mưa. Sáng hôm sau phải dậy thật sớm để học bù”.

Em Lụa trên đường đến trường

Tuy phải đến trường trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng lúc nào Lụa cũng phấn đấu vươn lên. Suốt 8 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Không những vậy, ở nhà Lụa còn là một người con ngoan. Mỗi ngày, Lụa phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để phụ mẹ lựa rau, rồi cột rau thành từng bó để mẹ đem ra chợ bán. Buổi trưa về nhà, Lụa tất bật quét nhà, nấu cơm để cha mẹ ở chợ về là có cơm ăn. Chỉ có buổi tối em mới có thời gian rảnh để học bài. Lụa tâm sự: “Em cố gắng học giỏi để không phụ lòng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè đã hết lòng nâng bước cho em được đến trường”. Thấy việc đi đứng của Lụa khó khăn nên trong năm học 2010 – 2011 này, một người hàng xóm tốt bụng đã bán trả góp cho Lụa chiếc xe đạp điện để em đến trường được dễ dàng hơn.

Nói về ước mơ của mình, Lụa cho biết: “Em ráng học giỏi để sau này có một cái nghề nuôi thân. Đó cũng là cách để em trả ơn cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho em được đến trường”.

Trương Dương