BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vượt qua mặc cảm

Cập nhật ngày: 04/05/2009 - 10:36

Hằng ngày, Liên dành hết tâm huyết vào đường kim mối chỉ của mình

25 năm trước, một bà mẹ nghèo đã sinh ra đứa con gái út bị dị tật hai bàn chân bị co quắp vào trong. Người mẹ đã nhiều lần khóc vì tội nghiệp cho đứa con gái bé bỏng của mình. Nhưng rồi số phận may mắn đã mỉm cười với cô bé ấy.

Khi tôi và chị Nguyễn Thị Kim Trang, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Bến Cầu ghé thăm nhà Nguyễn Thị Liên – ở ấp Thuận Hoà, xã Lợi Thuận, thì thấy cô đang cặm cụi may. Thấy có khách, Liên tạm nghỉ tay, rót nước tươi cười mời chúng tôi. Vừa nhấm nháp ly nước mát vừa nghe Liên kể chuyện: Liên là con út trong một gia đình nghèo có bốn anh em. Cha của cô đã bỏ đi đến nay không một lần quay lại. Đến lúc các bạn cùng trang lứa biết đi, biết chạy thì Liên còn loay hoay bò trên nền nhà. Vài năm sau, mới tập đi, tập đứng, nhưng với hai bàn chân co quắp vào trong, Liên không thể đi nhanh, cũng không bưng, vác nặng như những người bình thường khác. Lớn lên, Liên cũng được mẹ cho đến trường nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và mặc cảm bệnh tật nên mới học đến lớp 5, Liên đành xa rời đèn sách. Tuy bị dị tật nhưng hằng ngày, Liên vẫn khập khiễng làm thuê, làm mướn kiếm tiền phụ mẹ. “Em cũng chỉ làm được mấy việc như lặt đậu, bẻ bắp, xâu thuốc lá vàng, chứ mấy nghề có lội dưới sình như cấy lúa, cắt lúa thì em chịu thua vì không làm được” Liên kể.

Năm 2002, một bước ngoặt quan trọng đến với Liên khi cán bộ CTĐ ở xã đến thông báo tỉnh ta đang có chương trình giải phẫu điều trị khoèo chân miễn phí cho trẻ em. Ban đầu gia đình Liên không tin tưởng lắm, nhưng cũng đi khám thử cho biết. Sau khi khám, bác sĩ bảo có thể trị được, gia đình liền làm hồ sơ, đưa Liên đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh: “Lần đầu tiên em được mổ một chân. Về nhà em tập luyện khoảng 6 tháng đi được gần như bình thường. Mừng quá, qua năm sau, em tiếp tục xin mổ bàn chân còn lại”. Cùng với chương trình giải phẫu miễn phí, Hội CTĐ tỉnh còn hỗ trợ vốn bằng cách cho mượn xoay vòng mỗi trường hợp bị khoèo tay, khoèo chân 5 triệu đồng để học nghề. Có tiền trong tay, Liên quyết định mua một cái máy may. Hằng ngày, Liên đạp xe từ nhà ra đến xã An Thạnh (huyện Bến Cầu), khoảng 6 km để học nghề may.

Sau hơn một năm miệt mài học hỏi, cuối cùng Liên cũng thành nghề và trở về nhà, mở tiệm may quần áo. Nhờ tay nghề khá nên Liên được nhiều người biết đến. Liên tâm sự: “Trung bình mỗi ngày em may được từ 2 – 3 bộ quần áo, trừ chi phí cũng còn lời khoảng 30.000 đồng/ngày. Khi nào đồ nhiều quá, em nhờ một người em (cũng là thợ may) đến ráp phụ. Mấy tháng nay, có người đến tiệm đăng ký học may, nhưng em chưa dám nhận”.

Chị Kim Trang “bật mí”: Liên đã có người ngấp nghé cầu hôn. Cô vui vẻ kể: “Trước đây, khi còn bị tật em mặc cảm lắm, chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện lớn lên được lập gia đình vì sợ mình thương người ta, rủi người ta không thương mình, hoặc ba mẹ người ta không chịu thì cũng như không. Nhưng bây giờ thì em tự tin hơn”. Tiễn chúng tôi ra về, Liên lại cười bẽn lẽn: “Có thể đến cuối năm nay, em sẽ mời anh và chị Trang đi dự đám cưới của chúng em”.

ĐẠI DƯƠNG