Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vượt sông đến trường, không áo phao
Thứ ba: 11:54 ngày 05/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 38 học sinh tiểu học ở ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng vẫn ngày ngày tự tay chèo đò vượt sông đến trường. Thế nhưng, đa phần các em lại không mặc áo phao.

38 học sinh tiểu học ở ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng vẫn ngày ngày tự tay chèo đò vượt sông đến trường. Những tay chèo non nớt khua dầm trên dòng nước mênh mông hàng trăm mét, bất chấp những hiểm nguy. Thế nhưng, đa phần các em lại không mặc áo phao.

Những cái chết vì... quên mặc áo phao

Vụ chìm đò làm chết một cô giáo trên đoạn sông Vàm Cỏ Đông chạy qua 2 xã Phước Chỉ- An Hoà một năm trước vẫn còn là nỗi tiếc thương của thầy cô và học sinh Trường tiểu học Phước Hội. Rồi cũng trên đoạn sông này hiện nay, những học sinh của ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ vẫn ngày ngày chèo đò qua bên kia sông ở xã An Hoà, Trảng Bàng đến trường, bất chấp những nguy hiểm của dòng nước.

Cũng khoảng một năm trước, vợ chồng anh Hà Đức Trung - Nguyễn Thị Mỹ Dung, cùng vợ chồng người em gái là Hà Thị Mỹ Huyền, Nguyễn Thành Tây và hai con là Hà Đức Việt, Hà Đức Quốc, ngụ tại khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, đi ghe trên sông Vàm Cỏ Đông để đến thăm người thân ở ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Khi về đến khu vực ấp An Thới, xã An Hoà thì gặp phải chiếc xà lan chở cát, mang biển số LA 04130 của ông Huỳnh Thành Dân, chạy ngược chiều với tốc độ cao, gây sóng lớn đánh chìm ghe của anh Trung.

Rất may lúc đó, chị Lê Thị Điêm (40 tuổi) ngụ ấp An Thới (xã An Hoà), nghe tiếng kêu cứu từ ngoài sông, chạy ra nhìn thấy nhiều cánh tay giơ lên chới với đã nhảy xuống sông lao về phía nạn nhân để cứu. Với tinh thần dũng cảm quên mình, chị Điêm đã cứu được 4 người: anh Hà Đức Trung, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, anh Nguyễn Thành Tây và cháu Hà Đức Quốc. Do chỉ có một mình, nên chị Điêm không thể cứu được chị Hà Thị Mỹ Huyền và cháu Hà Đức Việt. Được biết, trên ghe anh Trung  không có áo phao.

Lênh đênh đường đến trường

Ngày nào cũng thế, em Nguyễn Thị Trúc Linh, học sinh lớp 81 Trường THCS An Thới nhà cặp sông Vàm Cỏ Đông, ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ. Hằng ngày vào khoảng 5- 6 giờ, em Linh cùng các bạn học sinh ở đây chuẩn bị tập vở, đồng phục, khăn quàng đỏ tươm tất. Sau đó các em xuống xuồng, cầm tay dầm và chèo ghe sang sông. Em Linh cho biết, ở đây các học sinh tiểu học hay THCS cũng đều như vậy. “Em nào nhỏ thì ngồi vào xuồng để tụi em chở, còn đứa nào lớn hơn thì có trách nhiệm chở mấy đứa nhỏ hơn”- Trúc Linh cho biết.

Những chiếc áo trắng giữa dòng sông xanh, tròng trành và đầy bất trắc của những chuyến đò ngang. Nhìn đôi tay nhỏ nhắn của Trúc Linh với cây dầm trên tay, chúng tôi hỏi: trong mùa lục bình dày đặc đoạn sông này, hay những hôm mưa to, gió lớn, thì các em chèo chống thế nào? “Thì vẫn phải đi học, hoặc cha mẹ em đưa tụi em qua sông! Em đi sông riết cũng quen rồi. Nhà em không có áo phao”- Trúc Linh cho biết như vậy khi đang trên chiếc đò lênh đênh trong sóng vỗ ào ạt vì gặp làn sóng lớn từ chiếc xà lan chạy qua.

Ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ có 38 học sinh tiểu học đang theo học tại Trường tiểu học An Thới, xã An Hoà. Một số em theo học tại Trường THCS An Thới. Đây là các em có nhà cặp bờ sông Vàm Cỏ Đông. Các em không có đường nào khác để đến trường, buộc phải chèo đò sang sông. Đáng chú ý là mặc dù con đường đến trường vất vả nguy hiểm là thế, nhưng học sinh ở đây lại học rất giỏi. Ông Nguyễn Thành Đi, Bí thư chi bộ ấp Phước Hội nói: “Năm nào, tôi cũng được mời dự lễ tổng kết của Trường tiểu học An Thới. Ấp tui có 38 em thì 30 em đạt học sinh khá giỏi rồi”.

Không chỉ có các em học sinh ở ấp Phước Hội, nhiều học sinh ở ấp Phước Lập nhiều lúc cũng phải đi đường sông đến trường. Trường tiểu học Trung Lập, xã Phước Chỉ nằm trên một khu đất giồng cao, nhưng để đến trường thì học sinh phải đi qua đường Lái Mai. Trong khi, con đường này rất lầy lội cho nên để tiện việc đến trường, các em phải đi bằng ghe. Không phải tự tay chèo ghe qua sông, nhưng con đường từ nhà đến trường của các em cũng không kém phần vất vả. Em Lê Thị Hồng Hà, lớp 5B tiểu học Trung Lập cho biết: “Hôm nào đi đường sông, ba mẹ con đưa con đi. Nhà con có 2 áo phao, nhưng con hay… quên mặc!”- Hà cười nói lý do rất… ngây thơ của mình.

Một phụ huynh cho chúng tôi xem chiếc áo phao mà chị mới mua cho con (mặc dù con chị đã đi học bằng ghe đã hơn 1 tháng từ ngày tựu trường). Cậu học sinh lớp 4 ướm vào người, rất vừa vặn và đẹp. Chiếc áo phao chỉ có giá 35.000 đồng. Rõ ràng đây không phải là số tiền lớn, thế nhưng nhiều bậc phụ huynh ở vùng sông nước này khi được hỏi lại tưởng rằng, chiếc áo phao rất đắt tiền so với thu nhập của họ, nên đa phần không nghĩ đến việc trang bị bảo hộ cho con em mình. Chúng tôi hết sức bất ngờ khi được biết, nhiều học sinh chèo đò đi học mà chưa hề biết áo phao là gì. Trong khi có em cho biết, mặc dù sống ở vùng sông nước nhưng vẫn không biết bơi.

Ông Nguyễn Thành Đi, cho biết thêm: “Trước đây, Trạm kiểm soát đường thuỷ số 3 có tặng các em khoảng 10 áo phao. Một số phụ huynh có điều kiện thì trang bị cho các em. Còn một số thì không có áo phao để vượt sông!”.

Các học sinh ở đây sẽ còn phải đến trường trong nhiều năm học từ cấp 1 đến cấp 2. Điều này có nghĩa với việc, các em phải chèo đò vượt sông hàng ngàn lượt trong quãng đời học sinh của mình. Vậy, ai sẽ đảm bảo rằng, trong biết bao lượt sang sông ấy, tất cả đều an toàn?

 Độ nguy hiểm của dòng nước càng tăng cao khi sông Vàm Cỏ Đông vào mùa mưa lũ, và vấn nạn lục bình dày đặc chưa giải quyết được. Vì thế, việc giáo dục các em ý thức được tầm quan trọng của việc mặc áo phao và trang bị áo phao cho các em là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng nên thu xếp công việc giúp đỡ con em mình đến trường, không nên để các em nhỏ tự chèo ghe. Nhưng trước hết, ngành chức năng của địa phương nên tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình và hỗ trợ áo phao cho các em, để con đường đến trường của các em vùng sông nước giảm bớt nguy cơ tai nạn.

MINH NAM- THANH PHƯƠNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục