BAOTAYNINH.VN trên Google News

WB: Việt Nam dễ dàng đạt tăng trưởng 6,5%

Cập nhật ngày: 07/04/2010 - 05:34

Một ngày trước đó, Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt một nghị quyết 6 điểm bao gồm các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%.

Tại buổi họp báo hôm 7.4, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Martin Rama cho rằng, năm 2009, Việt Nam đã đạt được sự phục hồi tương đối lạc quan so với các nước. Nền kinh tế năm 2010 sẽ phát triển tốt.

Bản báo cáo của WB cũng chỉ ra, tốc độ tăng trưởng 6% của quý I năm nay rất đáng khích lệ.

Với việc các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường, giá cả ổn định, Việt Nam và các nước trong khu vực bắt đầu bãi bỏ các gói kích thích kinh tế. Việt Nam và Malaysia còn tăng lãi suất cơ bản.

"Nhưng ở nhiều nước, vẫn còn quá sớm để rút bớt các biện pháp kích thích tài khoá vì đầu tư tư nhân vẫn chưa trở thành một động lực", các chuyên gia WB nhận xét.

Ở Việt Nam, song song với sự phục hồi khả quan, khi so sánh giá cả của từng tháng sẽ thấy lạm phát bắt đầu tăng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2009... Ngoại trừ yếu tố tăng giá có tính chu kỳ trước và sau Tết thì việc giá nguyên liệu quốc tế tăng cao, việc phá giá tiền đồng và điều chỉnh giá năng lượng đều gây sức ép lên lạm phát.

Áp lực lạm phát có thể thấy rõ trên thị trường tài sản với chỉ số chứng khoán có xu thế đi lên liên tục, giá đất cũng tăng cao. "Những biến động này cho thấy chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng từ năm 2008 đã sắp đi tới giới hạn".

Các chuyên gia của WB cho rằng, việc lạm phát tăng, giá vàng trong nước tăng và mức chênh lệch ngày càng lớn giữa tỉ giá hối đoái chính thức và tỉ giá chợ đen đã chứng minh cho điều trên.

"Chính phủ không muốn nâng lãi suất cơ bản nhưng định hướng chính sách có lợi cho tăng trưởng có thể sẽ bị chậm lại nếu các số liệu mới thu thập về tiêu dùng và giá cả cho thấy lạm phát đã quay lại và tình hình bất ổn trong những tháng tiếp theo", các chuyên gia WB đánh giá.

Nhận định về chủ trương bỏ trần lãi suất, WB cho rằng, "trần lãi suất được áp dụng trong giai đoạn phát triển quá nóng, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay nó đã hạn chế khả năng kiếm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại".

Các chuyên gia WB cũng khuyến cáo, nợ của Việt Nam có thể sẽ ở mức bền vững nếu duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay và mức thâm hụt ngân sách dao động 3 - 4% (như những năm trước khủng hoảng).

Về thị trường tài chính, bản báo cáo của WB chỉ ra nếu lãi suất tiền đồng không được nâng lên, các nhà đầu tư và xuất khẩu sẽ không muốn rút ngoại tệ, đồng nghĩa với việc tỉ giá trên thị trường chợ đen vẫn sẽ vượt ngoài biên độ chính thức.

Các chuyên gia WB cũng đưa ra nhận định lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của các nước trong khu vực.

Chẳng hạn, tăng trưởng GDP khu vực dự báo sẽ lên tới 8,7%.

Ông Vikram Nerhu, chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói: "Các nướ Đông Á cần quản lý thận trọng hơn việc rút dần các gói kích thích tài chính trong ngắn hạn, đồng thời quay trở lại với chương trình cải tổ cơ cấu và thúc đẩy phát triển dài hạn".

(Theo Vietnamnet)