BAOTAYNINH.VN trên Google News

WB: Việt Nam sẽ thoát khỏi khủng hoảng một cách tốt đẹp

Cập nhật ngày: 04/11/2009 - 06:39

Báo cáo cập nhận của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 4.11 đánh giá, khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của Chính phủ, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi cũng đang xuất hiện, nên sức mua nội địa đã tăng doanh thu bán lẻ thực tế lên 9,3%.

Theo WB, kể từ quý 3/2008, giá hàng hoá thế giới có xu hướng giảm, trong quý 4/2008, các đơn hàng xuất khẩu đối với các sản phẩm dệt may và công nghiệp khác của Việt Nam đã sụt giảm, gây sự trì trệ trong sản xuất. Tác động của khủng hoảng trở nên rõ ràng khi GDP quý 1/2009, chỉ tăng 3,1% so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ có những nỗ lực của Chính phủ hỗ trợ các hoạt động kinh tế, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi đã xuất hiện. Chính phủ công bố gói kích thích bao gồm từ trợ cấp lãi suất, hoãn thuế đến giải ngân thêm vốn. Kết quả là GDP đã tăng 4,5% vào quý 2 và 5,8% vào quý 3, làm cho tốc độ tăng GDP thực sự đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi sản xuất vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn do nhu cầu giảm sút thì ngành xây dựng lại đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi, với giá trị thặng dư trong ngành ước đạt tới tăng trưởng hai con số trong cả năm. Một yếu tố khác làm nên quá trình phục hồi, đó là sức mua nội địa với mức tăng doanh thu bán lẻ thực tế lên 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. WB dự đoán mức tăng trưởng cả năm 2009 của Việt Nam sẽ là 5,5%, và tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tự tìm đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách tốt đẹp.

Tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam tiếp tục giảm, mặc dù giá lương thực và nguyên liệu tăng cao trong suốt nửa đầu năm 2008 và tiếp đó là thời kỳ phát triển trì trệ từ cuối năm 2008 đến 2009. Đánh giá đói nghèo có sự tham gia của người dân (PPA) tiến hành từ đầu năm 2008 ở các cộng đồng nông thôn ở Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ đáng kể gần đây của Việt Nam trong quá trình phát triển nông thôn. Các đối tượng của PPA đã chỉ ra tăng trưởng bền vững đối với hạ tầng cơ sở ở nông thôn, cơ hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ, năng xuất nông nghiệp tăng cao ở nhiều vùng và nhiều cơ hội để đa dạng hoá các nguồn thu nhập ở nông thôn hơn. PPA và các nghiên cứu liên quan cũng chỉ ra một số tiến bộ còn chậm ở các vùng nghèo, tập trung nhiều dân tộc thiểu số. WB cho rằng, việc đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực tương lai của Việt Nam sẽ giúp giảm bớt số lượng những đối tượng dễ bị tổn thương do sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và có nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế hơn. Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam còn kém phát triển so với nhiều nước khác; đó là một khoảng cách cần phải giải quyết khi đất nước đang trên đà phát triển hơn nữa.

(Theo VOV News)