Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 20.5 số trường hợp nhiễm cúm đã tăng lên 10.243 ca, với 80 ca tử vong ở 40 nước trên thế giới, trong đó báo động sự khủng hoãng leo thang tại châu Á, bất chấp những nỗ lực kiểm soát gắt gao nhằm đề phòng nguy cơ lây lan dịch cúm tại khu vực này.

![]() |
Tình trạng nhiễm cúm A/H1N1 đang gia tăng tại Nhật. Ảnh: AFP |
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 20.5 số trường hợp nhiễm cúm đã tăng lên 10.243 ca, với 80 ca tử vong ở 40 nước trên thế giới, trong đó báo động sự khủng hoãng leo thang tại châu Á, bất chấp những nỗ lực kiểm soát gắt gao nhằm đề phòng nguy cơ lây lan dịch cúm tại khu vực này.
Người phát ngôn của WHO cho biết: “Trong vòng 24 giờ qua, số trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 đã tăng lên 413 ca. Riêng Mỹ có 346 ca”. Thêm hàng chục trường hợp vừa được báo cáo tại Nhật, trong khi Đài Loan cũng vừa “gia nhập” danh sách các nước có trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, sau khi một bác sĩ người Australia đến đây trên một chuyến bay từ Hong Kong hồi đầu tuần này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và người đứng đầu tổ chức WHO Margaret Chan đã đưa ra yêu cầu giúp đỡ các quốc gia nghèo trong cuộc gặp với đại diện của khoảng 30 hãng dược phẩm và sản xuất vaccine hôm 19.5. Và yêu cầu này đã nhận được nhiều sự ủng hộ.
Tuy nhiên, một số công ty dược phẩm cho biết, các nước giàu như Anh và Mỹ đã đặt hàng trước một lượng lớn vaccine, điều này gây lo ngại về nguồn vaccine cung cấp cho các nước khác trên giới.
Bà Michele Childs, đại diện của Tổ chức Những thầy thuốc không biên giới (MSF) nhận định: “Các nước giàu đặt chỗ trước với các nhà sản xuất vaccine để không phải xếp hàng”. “Điều cần làm là tất cả các nước đồng ý chia sẻ một cách công bằng, nước nào có quy mô lây lan dịch cúm lớn sẽ được ưu tiên trong việc cung cấp vaccine” – Bà Michele Childs nói thêm.
Sự lây lan của dịch cúm A/H1N1 đã gây ra một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, hàng chục nước đã yêu cầu WHO thay đổi tiêu chuẩn công bố đại dịch vì lo ngại việc công bố đại dịch có thể gây hoảng loạn trên diện rộng và đe doạ nền kinh tế toàn cầu. Các nước đề nghị việc công bố đại dịch nên căn cứ vào việc loại virus đó gây chết người như thế nào chứ không chỉ là nó lan khắp toàn cầu ra sao. Anh, Nhật và một số quốc gia khác đã yêu cầu WHO phải xem xét mọi việc thật cẩn thận trước khi nâng cảnh báo.
Hiện, mức cảnh báo cúm A/H1N1 đang ở cấp 5, có nghĩa là virus lan rộng ở ít nhất 2 quốc gia trong một khu vực. Theo thang cảnh báo hiện nay, mức 6 là cao nhất, có nghĩa là dịch bệnh bùng phát ở ít nhất 2 vùng khác nhau trên thế giới và một đại dịch đang diễn ra.
THUÝ TRINH
(Theo AFP, BBC)