Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định các quốc gia cần “tuyệt đối cảnh giác” khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhằm ngăn ngừa làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/5, sau khi một số nước ghi nhận mức tăng nhẹ số ca dương tính.
Tại Đức, hàng nghìn người xuống đường biểu tình đòi dỡ bỏ hoàn toàn các quy định hạn chế còn lại. Trong khi đó, nhiều công nhân làm việc tại một lò mổ ở thị trấn Birkenfeld, phía tây nam nước Đức, đã nhập viện vì Covid-19.
Hôm 10/5, Trung Quốc ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới, mức tăng lớn nhất trong 10 ngày. Chính quyền đại lục đã phong tỏa thành phố Thư Lan, thuộc tỉnh Cát Lâm sau khi phát hiện một nguồn lây bí ẩn. Người phụ nữ 45 tuổi không đi du lịch nước ngoài hay có yếu tố dịch tễ, đột ngột mắc bệnh và truyền virus cho chồng, ba chị em gái và một thành viên khác trong gia đình.
Số bệnh nhân tại Hàn Quốc đã tăng đột biến sau khi xuất hiện cụm dịch mới tại các hộp đêm ở Seoul. Đây là lần đầu tiên sau hơn một tháng, nước này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 30.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO trong cuộc họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
"Chúng ta có niềm hy vọng, bởi một số quốc gia đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Tuy nhiên cần phải tuyệt đối cảnh giác. Nếu mầm bệnh còn lưu lại dù chỉ ở mức độ thấp mà không điều tra được các cụm dịch, nguy cơ bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể", tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói.
Chính phủ các nước cũng đang đau đầu với câu hỏi làm thế nào để mở cửa trở lại nền kinh tế, trong khi vẫn phát hiện các ca dương tính nCoV. Ông Ryan hy vọng Đức và Hàn Quốc sẽ khống chế hiệu quả các cụm dịch, đồng thời ca ngợi công tác kiểm soát và sàng lọc của hai trước đó. Ông cho rằng đây là "chìa khóa" để ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định việc nới lỏng quy định giãn cách xã hội là vô cùng "khó khăn và phức tạp". Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện điều này một cách ổn định và từ tốn.
"Cho đến khi có vaccine, các biện pháp hạn chế là công cụ hiệu quả nhất để đối phó với virus", ông Tedros nói.
WHO nhấn mạnh mức độ kháng thể ở bệnh nhân trên thực tế thấp hơn so với các nghiên cứu trước đó. Điều này có nghĩa người dân các nước vẫn dễ nhiễm virus, dù dịch bệnh có chiều hướng suy yếu.
Nguồn VNE