Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14-9 thông báo số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu đã giảm đi đáng kể, qua đó kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội này để chấm dứt đại dịch, hãng AFP đưa tin.
WHO dự báo ngày chấm dứt đại dịch COVID-19 đang gần kề. Ảnh: Clodagh Kilcoyne/REUTERS
Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận vào tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020 - thời điểm cơ quan này tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
"Chúng ta chưa bao giờ ở trong tình trạng tốt hơn để kết thúc đại dịch. Dù chúng ta chưa tới thời điểm đó nhưng [tuyên bố] chấm dứt đại dịch đang ở trong tầm mắt” - ông Tedros phát biểu trong một cuộc họp báo.
Ông Tedros kêu gọi thế giới cần tăng cường hành động để "nắm bắt cơ hội này”, cảnh báo rằng: “Nếu chúng ta không nắm lấy cơ hội ngay bây giờ, chúng ta có nguy cơ đối mặt với nhiều biến thể hơn, nhiều người chết hơn, nhiều gián đoạn hơn và nhiều bất ổn hơn".
Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca nhiễm COVID-19 đã giảm 28% xuống còn 3,1 triệu ca vào tuần trước. Tuần trước đó nữa, tỷ lệ này là 12%. Theo cơ quan này, việc triển khai vaccine và biện pháp điều trị hiệu quả đã giúp giảm các ca tử vong và nhập viện.
Dù vây, WHO nhấn mạnh báo cáo về số ca nhiễm toàn cầu giảm có thể không thực vì nhiều quốc gia đã ngừng việc xét nghiệm, do đó dẫn tới việc khó phát hiện các nhiễm không có triệu chứng.
"Số ca nhiễm dựa trên báo cáo của WHO mà chúng ta được biết là một đánh giá không đúng mức. Chúng ta biết rằng có nhiều ca nhiễm đang ở ngoài kia mà không được báo cáo tới [WHO]” - bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, nói với các phóng viên, đồng thời cảnh báo rằng “virus gây dịch COVID-19 đang phát tán ở mức độ rất mạnh ở thời điểm hiện tại".
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, WHO thống kê toàn cầu có hơn 605 triệu ca nhiễm, trong đó có khoảng 6,4 triệu ca tử vong. Tuy nhiên con số thực có thể lớn hơn nhiều.
Một nghiên cứu dựa trên số ca tử vong vượt mức dự báo ở các quốc gia khác nhau trong đại dịch của WHO công bố hồi tháng 5 đã ước tính rằng có tới 17 triệu người có thể đã chết vì COVID-19 vào năm 2020 và 2021.
Bà Van Kerkhove lưu ý rằng trong tương lai sẽ có khả năng xảy ra "các làn sóng lây nhiễm ở các thời điểm khác nhau trên khắp thế giới do các biến thể phụ khác nhau của chủng Omicron hoặc thậm chí các biến thể mới của virus". Tuy nhiên bà nói rằng "các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong tương lai không có nghĩa sẽ dẫn tới một làn sóng chết chóc mới".
Nhằm hỗ trợ các nước trên thế giới kiềm chế sự lây lan đại dịch COVID-19 và "nắm lấy cơ hội” để chấm dứt đại dịch, WHO đã công bố sáu khuyến nghị. Một trong số đó là thúc giục các quốc gia nâng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 lên 100% đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và người cao tuổi, cũng như tiếp tục xét nghiệm virus.
“Các khuyến nghị là một lời kêu gọi khẩn cấp cho các chính phủ các nước xem xét kỹ các chính sách của họ về COVID-19 cũng như các mầm bệnh trong tương lai có khả năng gây đại dịch. Chúng ta có thể chấm dứt đại dịch này, nhưng chỉ khi tất cả các quốc gia, nhà sản xuất, cộng đồng và cá nhân cùng nhau nỗ lực và nắm bắt cơ hội này" - ông Tedros cho biết.
Nguồn PLO