Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tiến sĩ Kidong Park, trưởng đại diện WHO ở Việt Nam, khuyến nghị tăng thuế, hạn chế quảng cáo, giới hạn thời gian và độ tuổi tiếp xúc với rượu bia.
- Việt Nam là một trong 5 nước có tốc độ tăng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới, theo báo cáo Lancet. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?
- Trước năm 1990, hầu hết rượu bia được tiêu thụ ở các nước thu nhập cao, trong đó châu Âu có mức sử dụng cao nhất. Tuy nhiên, thực tế này đã thay đổi đáng kể từ năm 1990. Lượng sử dụng rượu bia đã giảm ở hầu hết các nước châu Âu trong khi tăng đáng kể ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam năm 2016 bình quân 8,3 lít, cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu (6,5 lít năm 2017). Xu hướng tiêu thụ rượu bia ngày càng tăng ở Việt Nam, tăng hơn 90% trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 10%.
Chúng tôi lo ngại sâu sắc về vấn đề này. Sự gia tăng tiêu thụ rượu bia ở các nước thu nhập trung bình bao gồm cả Việt Nam sẽ dẫn đến tăng tác hại - nhiều bệnh liên quan đến rượu bia, tử vong và thiệt hại kinh tế.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh do WHO cung cấp.
- Nguyên nhân khiến Việt Nam ở vào nhóm tiêu thụ rượu bia nhanh nhất thế giới?
- Có ba lý do chính cho vấn đề này ở Việt Nam:
Rượu bia ở Việt Nam có giá rất phải chăng do thuế thấp. Hiện tại, thuế đối với rượu bia ở Việt Nam còn thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều quốc gia khác, thuế dao động từ 40% đến 85% giá bán lẻ. Một nghiên cứu xuyên quốc gia cho thấy thuế đối với bia ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 thuế đối với bia ở Australia, New Zealand và Thái Lan.
Ở Việt Nam có thể tiếp cận rộng rãi với rượu bia. Chính phủ có một số quy định về cấp phép và hạn chế mật độ điểm bán rượu bia và tuổi hợp pháp để mua rượu bia. Tuy nhiên, những quy định này phần lớn không được thực thi, dẫn đến vấn đề đáng quan ngại là tình trạng uống rượu bia ở người chưa đủ tuổi (14-17 tuổi) cao, với 47,5% cho cả hai giới.
Hiện ở Việt Nam chỉ có rượu mạnh và rượu vang độ cồn từ 15% trở lên mới bị cấm quảng cáo và khuyến mãi. Vẫn còn khoảng trống lớn trong việc kiểm soát tiếp thị bia và rượu độ cồn dưới 15%. Hiện nay không có quy định hạn chế quảng cáo bia. Bia và rượu/rượu mạnh gây tác hại như nhau khi quy đổi thành nồng độ cồn nguyên chất. Ngoài ra, không có quy định nào về tài trợ hoặc trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bia.
- Quốc hội Việt Nam đang thảo luận dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia. Ông đánh giá thế nào về nội dung của dự thảo hiện tại?
- Thực trạng tiêu thụ rượu bia ngày càng tăng mạnh ở Việt Nam cần phải dừng lại, hoặc ít nhất là phải giảm tốc độ để bảo vệ sức khỏe con người. Việt Nam cần những công cụ lập pháp để phòng chống tác hại của rượu bia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ nên giảm khả năng chi trả của người mua bia và rượu bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Giảm số người trẻ tuổi tiếp xúc với rượu bia thông qua việc hạn chế quảng cáo rượu bia trên các phương tiện truyền thông. Giảm sự sẵn có của rượu bia bằng cách giới hạn thời gian, địa điểm và độ tuổi cho phép tiếp cận rượu bia. Tăng cường hơn nữa việc thực thi kiểm soát lái xe uống rượu bia.
Để thực hiện thành công luật này, kinh phí đầy đủ là rất quan trọng. WHO khuyến nghị luật nên bao gồm các điều khoản trích riêng một khoản kinh phí nhất định cho việc phòng ngừa tác hại của rượu bia.
Trong dự thảo này vẫn còn chỗ để cải thiện, đặc biệt là việc kiểm soát tiếp thị đồ uống có cồn với nồng độ cồn dưới 5,5%. Hiện tại, dự Luật phòng chống tác hại của rượu bia mới chỉ quy định những hạn chế đáng kể đối với việc tiếp thị các loại đồ uống có nồng độ cồn từ 5,5% trở lên.
- Hiện có những ý kiến đề nghị bỏ nội dung quản lý quảng cáo, khuyến mại đối với rượu, bia dưới 15 độ cồn trong dự thảo luật. Ý kiến của ông là gì?
- Tác hại liên quan đến rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (bia hoặc rượu/rượu mạnh). Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tổng khối lượng uống (bao nhiêu gam cồn được tiêu thụ) và mô hình uống (tần suất sử dụng hoặc uống nhiều lần).
Năm 2016, khoảng 91% tổng lượng rượu bia tiêu thụ được ghi nhận ở Việt Nam là bia. Do đó, nếu không có hạn chế nào trong việc tiếp thị bia, mức tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.
- Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm quản lý tác hại của rượu bia với sức khỏe con người ở các nước khác?
- Kể từ năm 1990, việc sử dụng rượu bia đã giảm ở hầu hết các nước châu Âu. Pháp cấm quảng cáo/tiếp thị rượu bia đối với tất cả các quảng cáo trên các kênh truyền hình và trong rạp chiếu phim; quảng cáo trên đài phát thanh từ 5h chiều đến 12h đêm; quảng cáo trên các ấn phẩm, trang web nhắm mục tiêu đến trẻ em; quảng cáo trên các trang web thể thao và tài trợ cho các sự kiện văn hóa thể thao.
Thụy Điển cấm quảng cáo/tiếp thị rượu bia đối với tất cả quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh; quảng cáo trên các ấn phẩm cho sản phẩm có nồng độ cồn trên 15%.
Một số nước ASEAN cũng đã đưa ra chính sách hạn chế quảng cáo/tiếp thị. Malaysia cấm tất cả các quảng cáo rượu bia. Thái Lan cấm tất cả các hình thức quảng cáo trực tiếp hoặc gián tiếp nêu lợi ích của rượu bia hoặc thúc đẩy tiêu thụ rượu bia.
Quốc hội Việt Nam sáng 23/5 thảo luận về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, sau 10 năm soạn thảo và lấy ý kiến, lần đầu trình Quốc hội cuối năm 2018.
Dự thảo trình Quốc hội lần này có 36 điều, ít hơn 2 điều so với bản cuối năm 2018. Dự thảo hiện theo hướng không cấm bán rượu bia trên Internet, quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử, cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, cấm khuyến mãi hoặc dùng rượu bia khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi, cấm sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mãi, cấm quảng cáo rượu bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hàng ngày.
Nguồn VNE