Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với 3 cơ sở sản xuất quy mô lớn và trên 30 cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề truyền thống An Hoà đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

(BTNO)- An Hòa là xã có nghề truyền thống mây, tre, lá lâu đời. Các sản phẩm làm ra thường là bàn, ghế, giường phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày của người dân trong và ngoài địa phương. Kèm theo đó, người dân địa phương cũng phát triển thêm nghề trồng tre, tầm vông làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất.
Gia công tre, tầm vong trước khi làm ra sản phẩm. |
Trong những năm gần đây, các sản phẩm thủ công làm ra không chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước khác với giá thành khá cao. Theo ông Nguyễn Thành Đông- người quản lý của Công ty TNHH Bình Đông (ấp An Hội, xã An Hòa) cho biết: mỗi năm, công ty xuất đi nước ngoài trên 50 container hàng. Với số lượng hàng nhiều như thế nên tại xưởng lúc nào cũng có trên 60 công nhân làm việc thường xuyên, lúc cao điểm nhất có thể tăng lên hơn 100 người, chưa kể số lao động nhận gia công tại nhà. Nhu cầu hàng ở thị trường nước ngoài rất lớn, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng.
Tuy nhiên, hiện những cơ sở sản xuất đang gặp khó khăn bởi thiếu nguồn nguyên liệu. Trước đây, có được nguyên liệu cung cấp tại chỗ, các cơ sở có thể lựa chọn và mua được với giá thành rẻ. Hiện nay, do thu nhập từ việc trồng tầm vong, tre thấp hơn so với trồng cao su và cây mì nên người dân đã phá bỏ tầm vông, tre để trồng những loại cây này. Khan hiếm nguyên liệu, phía cơ sở phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn. Riêng Công ty Bình Đông phải mua nguyên liệu của thương lái nhập từ Campuchia về với giá thành cao, từ đó khiến cho giá sản phẩm cũng tăng theo, làm giảm sức hút của mặt hàng này. Theo dự báo từ các thương lái, nguồn nguyên liệu này cũng sắp cạn, thời gian tới việc tìm nguyên liệu sẽ còn khó khăn hơn.
Với 3 cơ sở sản xuất quy mô lớn và trên 30 cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề truyền thống An Hoà đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Nhưng với tình trạng nguyên liệu tăng giá, hiếm có thì làng nghề truyền thống có nguy cơ bị lãng quên, đời sống người dân sẽ gặp khó khăn. An Hoà cần có định hướng xây dựng quy hoạch vùng trồng nguyên liệu tre, tầm vông bền vững nhằm tạo nguồn cung cấp nguyên liệu lâu dài cho các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống, vừa duy trì và phát triển làng nghề lâu đời, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Hiểu Sinh