Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xã An Thạnh (huyện Bến Cầu): Nhiều nông dân thoát nghèo, đóng góp xây dựng quê hương
Thứ ba: 23:56 ngày 16/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã An Thạnh nỗ lực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Có người còn đóng góp một phần tài sản của mình cho xã hội.

Anh Nguyễn Ngọc Nguyên (bên trái) chăm sóc đàn bò sinh sản.

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Trường hợp vợ chồng ông Khưu Văn Ở và bà Nguyễn Thị Re ở ấp Bến là ví dụ về quá trình vươn lên thoát nghèo. Không ruộng vườn, nghề nghiệp, hơn 10 năm trước, vợ chồng ông chỉ biết làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi 5 người con.

“Cấy lúa, cắt lúa, cắt cỏ vợ chồng tôi đều nhận hết. Lao động trên ruộng gò còn đỡ, làm dưới ruộng bưng bị đỉa cắn hút máu bấy chân là chuyện thường xuyên”, nông dân 64 tuổi này nhớ lại. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình ông Ở khó khăn, năm 2011, Hội Nông dân xã An Thạnh tạo điều kiện cho vợ chồng ông vay từ nguồn vốn chăn nuôi ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với số tiền 30 triệu đồng. Ông Ở dùng số tiền này mua 2 con trâu cái. Nhờ chăm sóc kỹ, mỗi năm 2 con trâu đều sinh được 2 con nghé. Vài năm sau, nhận thấy nuôi bò có lợi nhuận cao hơn so với nuôi trâu, vợ chồng ông Ở bán hết đàn trâu, chuyển sang nuôi bò sinh sản.

Sau vài năm tích cóp, vợ chồng ông đã trả hết vốn vay và mua được 1 ha đất nông nghiệp. Có đất sản xuất, ông Ở bắt đầu tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. “Trung bình hằng năm, vụ Hè Thu tôi thu hoạch được khoảng 6 tấn lúa, vụ Đông Xuân thu hoạch từ 8-9 tấn lúa. Trừ chi phí sản xuất, tôi còn lời từ 30-40 triệu đồng/năm”- ông Ở cho hay. Nhờ chí thú làm ăn, đôi vợ chồng chỉ biết là thuê làm mướn ngày nào đã có bò, có ruộng, xây dựng nhà ở khang trang; con cái khôn lớn, cuộc sống ổn định.

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Nguyên ở ấp Bến cũng chuyên kiếm sống bằng nghề làm thuê. Năm 2017, anh Nguyên được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân chăn nuôi của Hội Nông dân Việt Nam. Anh Nguyên đầu tư vào việc nuôi bò vỗ béo.

Sau thời gian chăm sóc, anh chọn con bò khoẻ mạnh để lại nuôi sinh sản, những con còn lại anh bán cho thương lái. Số tiền kiếm được, anh lại mua bò gầy về nuôi vỗ béo. Với cách làm kinh tế như thế, 3 năm nay, trung bình mỗi năm anh Nguyên có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Người đàn ông 44 tuổi chia sẻ: “Nuôi bò không khó lắm. Chỉ cần mình chịu cực dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn no đủ, tắm rửa thường xuyên và có mùng cho chúng ngủ để tránh ruồi muỗi, côn trùng là được”.

Nhờ thu nhập từ nuôi bò vỗ béo, đến nay vợ chồng anh Nguyên đã xây dựng được căn nhà cấp 4 và nuôi cô con gái đi học. Hội Nông dân xã còn giới thiệu cho gia đình anh Nguyên được vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của NHCSXH. Anh Nguyên dùng số tiền này cải tạo hệ thống nước sinh hoạt và nhà vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, ông Khưu Văn Ở dần thoát nghèo.

Góp sức xây dựng quê hương

Anh Khưu Thanh Long, 47 tuổi, ngụ cùng ấp Bến không chỉ là nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi mà còn tích cực đóng góp cho công tác xã hội. Sau khi lập gia đình cùng chị Hồ Thị Phóng, vợ chồng anh Long được cha mẹ cho vài công ruộng để sản xuất. Tuy nhiên, hơn 25 năm trước, phân bón, giống lúa, máy móc nông nghiệp còn thiếu thốn nên lúa thường bị thất thu.

Vợ chồng anh Long phải đi làm thuê cho người khác để kiếm tiền nuôi con. Năm 1997, anh Long được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay 6 triệu đồng từ nguồn vốn xoá đói giảm nghèo của NHCSXH. Có đồng vốn, anh Long mua 1 con bò cái. Mỗi năm bò mẹ sinh sản bê con, vợ chồng anh đều để dành nuôi tăng đàn chứ không bán. Sau vài năm, đàn bò của anh lên đến 12 con.

Năm 2004, anh Long bị tai nạn lao động, phải bán hết đàn bò, sau đó mua 2 ha đất sản xuất nông nghiệp. Có thêm đất ruộng, đôi vợ chồng cần mẫn học hỏi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt. Năng suất lúa ngày một nâng cao, mỗi vụ lúa thu hoạch trung bình khoảng 12 tấn. Trừ chi phí, anh còn lãi hơn 60 triệu đồng/năm. “Nhờ đó, vợ chồng tôi có điều kiện nuôi nấng hai đứa con. Con trai lớn tên Khưu Hồ Quốc Đạt, sinh năm 1998, sau khi giải ngũ trở về địa phương đi làm công nhân; đứa con gái út tên Khưu Hồ Thảo Nguyên đang là học sinh lớp 10”- anh Long khoe.

Mặc dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhưng vợ chồng anh Long luôn đoàn kết, tương trợ bà con. Từ năm 2020 đến năm 2022, anh Long vận động mạnh thường quân hỗ trợ cây giống, con giống cho 17 hội viên Hội Nông dân; duy trì 30 triệu đồng vốn xoay vòng không tính lãi, giúp nhiều hội viên khác trong ấp làm kinh tế. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua, anh Long vận động bà con hỗ trợ 30 phần quà trị giá hơn 12 triệu đồng cho những hộ thực hiện cách ly tại nhà; tặng rau, củ, quả cho 52 hộ khó khăn, trị giá hơn 3 triệu đồng.

Gần đây, anh Long ủng hộ 5 triệu đồng mua tập vở tặng học sinh tiểu học dịp bế giảng năm học 2021-2022. Những năm qua, anh Long được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều vị trí ở địa phương, như: Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Trưởng Ban quản lý ấp Bến. Từ năm 2020 đến nay, anh Long là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý ấp Bến. Đặc biệt, anh Long được cử tri tín nhiệm bầu chọn làm đại biểu HĐND xã 4 nhiệm kỳ liên tục.

Anh Long kể về việc hiến đất mở rộng đường từ ấp Bến qua ấp Chánh .

Không chỉ lo cho gia đình mình, anh Long còn quan tâm đến việc xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, khi địa phương tuyên truyền vận động người dân hiến đất nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, anh Long hiến 50m2 đất của gia đình, với trị giá gần 300 triệu đồng để mở rộng và nâng cấp tráng nhựa con đường liên ấp từ ấp Bến qua ấp Chánh.

Năm 2021, anh Long vận động ông Lê Văn Hùng (sinh năm 1963) hiến hơn 300m2 đất để mở rộng và nâng cấp tuyến đường từ khu dân cư tổ số 2 xuống tổ số 16; vận động ông Nguyễn Hồng Phúc (sinh năm 1970) hiến 350m2 đất mở rộng và nâng cấp tuyến đường từ khu dân cư tổ số 5 đến tổ số 20.

Với những việc làm tích cực, anh Long được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động HĐND nhiệm kỳ 2016-2021; Hội Nông dân tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021.

Ông Trương Thanh Đạm- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh cho biết, Hội Nông dân xã đang quản lý 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 875 hộ vay, tổng dư nợ trên 22 tỷ đồng. Hội thường xuyên kiểm tra, theo dõi, định hướng những hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao.

Những năm qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH và Hội Nông dân Việt Nam đã giúp cho nhiều hộ dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Có nông dân còn đóng góp tiền của vào công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng xã An Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Thuỳ Dung - Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục