Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã An Tịnh (Trảng Bàng): Cần đầu tư lĩnh vực an sinh xã hội
Thứ sáu: 10:33 ngày 10/06/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - An Tịnh là một trong những xã của huyện Trảng Bàng được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng xã nông thôn mới. Căn cứ theo các tiêu chí của Trung ương, xã có nhiều thuận lợi.

Trường mầm non của xã xây dựng khang trang

So với các xã khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, xã An Tịnh (Trảng Bàng) có nhiều điểm khá đặc biệt. Về vị trí địa lý, xã nằm tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ từ Tây Ninh đi thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Trên địa bàn xã có khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Những năm qua, kinh tế-xã hội của xã phát triển rất nhanh. Xã có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để đạt được xã nông thôn mới theo các tiêu chí của Trung ương, xã cũng còn gặp không ít khó khăn cần phải phấn đấu.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch UBND xã An Tịnh cho biết, hiện xã có 5.423 hộ, với hơn 20.400 nhân khẩu. Xã có diện tích tự nhiên 3.354 ha và được chia làm 9 ấp. Ngoài dân số địa phương, trong những năm qua số người sống tạm trú trên địa bàn xã rất đông. Hiện nay số người đăng ký tạm trú tại các nhà trọ để làm việc trong khu công nghiệp trên địa bàn xã đã trên 19.700 người. An Tịnh là một trong những xã của huyện Trảng Bàng được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng xã nông thôn mới. Căn cứ theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương, xã có nhiều thuận lợi. Về hệ thống giao thông, xã có đường Xuyên Á đi ngang qua (dài 4,5 km), tạo cho xã có hai mặt tiền tiếp giáp quốc lộ. Từ đó giúp nhân dân ở đây được thuận lợi trong việc phát triển kinh tế gia đình theo hướng thương mại- dịch vụ. Trên địa bàn xã còn có hơn 20 Km đường giao thông nông thôn đã được nhựa hoá, còn lại là đường sỏi đỏ. Đến nay xe ô tô, xe tải có thể đến được tất cả các nơi trong xã, kể cả những khu vực xa xôi nhất.

Về điện, đến nay 100% hộ dân trong xã đều sử dụng điện lưới quốc gia. Về hệ thống giáo dục, trên địa bàn xã có 12 điểm trường học, trong đó gồm 2 trường mầm non, 8 trường tiểu học và 2 trường THCS. Đến nay đã có 5 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (gồm 2 trường THCS và 3 trường tiểu học). Trạm y tế xã những năm qua đạt chuẩn quốc gia và hiện nay đang được đầu tư nâng cấp. Trên 90% số hộ dân trong xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia. Những năm qua dịch vụ Internet trên địa bàn xã phát triển rất mạnh, hiện nay xã có đến 14 điểm Internet và 3 điểm phục vụ bưu chính viễn thông.

Đường giao thông nông thôn xã An Tịnh vừa được nhựa hoá

Đáng chú ý là từ khi có khu công nghiệp đến nay, cơ cấu kinh tế của xã chuyển đổi rất nhanh. Rất nhiều hộ dân chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang thương nghiệp và các loại hình dịch vụ. Hiện nay trên địa bàn xã có 674 hộ đăng ký kinh doanh các ngành nghề thương mại-dịch vụ. Cùng với việc phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nghề nông và các nghề thủ công truyền thống vẫn tiếp tục giữ gìn và phát triển. Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của người dân những năm qua không ngừng phát triển. Đến cuối năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong xã trên 20 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm bợ, dột nát. Xã đã có trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng đạt chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định. Đến nay 9/9 ấp của xã đều được công nhận ấp văn hoá. Về hệ thống chính trị, Đảng bộ xã hiện có đến 436 đảng viên, đang tham gia sinh hoạt ở 22 chi bộ trực thuộc. Trong đó có khoảng 70% đảng viên là cán bộ hưu trí. Nhiều năm liền Đảng bộ xã An Tịnh được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Các tổ chức chính trị xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Nhìn chung số cán bộ xã đều đạt chuẩn theo quy định.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, An Tịnh cũng còn nhiều khó khăn, cần phấn đấu nhiều hơn nữa. Xã đã có chợ, nhưng được xây dựng từ rất lâu, hiện nay đã xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, nên cần đầu tư xây dựng ngôi chợ mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của xã. Hiện xã có sân bóng đá, nhưng lại nằm ở vùng xa, ít dân cư nên không phát huy được hiệu quả. Xã cần xây dựng sân vận động gần khu dân cư, nhưng không có quỹ đất công để xây dựng. Đến nay toàn xã chưa có ấp nào có nhà văn hoá và khu thể thao ấp đạt quy định. Cũng do không có quỹ đất công nên xã vẫn chưa quy hoạch được khu nghĩa địa công. Sự hình thành và phát triển khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích về kinh tế -xã hội. Tuy nhiên cũng mang đến nhiều khó khăn như dân cư tập trung đông đúc ở các khu vực nhà trọ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và tình hình an ninh trật tự. Xã không có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả theo tiêu chí đề ra của Trung ương.

D.H

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục