BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã An Tịnh (Trảng Bàng): Duy trì nghề thủ công truyền thống

Cập nhật ngày: 21/08/2013 - 06:57
HTML clipboard

Nhờ có nghề đan giỏ truyền thống mà một bộ phận nhân dân xã An Tịnh có thêm thu nhập, nhất là những người phụ nữ lớn tuổi, không còn khả năng lao động nặng nhọc.

Nhiều phụ nữ xã An Tịnh vẫn duy trì nghề đan giỏ truyền thống

(BTN) - Xã An Tịnh (Trảng Bàng) là một trong những xã được tỉnh chọn làm xã trọng điểm đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn xã có nghề truyền thống đan giỏ (bội) đựng đồ hàng bông từ rất lâu đời và vẫn được duy trì, phát triển đến nay. Nhờ có nghề đan giỏ truyền thống mà một bộ phận nhân dân xã An Tịnh có thêm thu nhập, nhất là những người phụ nữ lớn tuổi, không còn khả năng lao động nặng nhọc.

Bà Võ Thị Xuân (71 tuổi, ở tổ 11, ấp An Phú, xã An Tịnh) là người biết đan giỏ từ năm 12 tuổi. Từ đó đến nay bà vẫn duy trì nghề này. Tuy thu nhập từ nghề đan giỏ không cao, nhưng cũng góp phần giúp cho gia đình bà có cuộc sống ổn định mà không phải dầm mưa dãi nắng đi làm thuê ngoài đồng ruộng. Hiện nay, tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày bà cũng đan gia công được khoảng 30 chiếc giỏ mê (giỏ chưa làm vành trên miệng) với giá tiền công là 1.600 đồng/cái. Bà Xuân cho biết, nếu nhận đan gia công thì mỗi ngày bà có thu nhập khoảng 50.000 đồng, còn nếu mua trúc về tự chẻ nan ra đan, bán cho vựa thì có thu nhập khá hơn.

Chị Hồ Thị Trang (38 tuổi) cũng ở ấp An Phú cho biết, chị bắt đầu đan giỏ kiếm sống từ năm 12 tuổi đến nay. Nhờ đan giỏ và tích luỹ dần dần mà cách đây 5 năm chị mua được một chiếc máy chẻ nan với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua máy chẻ nan, chị đi các nơi tìm mua trúc về chẻ nan cung cấp cho bà con đan gia công và thu lại sản phẩm. Hiện nay có khoảng 100 chị em trong khu vực nhận nan và đan giỏ mê gia công cho chị Trang. Nhờ có chiếc máy chẻ nan cung cấp nan cho thợ đan gia công mà mỗi ngày chị Trang có thu nhập được khoảng 100.000 đồng.

Chị Trang cho biết thêm, giỏ mà chị giao cho thợ đan gia công là giỏ xuất khẩu sang Đài Loan để đựng đồ hàng bông. Việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay khá thuận lợi. Tuy nhiên chị cũng như những người đan giỏ ở xã An Tịnh đang gặp khó khăn trong việc tìm mua cây trúc làm nguyên liệu đan giỏ. Loại cây trồng này ngày càng khan hiếm, chị phải đi tìm mua ở xa, mất thời gian và tốn nhiều chi phí. Cũng do trúc ngày càng khan hiếm nên giá mua trúc cũng ngày càng tăng, hiện nay một bó trúc loại một (30 cây) có giá 150.000 đồng. 

Theo lãnh đạo xã An Tịnh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 700 hộ duy trì nghề đan giỏ và tập trung nhiều nhất là các ấp An Phú, An Khương, An Thành. Nhìn chung nghề đan giỏ cũng góp phần giải quyết việc làm đáng kể cho lao động địa phương, nhất là những người ngoài độ tuổi lao động. Trong đó cũng có không ít hộ đan giỏ là nghề chính để kiếm sống. Cùng với việc duy trì nghề đan giỏ, ở địa phương cũng còn một số ít hộ vẫn giữ nghề trồng trúc, nhất là các cụ cao niên. Tuy nhiên, số lượng trúc còn duy trì ở xã chẳng đáng là bao so với nhu cầu nguyên liệu của các hộ đan giỏ trong xã. Do đó cái khó khăn lớn của nghề thủ công đan giỏ ở xã An Tịnh hiện nay là thiếu nguyên liệu. Ngoài ra, giá cả đầu ra sản phẩm do thương lái quyết định, nên cũng khó tránh khỏi tình trạng giá cả bấp bênh.

Để tiếp tục duy trì nghề đan giỏ truyền thống, góp phần tăng thu nhập cho người dân, lãnh đạo xã An Tịnh cũng có định hướng xây hợp tác xã hoặc tổ hợp tác ngành nghề truyền thống này. Tuy nhiên xã gặp khó khăn về vốn đầu tư, mà nhất là khó khăn về nhân sự quản trị hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Vì hiện nay hầu hết những người làm nghề đan giỏ ở địa phương là những người cao tuổi, trình độ học vấn thấp, không đủ khả năng quản lý hợp tác xã hoặc tổ hợp tác.

N.H