Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng, bảo đảm công tác tưới tiêu, thuận lợi trong phát triển sản xuất. Trong đó, hệ thống đê bao góp phần bảo vệ và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp người dân an tâm sản xuất.
Tuyến đê bao Kênh Đình Rỗng – Củ Chi phát huy hiệu quả ngăn lũ.
Không còn cảnh phải thức khuya dậy sớm đi be bờ ngăn nước tràn vào ruộng, ông Phạm Văn Cồn (ngụ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) vui mừng cho biết, từ khi hệ thống đê bao Kênh Đình Rỗng – Củ Chi được hoàn thành, việc canh tác 3 ha lúa vụ Đông Xuân của gia đình ông không còn vất vả như trước.
Theo ông Cồn, vùng đất ruộng của 2 ấp Cẩm Bình và Cẩm Long nằm ờ triền sông Vàm Cỏ Đông, có địa hình nghiêng nên những nơi trũng thấp thường sẽ chịu tác động mạnh của triều cường, gây ngập úng cục bộ. Chính vì vậy, người dân sản xuất lúa ở đây rất vất vả, nhất là những con nước đầu vụ Đông Xuân, nước dâng cao, bờ bên này đấp cao thì nước trào vào bên kia, gây ngập úng lúa non mới gieo sạ.
Ông Phạm Thanh Hiền – Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Cẩm Long cho biết, bản thân ông cũng có 2,7 ha lúa nằm trong vùng đê bao Kênh Đình Rỗng – Củ Chi nên ông hiểu rất rõ những vất vả của bà con nông dân nơi đây.
Tuyến đê bao Kênh Đình Rỗng – Củ Chi vừa là đường giao thông nội đồng phục vụ đi lại, vận chuyển nông sản.
Hằng năm, sau khi kết thúc mùa lũ, người nông dân phải vất vả đắp lại bờ ruộng sao cho đủ cao để ngăn những con nước. Tuy nhiên, việc nước triều cường dân cao gây vỡ bờ ruộng vẫn thường xuyên xảy ra, nước tràn vào ruộng chẳng những gây ngập úng mà còn là điều kiện thuận lợi cho ốc bưu vàng phát triển cắn phá lúa non.
Theo ông Hiền, việc tuyến đê bao Kênh Đình Rỗng – Củ Chi được hoàn thành nằm niềm mong ước không chỉ riêng ông mà còn là của rất nhiều người dân canh tác lúa tại đây, bằng chứng là khi chính quyền địa phương triển khai dự án, đã nhận được sự đồng lòng 100% của người dân và không một ai đòi hỏi nhà nước phải bồi thường, hay hỗ trợ cho diện tích đất bị mất để làm đê bao.
Ông Nguyễn Hồng Lịch – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cẩm Long cho biết, tuyến đê bao hoàn thành có tác động rất lớn đến tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân, ngoài việc ngăn triều cường còn là tuyến đường giao thông nội đồng, giúp việc đi lại, vận chuyển lúa và phân bón của người dân được thuận lợi hơn rất nhiều. Đồng thời, người dân có điều kiện sản xuất vụ lúa thứ 3 trong năm, góp phần gia tăng sản lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Lịch – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cẩm Long vui mừng vì có tuyến đê bao
Theo ông Lịch, tuyến đê bào Kênh Đình Rỗng – Củ Chi là hệ thống thuỷ lợi kiểu mẫu của địa phương, góp phần bảo vệ và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, các ngành chức năng nên tiếp tục triển khai những tuyến đê bao khác, nhất là những tuyến tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, giúp người dân an tâm sản xuất.
Theo ông Phạm Thanh Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Giang, trên địa bàn xã hiện có 2 tuyến đê bao, một là tuyến Kênh Hốc Đùng, được đầu từ hơn 5 năm trước nhưng mới làm 1 mặt nên chưa thật sự phát huy tác dụng ngăn triều cường.
Riêng tuyến đê bao Kênh Đình Rỗng – Củ Chi được khởi công năm 2019 và hoàn thành và cuối năm 2020, với chiều dài khoảng 4km, tổng kinh phí thực hiện gần 8 tỷ đồng, phục vụ sản xuất cho hơn 100 ha lúa. Tuy mới hoàn thành nhưng bước đầu đã phát huy một số tác dụng như: ngăn triều cường, nước dâng gây ngập lúa; làm đường giao thông nội đồng phục vụ đi lại, vận chuẩn nông sản, vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện cho nông dân canh tác 3 vụ lúa/năm, tăng sản lượng và thu nhập cho nông dân.
Cũng theo ông Phong, trong năm 2021, xã Cẩm Giang sẽ được tập trung xây dựng nông thôn mới, nên sẽ có nhiều công trình hạ tầng được triển khai xây dựng, trong đó có hệ thống giao thông và thuỷ lợi phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyên An