Mô hình liên kết 4 nhà trong lĩnh vực thâm canh cây lúa theo hướng đạt chuẩn “VietGap” đã được huyện DMC triển khai thực hiện tại xã Chà Là.
Mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) trong lĩnh vực thâm canh cây lúa theo hướng đạt chuẩn “VietGap” đã được huyện DMC triển khai thực hiện tại xã Chà Là. Qua hai vụ thâm canh trên diện tích gần 200 ha, với sự tham gia tự nguyện của gần 200 hộ dân; cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Trung tâm giống cây trồng và các nhà khoa học nông nghiệp đã đem lại kết quả tốt trên nhiều mặt.
Nông dân Chà Là trao đổi kinh nghiệm tại ruộng lúa liên kết “4 nhà” |
Vụ đông xuân 2010-2011, mô hình được thực hiện thâm canh trên 75 ha của 50 hộ dân; vụ hè thu 2011 thực hiện trên 120 ha của 115 hộ dân thuộc ấp Ninh Hưng 1 và Ninh Hưng 2, xã Chà Là. Các cán bộ khoa học của Trung tâm giống cây trồng, Trung tâm khuyến nông, Bảo vệ thực vật tỉnh và Nhà máy phân bón Bình Điền đã trực tiếp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân tham gia chương trình. Việc tạo cho người dân có “thói quen” thực hiện các công đoạn theo đúng trình tự, và ghi chép tỉ mỉ các việc làm trong quá trình sản xuất được các cán bộ thực hiện nghiêm túc, cụ thể, cán bộ thực hiện phương châm “cầm tay, chỉ việc” cho từng nông dân. Làm cho mọi người bỏ được “thói quen” truyền thống: gặp đâu làm đấy, làm theo cảm tính, theo kinh nghiệm, làm xong việc không cần ghi chép… Trong quá trình sản xuất thâm canh cây lúa thực hiện việc gieo sạ tập trung đồng loạt để “né tránh” sâu rầy, với giống lúa thuần chủng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh. Thực hiện quy trình “3 giảm, 3 tăng”, trên cơ sở sạ thưa, sạ hàng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, quản lý sử dụng nước hợp lý và giảm thất thoát trong khâu thu hoạch... Không chỉ được hướng dẫn các biện pháp áp dụng KHKT vào sản xuất, người nông dân tham gia chương trình còn được cung cấp giống đạt chuẩn; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được nhà máy bán trả chậm, không tính lãi, khi thu hoạch xong, bán sản phẩm mới trả tiền cho nhà máy. Chính quyền địa phương giữ vai trò quản lý, tuyên truyền vận động và làm trung gian tìm đối tác cung ứng vật tư, tìm đầu ra cho sản phẩm để người dân không bị tư thương ép giá.
Kết quả thực hiện thâm canh trên cây lúa theo quy trình kỹ thuật, về các chi phí cho thấy: Về giống gieo sạ là 120 kg/ha, giảm 30 kg/ha; phân bón giảm 12 kg urê tinh chất; thuốc bảo vệ thực vật giảm 1 lần phun xịt so với những người không tham gia chương trình. Tính chung tổng chi phí giảm được 809.000 đồng/ha/vụ; người dân có lợi nhuận 15.756.000 đồng/ha/vụ; cao hơn diện tích không tham gia chương trình hơn 3 triệu đồng. Ông Lê Văn Châu, người tham gia chương trình cho biết: “Nhờ có liên kết 4 nhà, người nông dân được cung cấp giống chất lượng cao, phân bón đảm bảo chất lượng, giá thấp hơn thị trường lại được trả chậm và không bị tư thương ép giá”.
NGUYỄN CÔNG DÂN