BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Hảo Đước, Châu Thành: “Vàng mắt” vì thuốc lá vàng

Cập nhật ngày: 07/12/2009 - 05:20

Anh Trí thẫn thờ nhìn đám thuốc mới trồng đã chết.

Mấy năm gần đây, cùng với cây bông huệ, cây thuốc lá vàng đã góp phần làm cho đời sống của nhiều hộ dân ở xã Hảo Đước (huyện Châu Thành) được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vụ thuốc lá năm nay, mặc dù mới trồng nhưng nhiều hộ nông dân đã rơi vào cảnh trắng tay vì thời tiết khắc nghiệt.

Anh Nguyễn Kỳ Trí, nhà ở ấp Bến Trường mướn gần một mẫu đất trồng thuốc lá. Hạ tuần tháng 11 vợ chồng anh Trí bắt đầu xuống giống. Chỉ mấy ngày sau khi trồng, những cây thuốc có dấu hiệu quắn lá và vàng lụi. Không hiểu nguyên nhân, anh Trí đi hỏi và được một số người có kinh nghiệm giải thích: đợt rét và gió lạnh bất thường xuất hiện những ngày cuối tháng 11 là nguyên nhân chính khiến cho cây thuốc lá phát bệnh. Anh Trí cho biết, sau khi trồng được gần một tuần, cây thuốc phát triển bình thường, nhưng sau mấy ngày trời trở lạnh và có gió mạnh, lá thuốc bắt đầu úa vàng. “Đám thuốc bị bệnh hoàn toàn không phải do lỗi kỹ thuật” – anh Trí khẳng định.

Đưa mắt rầu rĩ nhìn đám thuốc, anh Trí thở dài: “Vụ này coi như vợ chồng tôi mất trắng”. Để trồng được 8 công thuốc lá, anh Trí đã đầu tư hơn một chục triệu đồng, trong đó chi phí cho phân bón khoảng 80%. Số vốn đó, anh Trí ứng trước từ chủ lò sấy thuốc lá. Việc “liên doanh” giữa chủ lò sấy và người trồng thuốc lá thực hiện theo lối đầu tư vốn thu hồi sản phẩm. Người trồng cung cấp nguyên liệu thô, chủ lò ứng trước tiền vốn cho người trồng. Theo thoả thuận, trong quá trình cây thuốc sinh trưởng và phát triển, nếu gặp rủi ro thì cả chủ lò và người trồng chia nhau chịu thiệt hại theo tỷ lệ: chủ lò chịu 60% và người trồng chịu 40% tổng số vốn đầu tư. Trong trường hợp của anh Trí, bản thân anh mất đứt 4 triệu đồng, chưa kể công sức của hai vợ chồng. Có định phá đi trồng lại đám khác không? chúng tôi hỏi anh Trí. Anh cho biết hai vợ chồng quyết định bỏ luôn. Bởi vì, nếu đầu tư trồng lại, tất cả chi phí sẽ do mình chịu, chủ lò không đầu tư nữa. Nếu muốn trồng lại anh phải đi vay vốn. Lỡ gặp rủi ro lần nữa thì nợ ngập đầu. Hiện hai vợ chồng anh Trí đang tập trung chăm 600 gốc chanh với hy vọng bù đắp phần nào tổn thất từ vụ trồng thuốc lá.

Cùng cảnh ngộ với anh Trí, cả nhà ông T, ở ấp Xóm Trường cũng đang héo ruột héo gan vì cây thuốc. Sau khi ứng vốn để trồng hơn một mẫu thuốc lá, cả nhà ông T hy vọng sẽ “có chút đỉnh để cải thiện đời sống và để thằng nhỏ đang học ở thành phố có tiền đóng học phí. Nhưng bây giờ đám thuốc như vầy thiệt… rầu héo ruột”- ông T thở dài ngao ngán.

Ông Trương Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hảo Đước cho biết thêm: do năm ngoái người trồng thuốc lá trúng mùa lại được giá, nên năm nay bà con nông dân dự tính sẽ mở rộng diện tích thuốc lá. Năm ngoái toàn xã trồng hơn 250 ha, năm nay ước tính tổng diện tích khoảng 400 ha. Hộ trồng nhiều nhất khoảng 3 ha, chi phí cho mỗi ha, tính chi ly cho đến ngày thu hoạch tốn khoảng 30 triệu đồng. Thời điểm này mới đầu vụ nên diện tích đã gieo trồng chỉ mới khoảng 100 ha. Trong số 100 ha đó ước chừng khoảng hơn 40 ha bị thiệt hại đợt rét và gió mạnh vừa qua. Trong số những hộ không may trồng thuốc vào đúng đợt giá rét, có những hộ bị mất trắng, có một số hộ số cây chết khoảng 30 – 40%. Ông Nhân cũng nói thêm rằng, ngoài nguyên nhân chính do thời tiết khắc nghiệt bất thường, cán bộ kỹ thuật cho biết một nguyên nhân nữa khiến cây thuốc bị chết là do bị một loại vi rút tấn công. “Sâu bệnh thông thường thì bà con biết cách chữa nhưng với vi rút thì bà con chưa biết phòng trị bằng cách nào” – ông Nhân nói.

VIẾT THẮNG