Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã hội hoá sản xuất lúa giống
Thứ tư: 05:35 ngày 26/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về chính sách đầu tư, công ty tạm ứng tiền cấy, khử lẫn cho nông dân 3,5 triệu đồng/ha; tạm ứng tiền giống và giảm giá giống nguyên chủng 30% so với giá thị trường; đồng thời tạm ứng thuốc BVTV trong suốt vụ sản xuất. Công ty sẽ thu mua lúa giống của nông dân theo giá thị trường, cộng thêm 950 đồng/kg (bao gồm 900 đồng/kg đối với lúa cấy và 50 đồng/kg hỗ trợ chi phí bốc vác).

Nông dân các xã trên địa bàn huyện Gò Dầu, Bến Cầu tham quan mô hình tại Hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn.

Nhằm triển khai vùng sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Gò Dầu và từng bước triển khai vùng sản xuất ra các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh, vụ Hè Thu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng Phòng Nông nghiệp huyện Gò Dầu kết hợp với Bộ phận sản xuất giống (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) triển khai chương trình hợp tác sản xuất lúa giống với nông dân.

Chương trình được triển khai thực hiện làm điểm ở huyện Gò Dầu với diện tích 55,6 ha. Trong đó, địa bàn xã Bàu Đồn có 39,5 ha sản xuất giống OM 5451 với 30 hộ tham gia; xã Cẩm Giang 16,1 ha (trong đó có 7,7 ha giống OM 5451 và 8,4 ha giống OM 4900).

Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện, hiện tại, các trà lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt, các hộ dân đang tiến hành khử lẫn đợt cuối để chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch.

Ông Nguyễn Anh Khoa- Giám đốc Nhà máy chế biến hạt giống Gò Dầu (thuộc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, để thực hiện chương trình, công ty đã tổ chức các buổi tập huấn truyền đạt kỹ thuật cũng như thông tin về các chủ trương, chính sách của công ty đối với các hộ dân tham gia sản xuất.

Ở vụ này, bà con nông dân áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy. Theo ông, ưu điểm của phương pháp này là giảm bớt lượng lúa giống, công chăm sóc, phân bón và nông dân cũng đỡ cực hơn do mật độ không dày, có thể khống chế rầy tốt hơn so với lúa sạ.

Trong suốt quá trình sản xuất, công ty cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia, hỗ trợ bà con từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch.

Về chính sách đầu tư, công ty tạm ứng tiền cấy, khử lẫn cho nông dân 3,5 triệu đồng/ha; tạm ứng tiền giống và giảm giá giống nguyên chủng 30% so với giá thị trường; đồng thời tạm ứng thuốc BVTV trong suốt vụ sản xuất. Công ty sẽ thu mua lúa giống của nông dân theo giá thị trường, cộng thêm 950 đồng/kg (bao gồm 900 đồng/kg đối với lúa cấy và 50 đồng/kg hỗ trợ chi phí bốc vác).

Ông Nguyễn Văn Nhành- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn cho biết, những năm trước đây, HTX chủ yếu sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống cũng có nhưng không nhiều.

Vụ Hè Thu năm nay, HTX ký hợp đồng với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gần 40 ha lúa giống OM 5451. Theo ông Nhành, chỉ còn khoảng 10 ngày là lúa giống bước vào thu hoạch, năng suất bình quân vụ này ước trên 6 tấn/ha.

Đặc biệt là lúa bán được giá, đầu ra ổn định, nên bà con ở HTX rất phấn khởi. Dự kiến đến vụ Mùa 2017, HTX sẽ tiếp tục hợp đồng với công ty nâng diện tích sản xuất lên khoảng 50 ha.

Ông Lê Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mỗi năm, Tây Ninh sản xuất khoảng 140.000 ha lúa thương phẩm. Để hỗ trợ cho nông dân giống lúa xác nhận, tỉnh đã phê duyệt Đề án Xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới thực hiện được 20% kế hoạch của Đề án. Nguyên nhân là do mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được kết nối. Trung tâm Khuyến nông tuy có tổ chức sản xuất và thu mua lại lúa giống của các tổ sản xuất, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao.

Trung tâm mong muốn có thể liên kết được với các doanh nghiệp để tạo nên sợi dây liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Để khuyến khích nông dân tham gia sản xuất lúa giống, nếu sản xuất đạt yêu cầu, nhà máy thu mua sản phẩm, Trung tâm cùng Phòng Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan sẽ hỗ trợ thêm cho nông dân 2 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Gò Dầu cho biết, trước đây, mô hình liên kết 4 nhà thực hiện chưa đạt hiệu quả do còn thiếu sự tham gia của doanh nghiệp.

Chương trình hợp tác sản xuất lúa giống sẽ có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, nhằm bảo đảm đầu ra. Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho những ai tham gia, cũng như sẽ gắn kết, lồng ghép các chính sách của Nhà nước, từ đó, bà con mạnh dạn tham gia mô hình.

Được biết, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã ký kết thoả thuận hợp tác tiêu thụ lúa giống với Chi nhánh Nhà máy chế biến hạt giống Gò Dầu (Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời).

Theo đó, Chi nhánh Nhà máy sẽ nhận thu mua lại lúa giống đạt chất lượng từ các tổ hợp tác, hợp tác xã trong mô hình, dự án do Trung tâm triển khai và ký hợp đồng. Toàn bộ diện tích hợp tác sản xuất lúa giống được cán bộ kiểm định của công ty xác nhận “đạt chất lượng làm giống” sẽ được thu mua.

Sản phẩm lúa giống của nhà máy sẽ ưu tiên cung cấp lại cho nông dân sản xuất lúa trong tỉnh khi có nhu cầu và thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông. Thời gian thực hiện bản ký kết từ năm 2017 - 2020.

Theo Sở NN&PTNT, tính đến tháng 5.2017, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 37 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích thực hiện trên 8.553 ha. Trong đó, trên cây lúa có 9 chuỗi, với khoảng 680 ha lúa và có 471 nông dân đã ký kết hợp đồng với các công ty như: Nhà máy xay xát của Công ty Thành Thành Công (tại An Thạnh), Công ty TNHH lương thực thực phẩm nông sản Việt Nam, Công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình, Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

TRÚC LY - PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục