Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Hưng Thuận: Hàng chục hecta lúa ven kênh Đông bị ngập 

Cập nhật ngày: 12/09/2024 - 14:24

BTNO - Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn xã Hưng Thuận có mưa lớn, đã khiến mực nước trên địa bàn dâng cao.

Theo phản ánh của người dân canh tác lúa tại cánh đồng Ba Cụm thuộc ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn xã Hưng Thuận có mưa lớn, đã khiến mực nước trên địa bàn dâng cao. Trong khi đó, tuyến kênh tiêu trong khu vực chưa được nạo vét đã cản trở việc tiêu thoát nước trong đồng ruộng, làm ngập úng hàng trăm ha lúa mới cấy của người dân nơi đây.

Ông Minh huy động nhiều máy bơm cứu lúa.

Vụ Mùa năm 2024, gia đình nhà ông Trần Văn Phương, ngụ ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận gieo cấy gần 7 ha lúa từ cuối tháng 8.2024. Tuy nhiên, lúa mới cấy chưa kịp bén rễ thì liên tiếp gặp mưa lớn khiến mực nước trong cánh đồng dâng cao, toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông và nhiều hộ xung quanh bị ngập sâu trong “biển” nước.

Ông Phương cho biết, lúa bắt đầu ngập từ ngày 25.8, từ đó đến nay, ông đã huy động hết tất cả các máy bơm của gia đình, tập trung bơm tát đã hơn 10 ngày nay nhưng lượng nước không giảm, mực nước trong ruộng có chỗ còn ngập sâu tới cả mét, toàn bộ diện tích lúa đến thời điểm này coi như mất trắng, ước tính tổng thiệt hại của gia đình ông khoảng gần 100 triệu đồng.

Theo ông Phương, khu vực ruộng bị ngập thuộc cánh đồng Ba Cụm nằm ven tuyến kênh chính Đông, tình trạng ngập úng đã xảy ra trong nhiều năm qua, người dân tại đây cũng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Minh huy động nhiều máy bơm cứu lúa.

Đang huy động gần 10 máy bơm tát nước cứu lúa, ông Phạm Văn Minh, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, canh tác 9 ha lúa tại cánh đồng Ba Cụm cho biết, khu vực này có một tuyến kênh tiêu nằm cặp bên bờ tả của tuyến kênh chính Đông, làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, có nhiều hộ đào ao làm trại nuôi vịt dọc theo tuyến kênh này đã tự đặt nhiều cống dưới lòng kênh để tạo thành lối đi. Điều đáng nói là đa số các cống này có đường kính khá nhỏ, chỉ từ 0,5 - 1 m, lại đặt cao hơn đáy kênh, cộng với việc sử dụng các loại lưới chắn trước miệng cống, chặt cây xanh vứt nhánh xuống lòng kênh, thậm chí có nhiều cống bị bịt kín bởi nhiều tảng bê tông lớn gây cản trở dòng chảy.

Miệng cống bị bịt kín bởi cây bị chặt hạ và bê tông.

Theo ông Minh, để khơi thông dòng chảy, giúp việc tiêu thoát nước diễn ra nhanh chóng, ông cùng các hộ có lúa bị ngập đã mang máy múc đất đi nạo vét con kênh tiêu này. Tuy nhiên, do vướng các cống và một số khu vực bị rào chắn của các chủ nuôi vịt nên đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được. Ông Minh mong các cơ quan chức năng sớm thực hiện nạo vét kênh tiêu để việc canh tác của người dân nơi đây được thuận lợi.

Minh Dương