Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng: Nhiều hộ nuôi heo rừng lai đạt hiệu quả cao
Chủ nhật: 05:49 ngày 13/09/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trại heo rừng của ông Tuấn hiện có hơn 30 con heo nái, 3 con đực giống và trong chuồng luôn có từ 50 đến 70 heo con. Mỗi năm cung cấp khoảng 200 con heo giống cho người nuôi ở nhiều nơi, thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, môi trường, nguồn nước và nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp ở xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, năm 2005, ông Mạch Công Tuấn (52 tuổi) từ TP.HCM về đây mua đất mở trang trại nuôi 35 con bò vàng sinh sản. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, giá bò thịt “rớt” thê thảm, giá bò giống cũng “tụt” theo khiến hiệu quả chăn nuôi của ông Tuấn bị “âm” nên ông Tuấn ngừng nuôi bò.

Sau một thời gian trăn trở, suy nghĩ và đi tham quan học tập kinh nghiệm ở một số nơi, ông Tuấn chọn nuôi heo rừng lai. Ông Tuấn mua một con heo rừng đực và hai con nái với giá gần 10 triệu đồng. Tận dụng chuồng nuôi bò trước đây, ông Tuấn sửa sang lại và thả số heo mới mua vào nuôi. Chỉ sau 6 tháng, 2 con heo nái đẻ lứa đầu được 12 con heo con. Ông Tuấn để nuôi, phát triển đàn heo lên đến 35 con chỉ sau một năm. “Loài heo này rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít tốn công chăm sóc, ít tốn chi phí thức ăn như giống heo thịt nhưng giá thành lại cao. Điều kiện thổ nhưỡng và nguồn thức ăn phong phú ở đây rất thích hợp để nuôi heo rừng lai” - ông Tuấn cho biết. Từ kết quả khả quan ban đầu, ông Tuấn mạnh dạn đầu tư thêm chuồng trại và xin giấy phép nuôi động vật hoang dã.

Heo rừng lai ở trại của ông Tuấn.

Cũng như nhiều nông dân khác, khi đã nuôi và cho sinh sản thành công heo rừng lai, ông Tuấn lại băn khoăn về việc tìm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, so với nhiều người, ông Tuấn đã nhanh nhạy hơn khi biết tận dụng công nghệ thông tin (internet) để tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăn nuôi, thị trường tiêu thụ. Đi thêm bước nữa, ông Tuấn quảng bá sản phẩm, tạo thương hiệu của mình trên mạng internet. Do đó, nông dân ở nhiều địa phương xa xôi tận miền Trung cũng đã biết đến giống heo rừng lai của ông Tuấn và “đặt hàng” qua mạng hoặc trực tiếp đến trại heo của ông mua con giống và học tập kỹ thuật chăn nuôi.

Ngoài ra, ông Tuấn còn in nhiều tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo rừng lai để gởi cho khách hàng hoặc những người đến đây tìm hiểu cách nuôi giống heo này. “Hiện một số nhà hàng ở TP. HCM đặt hàng tôi mỗi tháng hơn tấn thịt heo rừng nhưng tôi không có đủ sản phẩm để cung ứng cho họ. Còn heo con giống thì đẻ lứa nào bán hết lứa nấy” - ông Tuấn cho biết.

Trại heo rừng của ông Tuấn hiện có hơn 30 con heo nái, 3 con đực giống và trong chuồng luôn có từ 50 đến 70 heo con. Mỗi năm cung cấp khoảng 200 con heo giống cho người nuôi ở nhiều nơi, thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm. Theo nhận định của ông Tuấn, lợi nhuận thu được từ nuôi heo rừng gấp đôi, thậm chí gấp ba heo thịt mà lại “khoẻ” hơn.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận nhận xét: “Ông Tuấn hiện là hội viên của Hội Nông dân xã, ông không những làm ăn hiệu quả mà còn rất nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân mua con giống, phối giống miễn phí, tạo “đầu ra” cho nông dân khi họ có nhu cầu bán heo rừng thịt… Những hộ nuôi heo rừng theo sự hướng dẫn của ông Tuấn hiện đều đạt hiệu quả, có thu nhập khá”.

HOÀNG THI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục