Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xã Hưng Thuận: Nông dân lo ngập úng tại cánh đồng Ba Cụm
Thứ hai: 19:39 ngày 21/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, mỗi khi mùa mưa đến, cánh đồng Ba Cụm trên địa bàn xã Hưng Thuận đều rơi vào tình trạng ngập úng, gây khó khăn cho việc canh tác nông nghiệp của hàng chục hộ nông dân.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực tế, thế nhưng đến nay, việc thực hiện phương án chống ngập cho khu vực này vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đang rất lo lắng khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ ngập úng tái diễn, có thể gây thiệt hại hàng trăm hécta lúa vụ Hè Thu sắp đến kỳ thu hoạch.

Nông dân bỏ hoang ruộng vì lo ngại ngập úng cục bộ

Bỏ ruộng hoang để tránh thua lỗ

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi mùa mưa năm 2025 mới bắt đầu, hàng loạt hộ dân canh tác tại cánh đồng Ba Cụm phải khốn đốn chạy đua với thời gian để bơm tát nước, cứu hàng trăm hécta lúa vừa mới gieo. Tuy nhiên, một số diện tích bị ngập lâu, không thể phục hồi nên bị nông dân bỏ hoang.

Ông Trần Văn Phương (ngụ khu phố Lộc Tiến, phường Lộc Hưng, tỉnh Tây Ninh) cho biết, gia đình ông có 5ha chuyên canh tác lúa tại cánh đồng Ba Cụm. Đợt mưa cuối tháng 4 vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa mới gieo. Sau gần một tuần nỗ lực bơm nước cứu lúa, ông đành phải bỏ hơn 3ha lúa do nước ngập quá lâu, gần như không thể phục hồi được.

Ông Phương cũng chia sẻ, cánh đồng Ba Cụm nằm cạnh tuyến kênh Đông, nguồn nước tưới luôn được bảo đảm, thế nhưng việc tiêu thoát nước lại gặp nhiều khó khăn do tuyến kênh tiêu nằm cạnh bờ kênh Đông bị nhiều hộ chăn nuôi vịt lấn chiếm, lắp đặt cống để trữ nước phục vụ việc chăn nuôi, khiến việc tiêu thoát nước diễn ra rất chậm. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương nạo vét, khơi thông dòng chảy để bảo đảm tiêu úng kịp thời cho vùng sản xuất.

Theo ông Phương, chi phí đầu tư cho mỗi hécta lúa tại thời điểm bị thiệt hại khoảng 15 - 16 triệu đồng, bao gồm tiền giống, phân bón, công chăm sóc,... Tình trạng ngập úng này cứ lặp lại nhiều năm nay, nông dân rất nản, không dám xuống giống vì sợ thua lỗ nhưng nhìn đồng ruộng bỏ hoang lại tiếc, mà làm hoài thì không còn vốn.

Nông dân tập trung nhiều máy bơm để cứu lúa bị ngập tại cánh đồng Ba Cụm

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Điều (ngụ khu phố Lộc Tiến, phường Lộc Hưng) nhớ lại, đợt mưa vừa qua, ông cùng các hộ nông dân trong khu vực huy động hàng chục máy bơm vận hành liên tục ngày đêm, tuy nhiên, sau gần 10 ngày chìm trong “biển nước”, toàn bộ gần 5ha lúa mới gieo của gia đình ông gần như chẳng còn.

Theo ông Điều, dù diện tích lúa bị thiệt hại khá lớn nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đến thống kê hay khảo sát cụ thể để có hướng hỗ trợ người dân.

“Từ giống, phân bón đến công cày xới,… gia đình tôi đã đổ vào mấy chục triệu đồng nhưng giờ đành chịu cảnh mất trắng. Tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ một phần chi phí, nông dân còn có thể gượng dậy tái sản xuất” - ông Điều chia sẻ.

Đoạn kênh tiêu N23-2-2T bị bao chiếm, trữ nước làm trại chăn nuôi vịt gây cản trở dòng chảy

Đến hẹn lại lo

Hiện nay, khi mùa mưa bão đang bước vào cao điểm, nỗi lo ngập úng tiếp tục bao trùm cánh đồng Ba Cụm, nhất là đối với diện tích lúa đang giai đoạn gần thu hoạch, nếu mưa lớn tiếp diễn, nguy cơ mất trắng rất cao.

Ông Phạm Đình Đệ (ngụ khu phố Lộc Tiến, phường Lộc Hưng) lo lắng: “Tôi canh tác ở cánh đồng Ba Cụm đã nhiều năm, năm nào cũng gặp tình trạng ngập úng, gây thiệt hại nặng cho lúa. Trước đây, phía Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam có hứa sẽ nạo vét tuyến kênh tiêu cặp kênh Đông, nhưng đến nay đã bước qua hơn nửa tháng 7 vẫn chưa thấy đơn vị nào triển khai thi công. Nếu tiếp tục chậm trễ, người dân khó mà kịp xuống giống vụ sau”.

Người dân đặt cống ngang kênh nhỏ, bị rác, lục bình chắn dòng chảy

Ông Phạm Văn Minh, một nông dân canh tác gần 10ha lúa tại cánh đồng Ba Cụm cho biết, cánh đồng này có tổng diện tích hơn 100ha nhưng chỉ có duy nhất một tuyến kênh tiêu nằm cạnh bờ kênh chính Đông. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tuyến kênh này bị hoang hóa, người dân tự lắp đặt cống ngang kênh, một số chủ trang trại chăn nuôi vịt, cố tình rào chắn bắng lưới thép khiến nhiều miệng cống bị tắc, không còn khả năng dẫn nước. Vì vậy, ông rất mong muốn Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (đơn vị quản lý hạ tầng kênh chính Đông) và các ngành chức năng khẩn trương nạo vét tuyến kênh tiêu.

“Nhiều năm qua, người dân đã tự bỏ tiền thuê máy móc, huy động nhân công để khai thông dòng chảy nhưng do không đủ thiết bị chuyên dụng, lại không được hỗ trợ kỹ thuật nên không thể thực hiện triệt để. Bên cạnh đó, tuyến kênh tiêu nằm cặp theo bờ kênh chính Đông (thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam), người dân không thể thực hiện nạo vét. Người dân chỉ mong được hỗ trợ để sản xuất ổn định, tình trạng này kéo dài thì càng làm càng thua lỗ” - ông Minh thở dài nói.

Nông dân tập trung nhiều máy bơm để cứu lúa bị ngập tại cánh đồng Ba Cụm

Nhiều lần “lỡ hẹn”

Từ năm 2023, các cơ quan chức năng đã nhiều lần khảo sát và tổ chức họp thống nhất phương án nạo vét kênh tiêu N23-2-2T để chống ngập cho cánh đồng Ba Cụm. Trong đó, vào tháng 10/2023, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũ (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam có cuộc khảo sát thực tế tình hình ngập úng cục bộ tại cánh đồng Ba Cụm.

Đến tháng 11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trình buổi làm việc với các đơn vị: Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam; Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM; Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng và UBND xã Hưng Thuận (cũ).

Theo nội dung biên bản cuộc họp, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam thực hiện nạo vét toàn tuyến kênh tiêu (đoạn do Công ty quản lý dài 1,6 km từ cầu K32+074 đến K34+351); UBND thị xã Trảng Bàng (cũ) chỉ đạo UBND xã Hưng Thuận (cũ) phối hợp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các hộ chăn nuôi vịt trong phạm vi bảo vệ công trình kênh chính Đông, để việc nạo vét được triển khai trong năm 2024.

Đối với nhánh kênh tiêu đổ về suối Thai Thai, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM thống nhất thực hiện kiểm tra, rà soát xử lý ngay các khu vực tiêu thoát nước chậm, gây ảnh hưởng cục bộ trên các tuyến kênh tiêu.

Đầu năm 2024, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam đã hoàn thành hồ sơ thiết kế, lập kế hoạch mời thầu, dự kiến thi công từ cuối tháng 8/2024 và hoàn thành đầu tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam Trần Quang Hùng, do vướng thủ tục sử dụng kinh phí từ nguồn hỗ trợ phòng chống lụt bão của tỉnh Tây Ninh, việc triển khai tiếp tục bị chậm trễ.

Công ty đã trình văn bản xin chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự kiến đến cuối năm 2025, dự án mới được triển khai nạo vét.

Trong khi người dân tiếp tục khốn khó vì ngập úng, các đơn vị thực hiện vẫn loay hoay với các thủ tục. Người dân canh tác lúa tại cánh đồng Ba Cụm rất mong các ngành chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục tình trạng ngập úng để có những vụ mùa bội thu./.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục