BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Lợi Thuận, Bến Cầu: Nhộn nhịp xóm Cầu Phao

Cập nhật ngày: 28/11/2013 - 04:33

Anh Huỳnh Văn Tiếp (bìa trái) - người đầu tư làm sân phơi, hướng dẫn anh em công nhân bốc vác cân lúa cho thương lái

(BTN)- Xóm Cầu Phao giờ đây đã thật sự thay đổi diện mạo, đời sống của bà con có bước chuyển biến đáng kể, tăng hộ khá giàu, giảm được hộ nghèo và không còn hộ thiếu đói. Đây không chỉ là niềm vui riêng của người dân xóm Cầu Phao mà còn là niềm vui chung của Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu.

Mấy năm trước, xóm Cầu Phao (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) thưa thớt, chỉ vài nóc gia, hầu hết là bà con ở miền Tây đến đây định cư ven con rạch Đìa Xù, trồng lúa đắp đổi qua ngày. Việc đi lại của bà con rất khó khăn, con đường từ xã Lợi Thuận tiếp giáp với quốc lộ 22A (đường Xuyên Á) gập ghềnh khó đi, còn muốn qua con rạch phải dùng xuồng. Dần về sau, bà con cùng nhau bắc cầu qua rạch bằng những cây tre, dưới có những chiếc phao. Từ đó xóm này có tên là xóm Cầu Phao.

Sau khi tuyến đường này được Nhà nước nâng cấp mở rộng, láng nhựa thông thoáng, khoảng năm 2000 bà con xóm Cầu Phao tự nguyện vận động nhau đóng góp bắc một chiếc cầu gỗ để người và xe máy có thể qua con rạch.

Hầu hết người dân ở xã Lợi Thuận cũng chọn con đường này để đi lại vì rút ngắn được thời gian, do vậy lưu lượng các phương tiện giao thông ngày càng nhiều, chiếc cầu đã trở nên quá tải. Để đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ cho việc vận chuyển nông sản cho người dân trong và ngoài địa phương, năm 2012 Nhà nước đầu tư xây dựng một chiếc cầu sắt.

Có được chiếc cầu kiên cố, bà con xóm Cầu Phao hết sức phấn khởi bởi mạng lưới giao thông đường thuỷ cũng như đường bộ đều được thông thoáng, nhờ vậy mà công việc kinh doanh giao thương mua bán của bà con ngày càng phát triển, ghe tàu thương lái các tỉnh miền Tây tấp nập ra vào bến Cầu Phao để trao đổi mua bán các mặt hàng nông sản.

Anh Lương Huy Quang- cán bộ xã Lợi Thuận cho biết: “Bến Cầu Phao hiện nay rất nhộn nhịp, ghe tàu vào neo đậu để vận chuyển hàng nông sản ngày càng nhiều, đây là cơ hội để tạo thêm công ăn việc làm cho số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Đồng thời có một nông dân ở xóm Cầu Phao mạnh dạn đầu tư làm bến bãi, rồi huy động thanh niên trong xã thành lập đội bốc vác đã tạo thêm thu nhập hằng ngày cho thanh niên tại địa phương”. Người nông dân đó là anh Huỳnh Văn Tiếp, 41 tuổi.

Anh bỏ ra hơn 70 triệu đồng thuê một phần đất ven con rạch với diện tích gần 1 ha, kéo điện thắp sáng để làm sân phơi lúa, rồi huy động hơn 20 thanh niên trong xã thành lập đội bốc vác và 20 chị em phụ nữ làm công việc phơi lúa cho thương lái.

Anh Huỳnh Văn Tiếp cho biết: “Kể từ khi có sân phơi ổn định, ghe tàu thương lái vào bến ngày càng nhiều, nhất là vào vụ thu hoạch lúa. Bến Cầu Phao thu hút mỗi ngày từ 150-200 tấn lúa do thương lái thu mua chuyển về các tỉnh khác. Nhờ vậy mà anh em lao động ở đây cũng kiếm sống được nhờ bốc vác”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến vụ thu hoạch lúa, mỗi ngày một người bốc vác có thể kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng, còn các chị phụ nữ làm công việc phơi lúa cũng kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng.

Điều đáng ghi nhận là kể từ khi hình thành bến Cầu Phao, tình hình an ninh trật tự ở bến này luôn được giữ vững, chưa xảy ra vụ gây gổ hay tranh chấp giữa các thương lái với nhau. Anh Phạm Văn Vũ, 39 tuổi- một thương lái tỉnh ở Tiền Giang nói: “Nhiều năm thu mua nông sản ở huyện Bến Cầu, ra vào neo đậu rất nhiều bến, nhưng chỉ có bến Cầu Phao là yên tâm nhất bởi tình hình an ninh trật tự ở đây rất tốt, chưa hề xảy ra chuyện gì.

Ngoài ra, so với các bến khác thì bến Cầu Phao gần hơn, rất thuận tiện bởi lòng sông rộng, ra vào dễ dàng, rút ngắn được thời gian đi lại, giảm được chi phí vận chuyển nên đa số anh em thương lái các tỉnh thường chọn bến Cầu Phao để neo đậu”.

Xóm Cầu Phao giờ đây đã thật sự thay đổi diện mạo, đời sống của bà con có bước chuyển biến đáng kể, tăng hộ khá giàu, giảm được hộ nghèo và không còn hộ thiếu đói. Đây không chỉ là niềm vui riêng của người dân xóm Cầu Phao mà còn là niềm vui chung của Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu.

Minh Tiên