BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Long Thành Nam (Hoà Thành): Nghề đan cần xé giúp lao động nông thôn ổn định cuộc sống

Cập nhật ngày: 11/09/2013 - 04:48
HTML clipboard

 Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương.

(BTNO)- Hiện nay ở xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành vẫn còn nhiều người sống bằng nghề đan cần xé. Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương. Nhờ nghề đan cần xé mà giải quyết được việc làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn, trong đó có những người cao tuổi.

10 năm nay, gia đình ông Đặng Văn Oanh sống ổn định bằng nghề đan gia công cần xé.

Bà Nguyễn Thị Linh, 62 tuổi, nhà ở ấp Long Bình, xã Long Thành Nam cho biết, bà làm nghề đan cần xé đã 20 năm nay. Hiện nay bà đan gia công cho Hợp tác xã Mây tre số một Long Thành Nam. Nguyên liệu do Hợp tác xã cung cấp, còn bà chỉ nhận đan gia công với giá 2.000 đồng một chiếc cần xé mê (chưa bẻ miệng, làm quay) loại nhỏ.

Mỗi ngày bà Linh đan bình quân được 25 chiếc cần xé mê, thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày.  

Gia đình ông Đặng Văn Oanh, 56 tuổi ở ấp Long Bình cũng sống bằng nghề đan cần xé từ 10 năm nay. Mỗi ngày vợ chồng ông Oanh đan gia công được 30 chiếc cần xé mê, loại cần xé 2 giạ (đựng được 2 giạ lúa, với giá 5.000 đồng/ chiếc.

Tính ra mỗi ngày (từ 8 giờ đến 16 giờ), vợ chồng ông Oanh thu nhập được 150.000 đồng. Tuy mức thu nhập này không cao, nhưng do làm gia công, nên gia đình ông Oanh không phải bỏ vốn, không phải lo đi tìm mua nguyên liệu hay tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài hai hộ nêu trên, ở xã Long Thành Nam còn có hàng trăm hộ khác cũng sống bằng nghề đan cần xé và các loại sản phẩm bằng tre trúc khác. Xã đã thành lập được hai HTX mây tre, thu hút được hơn 100 lao động.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề đan mây tre ở Long Thành Nam đang gặp một số khó khăn do nguyên liệu (tre trúc) ngày càng khan hiếm khó tìm mua, đồng thời thị trường đầu ra của sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn.

N.H