Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng: Cây thuốc lá vàng vẫn là thế mạnh 

Cập nhật ngày: 10/04/2024 - 19:09

BTN - Phước Bình là xã biên giới, nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng. Người dân ở đây sống bằng nghề nông, với hai cây thế mạnh là lúa và thuốc lá vàng. Vào mùa nắng, vùng đất gò giồng ở xã Phước Bình sản xuất lúa gặp khó khăn, do thiếu nước, nhưng thuận lợi đối với cây thuốc lá vàng.

Nông dân xã Phước Bình ghim và vận chuyển lá thuốc đến lò sấy.

Nhiều năm qua, một bộ phận nông dân ở đây gắn bó với cây thuốc lá vàng. Mỗi năm chỉ trồng thuốc lá vàng có một vụ Đông Xuân, nhưng cũng đem lại cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể. Cây thuốc lá vàng đã giúp cho một bộ phận nông dân xã Phước Bình “vượt lên chính mình”. Vì vậy mà vụ Đông Xuân 2023-2024 này, dưới cái nắng chang chang của miền biên giới, các cánh đồng ở đây vẫn trải những tấm thảm xanh vàng của cây thuốc lá vàng.  

Một mình ngồi lựa một đống thuốc lá vàng đã sấy khô, trong nhà chứa thuốc của một cơ sở lò sấy ở ấp Gò Ngãi, bà Trần Thị Sáu cho biết, trồng và thu hoạch thuốc lá vàng tốn rất nhiều công sức. Các khâu hái lá thuốc, ghim lá thuốc, bốc vác lá thuốc… đều phải thuê mướn một lúc nhiều người làm. Để giảm bớt tiền thuê mướn, sau khi sấy, khâu lựa thuốc khô để phân loại gia đình bà ra công làm, mà không thuê mướn ai.

Bà Trần Thị Sáu lựa lá thuốc sau khi sấy khô.

Sống giữa vùng nông thôn, thuộc ấp Gò Ngãi (xã Phước Bình), nhưng nhà bà Sáu không có đất sản xuất. Hơn mười năm trước, gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Để mưu sinh, vợ chồng bà đi làm thuê đủ thứ công việc của nghề nông. Rồi gia đình bà hỏi thuê được 9.000 m2 đất ruộng gò, với thời hạn lâu dài.

Thuê được ruộng, mỗi năm, gia đình bà làm hai vụ lúa là Hè Thu và vụ Mùa; còn vụ Đông Xuân trồng thuốc lá vàng. Trồng thuốc lá vàng tốn nhiều công và nhiều vốn hơn làm lúa, nhưng nhờ đăng ký với chủ lò sấy, nên được chủ lò cung cấp con giống, cho mượn vốn sản xuất và thu mua sản phẩm, nên gia đình bà an tâm trồng thuốc là vàng.

Vụ thuốc lá này, gia đình bà còn đang thu hoạch, chưa bán thuốc lá sấy khô, nên chưa biết giá cả và mức thu nhập như thế nào. Còn vụ năm rồi và những năm trước, với 9.000 m2 đất trồng thuốc lá vàng, mỗi vụ sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, gia đình bà còn lời được khoảng 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Triết, chủ cơ sở lò sấy kiểm tra chất lượng lá thuốc trong lò sấy.

Bà Sáu cho biết thêm, từ khi trồng thuốc lá vàng vào vụ Đông Xuân, cải tạo được đất, số ruộng mà bà thuê mướn trong vụ Hè Thu thuận lợi hơn, năng suất lúa tăng hơn trước khi trồng thuốc. Nhờ trồng thuốc lá vàng có thu nhập cao hơn các cây trồng khác mà hằng năm trừ tiền thuê mướn ruộng, cùng các khoản chi phí khác, gia đình bà Sáu có khoản tiền để dành. Dành dụm nhiều năm, gia đình bà đã xây dựng được nhà tường. Bà Sáu khẳng định, gia đình bà cũng như một số hộ nông dân ở đây “nên nhà nên cửa” là nhờ thời gian qua trồng cây thuốc lá vàng. “Cây thuốc lá vàng đã giúp nông dân ở đây vượt qua chính mình!”- bà Sáu vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Kỳ Trân, ngụ ấp Gò Ngãi cho biết, gia đình ông cũng gắn bó với cây thuốc lá hơn 10 năm rồi. Nhà ông chỉ có 50 cao ruộng, nên trước kia mỗi vụ gia đình ông chỉ trồng 50 cao ruộng nhà. Thấy trồng cây thuốc lá vàng có thu nhập cao hơn cây lúa và các cây rau màu khác, cách đây khoảng 7 năm, gia đình ông thuê thêm 70 cao ruộng của người dân trong ấp để mở rộng diện tích trồng thuốc lá. Với 1,2 ha đất trồng, mỗi vụ thuốc lá trước đây gia đình ông thu nhập từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Còn vụ này chưa thu hoạch xong, chưa bán thuốc lá khô, nên ông cũng chưa biết thu nhập như thế nào.

Ông Lê Minh Vương ở ấp Bình Phước (cũng thuộc xã Phước Bình) cho biết, ông đã gắn bó với cây thuốc lá vàng vụ này nữa là 22 năm. Với 1 ha đất trồng, mỗi vụ thuốc lá gia đình ông có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng (sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư).

Ông Nguyễn Minh Triết, chủ cơ sở sấy thuốc lá vàng ở ấp Gò Ngãi cho biết, cơ sở sấy thuốc của gia đình ông được xây dựng cách đây hơn 20 năm. Hiện cơ sở có 12 lò sấy. Chủ lò sấy là người trung gian, liên kết với công ty thu mua thuốc lá, nhận hạt giống về giao cho nông dân trồng. Đồng thời chủ lò sấy, nhận vốn đầu tư từ công ty hỗ trợ cho nông dân sản xuất rồi nhận sấy thuốc, thu mua thuốc đã sấy của nông dân giao bán lại cho công ty.

Cánh đồng thuốc lá vàng ở xã Phước Bình.

Hằng năm, cơ sở của ông nhận sấy khoảng 20 ha, riêng vụ Đông Xuân này, cơ sở ông nhận đăng ký với nông dân sấy 25 ha. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, việc lập các cơ sở sấy thuốc cũng góp phần đáng kể trong việc giải quyết lao động thời vụ ở nông thôn. Chỉ tính thợ “lửa” (canh lửa đốt lò sấy thuốc), mỗi vụ sấy thuốc, cơ sở ông Triết thuê 4 người. Mỗi người 30 triệu đồng/vụ. Hằng năm, vụ sấy thuốc bắt đầu từ mùng 9 tháng Giêng đến giữa tháng 4 (âm lịch).

Ông Phan Thiên Khâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cho biết, hơn 20 năm qua, bà con nông dân xã Phước Bình (trước đây là 2 xã Bình Thạnh và Phước Lưu) gắn bó với cây thuốc lá vàng trong vụ Đông Xuân. Số diện tích trồng thuốc lá vàng hằng năm của xã từ khoảng 150 ha đến 200 ha. Vụ Đông Xuân 2023-2024, nông dân Phước Bình sản xuất 164 ha thuốc lá vàng. Để tiêu thụ thuốc lá, nông dân không thể bán lá thuốc tươi cho các công ty thu mua được, mà phải qua công đoạn sấy khô, phải cần đến các cơ sở lò sấy.

Hiện trên địa bàn xã Phước Bình có 15 cơ sở lò sấy thuốc lá vàng. Trồng thuốc lá vàng có thu nhập cao hơn lúa và một số cây trồng khác. Từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch cây thuốc lá vàng đều lao động thủ công. Người trồng phải thuê mướn nhiều lao động. Từ đó trồng cây thuốc lá góp phần giải quyết được một bộ phận lao động thời vụ ở nông thôn, giúp nông dân tăng thu nhập.

Duy Huân