Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng: Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới
Chủ nhật: 11:25 ngày 14/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phước Bình là xã được thành lập mới của thị xã Trảng Bàng, trên cơ sở sát nhập địa giới hành chính và dân số hai xã Phước Lưu và Bình Thạnh theo Nghị quyết số 865/NĐ- UBTVQH14, ngày 10.1.2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nông dân xã Phước Bình phấn khởi trúng mùa lúa vụ Đông xuân 2020 -2021

Sau khi sáp nhập, xã Phước Bình có tổng diện tích tự nhiên 34,65km2, gồm 10 ấp với tổng dân số 16.644 người. Là xã biên giới mới thành lập, nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm đổi mới, với mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Phước Bình quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới

Ông Nguyễn Phước Nhiên- Chủ tịch UBND xã cho biết, Đảng bộ xã Phước Bình hiện có 17 chi bộ trực thuộc với tổng số 314 đảng viên; BCH Đảng bộ có 29 ủy viên, trong đó có 19 ủy viên là cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, chiếm 65,51%.

Trên nền tảng của xã Bình Thạnh cũ đã đạt chuẩn nông thông mới năm 2019, sau sát nhập, hiện Phước Bình đã hoàn thành 15/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 4 tiêu chí chưa đạt là: Tiêu chí số 2 (Giao thông), cả xã hiện còn 27 tuyến đường trục ấp, xóm và đường giao thông nội đồng (trong đó có 25 tuyến trên địa bàn xã Phước Lưu cũ); tiêu chí số 5 (Trường học), hiện đã đầu tư các điểm trường mẫu giáo Phước Lưu và tiểu học Phước Bình B; tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa), trong năm sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành 5 nhà văn hoá ấp, thuộc địa bàn xã Phước Lưu cũ; và tiêu chí số 10 (thu nhập), tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân hàng năm của người dân trên địa bàn xã đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Cây thuốc lá vàng tại Phước Bình phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu cho nông dân.

Năm 2021 xã Phước Bình phấn đấu đạt chuẩn NTM, kinh tế phát triển ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong đó, phấn đấu thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu trên giao; tốc độ tăng thu bình quân hàng năm từ 5-10%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối nhiệm kỳ đạt từ 98% trở lên; phấn đấu không còn hộ nghèo chuẩn trung ương; giữ vững 10/10 ấp văn hóa.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng hiệu quả, trong năm 2021, địa phương sẽ đầu tư xây dựng 3 công trình: Hệ thống đê bao ấp Bình Quới, đê bao Phước Giang 8 và Trạm bơm Phước Lưu phục vụ nhu cầu nước tưới cho trên 1.000 ha của bà con nông dân khu vực gò cao, thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Phước Bình đề ra những nhiệm vụ và giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội;

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; thực hiện đa dạng hóa huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân, để thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phân công cụ thể nhiệm vụ cho cán bộ, công chức là thành viên Ban Chỉ đạo Nông thôn mới của xã phụ trách các tiêu chí chưa đạt, thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí để kịp thời có giải pháp triển khai quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm đối với từng tiêu chí chưa đạt; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đối với các tiêu chí đã đạt được.

Đời sống nhân dân ngày càng phát triển

Ông Nguyễn Hữu Diễn- Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Phước Thành cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn ấp có 7 tuyến đường quy hoạch được nâng cấp nhựa hoá, hiện có 3 tuyến đã hoàn thành, còn lại 4 tuyến đang được thi công trải đá; Nhà văn hoá ấp được quy hoạch thay thế Văn phòng ấp cũ.

Bên cạnh đó, thông tin Trạm bơm Phước Lưu sắp được đầu tư làm người dân trên địa bàn hết sức vui mừng. “Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, nông dân trên địa bàn ấp thắng lợi lớn khi các loại cây trồng đều cho năng suất cao, giá cả ổn định, hứa hẹn thu nhập khá.

Nhiều tuyến đường được nâng cấp.

Hiện 70% diện tích lúa của bà con nông dân đã thu hoạch xong, năng suất trên 8 tấn/ha, giá lúa từ đầu vụ duy trì trên 6.000 đồng/kg, có lúc lên hơn 7.000 đồng/kg, ước tính mỗi ha lúa, nông dân thu về trên 35 triệu đồng. Bên cạnh đó, cây thuốc lá vàng cũng phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt là không có bệnh xoăn đọt, nhiều diện tích đang trong giai đoạn thu hoạch ba đến năm lá, với mức giá thu mua tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với vụ trước”- ông Diễn chia sẻ thêm.

Còn theo Ông Phan Trung Chỉnh- Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Bình Thuận, với nền tảng được xây dựng và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên trên địa bàn ấp Bình Thuận đã được đầu tư, hoàn thiện về các mặt, trong năm 2021 nhân dân ấp Bình Thuận sẽ hướng đến nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, góp phần cùng các ấp khác đưa Phước Bình sớm đạt các tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Trần Văn Na- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Lợi cho biết, Hợp tác xã được hình thành từ năm 2004, đến nay có 30 thành viên với hơn 36 ha sản xuất lúa chất lượng cao, bên cạnh đó, Hợp tác xã còn tổ chức luân phiên hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp hỗ trợ xã viên và bà con nhân dân trong vùng.

Theo ông Na, với thế mạnh của điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nông dân cần cù chịu khó nên những năm qua, năng suất lúa của Hợp tác xã luôn cao hơn 7 tấn/ha. Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, để người nông dân gắn bó với cây lúa, tiếp tục phát triển và nâng cao đời sống, các cấp, các ngành tỉnh, huyện cần có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp về Phước Bình, nhất là các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản.

Tiếp tục đầu tư hệ thống thuỷ lợi, kênh tưới, kênh tiêu phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cây trồng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nhân dân khu vực phía Tây của thị xã Trảng Bàng.

Thiện Đức

Tin cùng chuyên mục