BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phước Chỉ-Cánh Tây Huyện Trảng Bàng: Muốn thoát nghèo phải phá thế độc canh

Cập nhật ngày: 30/03/2009 - 09:58

Quanh năm chỉ độc canh cây lúa, người nông dân xã Phước Chỉ khó vươn lên khá giả, nhất là những người ít ruộng đất

Trải qua 34 năm xây dựng và phát triển, cùng với các địa phương trong tỉnh, xã Phước Chỉ đã từng bước đổi thay. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư xây dựng như: công trình thuỷ lợi, đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, trạm xá, trạm cấp nước sạch… Nhờ vậy mà đời sống của đại bộ phận bà con được ổn định. Tuy nhiên, do đặc điểm là vùng sâu, biên giới và là miền bưng biền sông nước, quanh năm chỉ độc canh cây lúa, nên hiện nay xã này vẫn còn một bộ phận nông dân chưa thoát cảnh nghèo khó.

Nỗ lực xoá nghèo, hộ nghèo lại gia tăng:

Phước Chỉ là một trong hai xã được Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh Tây Ninh chọn làm xã điểm hỗ trợ cho hộ nghèo vượt khó vươn lên. Ông Biện Văn Đức, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cho biết, qua khảo sát vào giữa năm 2007, toàn xã có 49 hộ nghèo, trong đó có 20 hộ nghèo Trung ương, 29 hộ nghèo địa phương.

Qua một năm phấn đấu bằng nhiều biện pháp giúp dân xoá nghèo, như vận động làm được 16 căn nhà đại đoàn kết (trong đó có 10 căn “Nhà tình bạn” của Đoàn Thanh niên); lập dự án chăn nuôi bò vàng sinh sản, xã đã mua 24 con bò giao cho 24 hộ nghèo nuôi theo phương thức cho mượn (khi bò đẻ bê con, người nuôi được nuôi bê, trả bò mẹ lại để xã xem xét giao bò cho người khác tiếp tục nuôi). Thực hiện Chương trình 135, xã lập 2 dự án vay 4 tỷ đồng, giúp cho 260 hộ nghèo và hộ liền kề phát triển sản xuất, chăn nuôi… Đến cuối năm 2008, lãnh đạo địa phương khảo sát thì trong số 49 hộ nghèo trước đây đã có 8 hộ thoát nghèo vươn lên trung bình, và 2 hộ nghèo neo đơn qua đời. Như vậy lẽ ra số hộ nghèo theo danh sách khảo sát trước đây chỉ còn 39 hộ, nhưng thực tế số hộ nghèo lại tăng lên đến 79 hộ, vì có đến 40 hộ nghèo mới phát sinh. Đáng lo ngại là trong số hộ nghèo này có 8 hộ phải cứu tế thường xuyên. Vì sao địa phương ra sức xoá hộ nghèo, mà hộ nghèo lại gia tăng?

Theo ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ, sở dĩ hộ nghèo ở xã gia tăng do các nguyên nhân: Một số hộ người cao tuổi gia đình neo đơn, không có lao động, nên không có thu nhập; một số gia đình cha mẹ nghèo, khi tách hộ cho con ra riêng làm cho hộ nghèo nhân đôi; một số hộ do đông con thiếu ruộng đất sản xuất; một số khác do thất mùa, và cũng có một vài trường hợp những người trụ cột gia đình lại lười lao động, hay nhậu nhẹt; thậm chí có trường hợp xã giao bò cho nuôi cũng không thèm nhận vì sợ… cực (!).

Cần sớm xây dựng con đường từ chợ Rạch Tràm cũ ra đến sông Vàm Cỏ Đông để nối với đường liên tỉnh của Long An ở Bến Đò, Lộc Giang

Những “con đường thoát nghèo”

Theo các vị lãnh đạo chính quyền Mặt trận xã Phước Chỉ để kéo giảm hộ nghèo xuống mức thấp nhất, hướng tới, tuỳ theo từng đối tượng mà chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ khác nhau: Đối với hộ nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất thì chính quyền địa phương tạo điều kiện tăng cường vốn vay, giới thiệu việc làm. Đối với những hộ già cả neo đơn, xã đề nghị cấp trên chuyển sang bảo trợ xã hội để được trợ cấp thường xuyên. Đối với những hộ có sức lao động, nhưng lười lao động thì giới thiệu cho tổ dân cư tự quản góp ý, xây dựng, khuyến khích làm ăn.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là biện pháp trước mắt và cũng chỉ có thể xoá nghèo. Còn để nhân dân vươn lên khá giả thì phải có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Phước Chỉ hiện có khoảng 2.400 hộ, với gần 10.700 nhân khẩu; 85% dân số sống bằng nghề nông. Trong nông nghiệp hầu như độc canh cây lúa. Số hộ làm tiểu thủ công nghiệp chỉ có 8% và dịch vụ chỉ có 7%. Hiện nay trên địa bàn xã chưa có cơ sở công nghiệp nào và cũng chưa có chợ. Hệ thống giao thông nông thôn những năm gần đây được mở mang, tuy nhiên vẫn còn hai tuyến đường quan trọng chưa được khởi công xây dựng. Đó là đường Lái Mai nối ba xã cánh Tây Trảng Bàng ra bờ sông Vàm Cỏ Đông sang xã An Hoà và thị trấn

Vợ chồng anh Lê Hoàng Nhơn và chị Hồ Thị Em ở ấp Phước Thuận được chính quyền địa phương xem xét làm nhà đại đoàn kết và cho mượn bò giống nuôi bò sinh sản.

Trảng Bàng đã có dự kiến từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Khi tuyến đường này được lưu thông và khu Công nghiệp-dịch vụ Bourbon-An Hoà đi vào hoạt động thì người dân ba xã cánh Tây Trảng Bàng có nhiều điều kiện sang khu công nghiệp- dịch vụ này làm việc. Và việc giao lưu giữa các xã cánh Tây và cánh Đông của huyện sẽ thuận tiện hơn. Tuyến đường thứ hai là đường Bờ Đắp-Mương Đào, dài gần 4 km nối từ đầu đường nhựa ở khu vực chợ Rạch Tràm cũ (thuộc ấp Phước Bình) qua 3 ấp Phước Bình, Phước Trung và Phước Long ra đến bờ sông Vàm Cỏ Đông, đối diện bên kia sông là chợ Bến Đò (xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, Long An). Con đường này có từ thời Pháp thuộc, sau này không còn sử dụng được nữa. Hiện nay địa phương đang thực hiện dự án nạo vét kênh và làm nền hạ con đường này. Tuy nhiên nếu làm nền hạ xong việc lưu thông cũng không dễ dàng. Nếu được đầu tư nâng cấp nhựa hoá con đường này, không chỉ giúp cho bà con địa phương lưu thông thuận tiện mà còn thu hút được các nhà đầu tư từ phía Long An sang. Vì con đường này nối liền từ bờ sông Vàm Cỏ Đông đến ngã tư Truông Dầu và sang tận biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ở ngã tư Truông Dầu, xã đã có dự án xây dựng ngôi chợ vùng biên. Mong cấp trên sớm đầu tư mở mang hai tuyến đường này và sớm xây chợ vùng biên ở khu vực ngã tư Truông Dầu. Có chợ, có đường giao thông huyết mạch đi qua xã, mới có thể mời gọi các nhà đầu tư đến phát triển các ngành công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Chỉ có cách đó những nông dân thiếu ruộng đất sản xuất có thể chuyển sang mua bán, làm dịch vụ mới mong thoát nghèo và vươn lên khá giả.

DUY HUÂN