BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phước Chỉ với công trình đê bao tiểu vùng: Xoá nỗi lo mùa nước nổi

Cập nhật ngày: 19/09/2009 - 03:42

Phước Chỉ là một trong 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Do địa hình phức tạp, kênh rạch chằng chịt, đất lại thấp, nên hằng năm cứ vào mùa nước nổi, bà con nông dân lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nếu nước lên sớm thì phải thu hoạch lúa non hoặc chấp nhận thất trắng. Khi nước xuống chậm lại ảnh hưởng vụ sản xuất kế tiếp. Cuộc sống người dân cứ mãi bấp bênh theo con nước. Không thể chấp nhận tình cảnh như vậy, Đảng uỷ, chính quyền và người dân xã Phước Chỉ đã chung tay, góp sức làm nên cuộc “đột phá” …

Ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ hồi tưởng: Cứ vào vụ hè thu, mưa nhiều, nước sông Vàm Cỏ Đông lại dâng lên, gây ngập úng. Năm 2000, xã đã đề ra kế hoạch xây dựng thí điểm đê bao ngăn nước lũ tại ấp Phước Long dài 987 mét và rộng 2 mét bằng chính sức lao động của người dân. Hiệu quả đem lại thật không ngờ… Nhờ công trình đê bao, bà con nông dân đã chủ động được thời gian xuống giống, không còn phụ thuộc vào con nước, đảm bảo 3 vụ sản xuất ổn định, nâng năng suất từ 10 tấn/năm lên 14 tấn/năm, nâng giá trị tạo ra trên 1 ha từ 13 triệu đồng lên 23 triệu đồng, đặc biệt là nông dân thoát cảnh tư thương lợi dụng để ép giá.

Đê bao ngăn nước cũng là hệ thống giao thông nông thôn giữa cánh đồng lúa bạt ngàn.

Nông dân cũng đã phát triển 2 mô hình sản xuất: nuôi cá trong ao và nuôi cá trên ruộng lúa. Cuộc sống người dân dần ổn định, thu nhập cao hơn, không còn lo chạy lũ, bà con an tâm hơn trong đầu tư phát triển sản xuất. Đê bao còn là hệ thống giao thông nội đồng, vùng sông nước nay đã thay đổi bộ mặt mới. Chính từ hiệu quả đạt được đó đã thúc đẩy người dân các ấp Phước Trung, Phước Đông, Tràm Cát cùng nhau tự nguyện đóng góp công sức, đất đai đào đắp thêm đê bao nâng tổng số diện tích đất sản xuất nằm trong đê bao từ 7 ha ban đầu lên tới 206 ha như hiện nay với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Khi công trình đê bao phát huy hiệu quả rõ rệt, tỉnh và huyện tổ chức đoàn khảo sát, thẩm định và đã đánh giá cao công trình đê bao này vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống người dân vùng sông nước. Tỉnh và huyện đã đề ra chủ trương thống nhất hỗ trợ cho công trình theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tỷ lệ đóng góp: tỉnh hỗ trợ 50%, huyện 20% và người dân 30% kinh phí thực hiện. Thế là công trình được khởi công tiếp tục từ tháng 12.2004 tại ấp Phước Hội với khối lượng đào đắp hơn 41.000 mét khối, tổng kinh phí hơn 463 triệu đồng, chưa kể phần diện tích đất trị giá hơn 300 triệu đồng mà tuyến đê bao đi qua. Mô hình sau đó đã được nhân dần ra các ấp khác. Riêng năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đã thực hiện 8 công trình đê bao ở các ấp Phước Lập, Phước Đông, Phước Hội với tổng kinh phí là 2,197 tỷ đồng, (phần nhân dân đóng góp 659 triệu đồng). Sau 8 năm thực hiện công trình đê bao tiểu vùng kết hợp nuôi trồng thuỷ sản ở xã Phước Chỉ với tổng chiều dài hơn 7 km, ngang 10 mét, số diện tích đất mà người dân tự nguyện hiến để đào đắp đê bao không đòi hỏi đền bù lên đến 9 ha, trị giá 1,8 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền mặt do người dân có đất nằm trong đê bao đóng góp khoảng 30% tổng giá trị công trình.

Ông Lập phấn khởi cho biết thêm: “Hiện nay người dân xã Phước Chỉ không còn tuỳ thuộc con nước nữa, đã chủ động sản xuất 3 vụ ổn định với hơn 593 ha ở 6 ấp cho 346 hộ. Nhiều hộ đã áp dụng mô hình nuôi cá kết hợp sản xuất lúa nâng cao thu nhập, nâng năng suất lúa từ 4 tấn/ha lên 5,5 tấn/ha. Đã thế, nhiều tuyến đê bao trở thành đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản”.

Hướng theo cánh tay chỉ của ông Thi Văn Đơn, Phó Chủ tịch UBND xã, tôi nhìn về phía những cánh đồng ở các ấp Phước Lộc, Phước Trung, Phước Hội. Trước khi có đê bao, người dân quanh đấy đi lại và vận chuyển nông sản bằng xuồng, chưa bao giờ nghĩ đến việc mua sắm xe máy, mô tô. Vậy mà nay hầu như hộ nào cũng đã có xe, thỉnh thoảng trên tuyến đê bao xuất hiện vài chiếc xe chạy qua cánh đồng vừa mới thu hoạch xong, có nơi chuẩn bị làm đất cho vụ mới, khói đốt đồng toả một màu xám trắng che khuất tầm nhìn. Tuỳ theo địa thế vùng đất, đồng vốn, đất nhiều hay ít… người dân Phước Chỉ đã chủ động vận dụng nhiều mô hình sản xuất: thuần lúa, lúa – cá, nuôi cá ao… mỗi mô hình đều mang lại hiệu quả, trước mắt là ổn định cuộc sống rồi tiến lên khá giàu. Nói theo ông Đơn là như vậy. Nhưng ông Hồ Văn Bớt, một nông dân nuôi cá ao, thì thực tế hơn: - “Nếu không có đê bao, với diện tích đất ít, chỉ có hơn nửa công đất luôn bị ngập nước, gia đình tôi chủ yếu là đi làm thuê. Nay nhờ có đê bao, tôi đã đào 4 ao nuôi cá, thu nhập hằng năm hơn 20 triệu đồng. Vui nhất là có đường đi thuận tiện, không còn chèo xuồng vào mỗi mùa nước nổi nữa”.

Tuy vậy ông PCT xã vẫn tỏ ra băn khoăn: - “Nếu tính từ năm 1998 đến nay, người dân đã tự nguyện hiến hơn 9 ha đất để làm thuỷ lợi, giao thông nông thôn và đê bao, nâng giá trị đất đai từ vài chục triệu đồng lên 200 triệu đồng/ha nên người dân sẵn sàng hiến đất, không đòi hỏi đền bù để thực hiện những công trình phúc lợi, nhất là khi được tỉnh và huyện hỗ trợ. Qua thực tế cái được thì nhiều, cái mất vẫn không ít. Đối với vùng nhiều kênh rạch và thường xuyên bị ngập lụt mà có được hệ thống đê bao tiểu vùng là phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi của người dân. Thế nhưng đê bao cũng làm hạn chế lượng phù sa do nước lũ mang lại, đất sản xuất giảm độ màu mỡ, người dân phải đầu tư phân bón nhiều hơn. Cái được và cái mất luôn tồn tại song song. Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo xã. Chúng tôi đang tìm giải pháp để khắc phục. Trước mắt động viên người dân tăng cường bón phân chuồng, về lâu dài sẽ chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp”.

Đây không chỉ là nỗi lo của những người có trách nhiệm ở xã mà còn là nỗi lo chung cho cả cộng đồng. Vận động người dân thực hiện một chủ trương lớn đã khó, phát huy hiệu quả công trình sau khi hoàn thành càng khó hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, Nghị quyết của Đảng “về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” đang đòi hỏi mọi người phải “cố công, gắng sức”. Ngồn ngộn công việc đang bày ra. Trách nhiệm đang đè nặng trên vai từng cán bộ ở một xã còn nhiều khó khăn như Phước Chỉ. Việc ngăn chặn nguy cơ đất bạc màu có lẽ rồi cũng sẽ có giải pháp. Vấn đề là làm thế nào để bà con nông dân tin tưởng và làm theo.

LA NGẠC THUỴ