BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu: Nỗ lực giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng 

Cập nhật ngày: 22/10/2022 - 04:45

BTN - Thực tế một số xã, phường còn gặp khó khăn trong công tác này. Riêng xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu được đánh giá là điểm sáng trong công tác giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng.

Ông N cảm ơn chính quyền đã quan tâm, giúp đỡ để ông có công ăn việc làm  .

Tháng 9 vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc quản lý người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Thực tế một số xã, phường còn gặp khó khăn trong công tác này. Riêng xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu được đánh giá là điểm sáng trong công tác giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng.

Ông N, ngụ ấp Phước Lộc A là một trong những người vừa trở về sau khi chấp hành án phạt tù. Sau niềm vui sum họp gia đình, ông N nghĩ đến việc lao động kiếm sống và nuôi cô con gái đang học đại học. Hằng ngày, ông đi làm thuê làm mướn cho bà con trong xóm để kiếm tiền sản xuất vụ lúa trên 5 công đất ruộng của gia đình. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn, Mặt trận Tổ quốc xã Phước Minh giúp đỡ gia đình ông N bằng cách cho vay 5 triệu đồng không lãi suất để ông mua lúa giống, phân bón về canh tác.

Nhờ sự hỗ trợ, vợ chồng ông N xuống giống kịp thời vụ. Hiện nay, ruộng lúa đang xanh tốt và hứa hẹn một mùa bội thu. Hằng ngày, ông N vẫn tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thuê làm mướn trả góp số tiền đã vay và nuôi con ăn học. “Tôi cảm ơn chính quyền đã quan tâm, giúp đỡ để tôi có công ăn việc làm. Giờ cuộc sống đã ổn định, tôi ráng trả hết số tiền 5 triệu đồng và hy vọng được vay vốn lớn hơn để phát triển kinh tế gia đình”- ông N nói.

Anh T ở ấp B2 cũng từng vướng vào vòng lao lý, sau khi chấp hành xong hình phạt theo bản án, anh T trở về gia đình quyết chí gây dựng lại cuộc sống. Trước hoàn cảnh anh T không có nghề nghiệp ổn định, không có tài sản hay nguồn thu nhập nào khác, con lại còn nhỏ, Mặt trận Tổ quốc xã cho anh T vay 5 triệu đồng không lãi suất để vợ chồng anh mở quán bán thức ăn sáng cho bà con trong xóm. Tuy nhiên, mở quán bán canh, hủ tíu chưa được bao lâu thì vợ anh T mắc bệnh. Anh lo chữa trị cho vợ nên ngưng việc buôn bán. Hiện nay, sức khoẻ của vợ anh T đã hồi phục, hai vợ chồng không còn vốn để mở lại quán ăn nên tiếp tục làm thuê làm mướn kiếm tiền sinh sống và trả góp số tiền đã vay. Anh T mong đến ngày trả hết số tiền 5 triệu đồng sẽ xin vay đợt vốn mới để mở lại quán bán thức ăn cho người dân địa phương.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng- Trưởng Công an xã Phước Minh cho biết, Công an xã đang quản lý 41 người chấp hành xong án trở về địa phương sinh sống. Những người này khi về địa phương đều yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2022 đến nay, không có trường hợp nào tái vi phạm pháp luật. Khi người chấp hành xong án về địa phương trình diện, phía Công an phối hợp với các đoàn thể hỗ trợ tư vấn về công việc, cách sống, tuyên truyền giáo dục pháp luật, định hướng nghề nghiệp. Sau đó đi thực tế đến nhà từng người xem họ cần hỗ trợ gì.

Anh T trình bày với Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng về hoàn cảnh của mình

Trong năm 2022, có 3 trường hợp chấp hành xong bản án trở về địa phương sinh sống. Trong đó có một người trước đây gây tai nạn giao thông, 2 trường hợp còn lại từng phạm tội hình sự. Mỗi người được hỗ trợ vốn 5 triệu đồng. Nguồn vốn được trích từ Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc xã Phước Minh. Đến nay, cả 3 trường hợp đều ổn định cuộc sống. Những năm trước, trung bình mỗi năm, các hội, ngành, đoàn thể của xã đều phối hợp hỗ trợ vốn cho 2-3 đối tượng. “Giúp đỡ, hỗ trợ người sau khi chấp hành án hình sự quay trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng được ngành Công an xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng”- Trưởng Công an xã Phước Minh nhấn mạnh.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, công tác quản lý người tái hoà nhập tại cộng đồng có những thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là được sự quan tâm của các hội, đoàn thể của xã trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách pháp luật của Nhà nước và giúp đỡ cách làm ăn, sinh sống. Khó khăn là đa số những người tái hoà nhập cộng đồng không có nghề nghiệp ổn định. Khi chấp hành án xong, một số trường hợp làm ăn sinh sống tại địa phương thì tương đối dễ giúp đỡ, có người rời khỏi địa phương không thể liên lạc được để hỗ trợ.

Qua đợt giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, việc quản lý người chấp hành án xong tại nhiều xã, phường còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành chức năng, việc quản lý nhiều nơi còn mang tính hình thức, do nhiều hội, đoàn thể địa phương vẫn còn xem đây là việc riêng của ngành Công an, chủ yếu vẫn do lực lượng Công an thực hiện. Trong khi đó, Công an địa phương thường quá tải vì phải đảm trách nhiều công việc, nhiệm vụ.

Tất cả các nguyên nhân này dẫn đến tỷ lệ tái vi phạm pháp luật của các đối tượng sau khi chấp hành án hình sự vẫn còn khá cao. Mặt khác, người chấp hành án xong khi về địa phương thường có tâm lý chán nản, bấp bênh do không có nghề nghiệp, hàng xóm, người quen và thậm chí là gia đình cũng có định kiến, né tránh. Tuy nhiên, một số địa phương, trong đó có các ban, ngành, đoàn thể của xã Phước Minh cùng lực lượng Công an xã làm nòng cốt đã từng bước khắc phục khó khăn, làm tốt công tác quản lý và hỗ trợ người tái hoà nhập cộng đồng, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Đại Dương